Nữ y tá bật khóc xin nghỉ việc vì bị cấm đeo khẩu trang N95 trong lúc điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19
Vera có những hóa đơn phải thanh toán và cô cũng rất yêu công việc ở bệnh viện. Nhưng ngày 30/3, nữ y tá vẫn quyết định từ bỏ mọi thứ để đổi lại sinh mạng của chính mình và người thân trong gia đình.
Dịch bệnh đang tiếp tục bùng phát mạnh mẽ ở Mỹ khi có hơn 290.000 người nhiễm Covid-19 và ít nhất 7.844 người tử vong. Đáng chú ý, trong số những người nhiễm bệnh, có không ít trường hợp là các nhân viên y tế ở tiền tuyến.
Vào ngày 31/3 vừa qua, bác sĩ Frank Garbin đã qua đời tại nhà riêng ở bang New Jersey trong vòng tay của người thân, chỉ sau một tuần nhiễm virus. Sự ra đi của ông khiến người dân Mỹ vô cùng thương tiếc, ngoài ra còn cho thấy thực trạng nhức nhối rằng nhiều bệnh viện vẫn chưa có biện pháp cứng rắn để bảo vệ đội ngũ y bác sĩ của mình.
Trong tình trạng thiếu hụt như vậy, nữ y tá Imaris Vera ở Chicago đã tự mua cho mình khẩu trang N95. Tuy nhiên cô cho biết, cấp trên đã cấm cô sử dụng vì "dễ khiến mọi người nghĩ rằng phòng ICU (chăm sóc tích cực) của bệnh viện đang chuyên trách điều trị người mắc Covid-19".
Nữ y tá Imaris Vera, 30 tuổi
Vera đã có hơn 3 năm kinh nghiệm về chăm sóc chấn thương, hậu phẫu, tim mạch và chăm sóc tích cực toàn thời gian. Cô muốn gắn bó với sự nghiệp của mình để giúp ích cho cộng đồng, nhưng vừa dứt khoát xin định thôi việc. Sau đó, Vera bật khóc giải thích lý do cụ thể trong một đoạn clip đăng lên Instagram ngày 30/3:
Hôm nay, tôi đã chọn mạng sống của mình và các thành viên trong gia đình - những người mắc bệnh lý nền và chắc chắn sẽ không được thở máy nếu họ nhiễm Covid-19 từ chính tôi!
Tôi đã có suy nghĩ hoàn toàn khác khi đến phòng ICU vào sáng nay. Tôi kỳ vọng tất cả mọi bác sĩ và y tá sẽ được mang khẩu trang N95, nhưng chẳng ai đeo bất cứ loại khẩu trang nào.
Sau đó, một y tá đến và phát cho mỗi người một chiếc N95 duy nhất, kèm theo một túi giấy màu nâu để bảo quản và tái sử dụng hàng ngày. Tôi hỏi rằng: "Vậy phải làm thế nào nếu khẩu trang đã bị nhiễm bẩn? Sự an toàn của chúng tôi thì sao?".
Quản lý đã nói: "Sức khỏe của các nhân viên là ưu tiên hàng đầu, nếu có đủ nguồn cung cấp thì trong tuần tới mọi người sẽ được mang khẩu trang y tế".
Tôi đã phản đối rằng loại khẩu trang ấy không đủ để bảo vệ những người ở phòng ICU, tuy nhiên cấp trên chỉ đáp "đang làm theo hướng dẫn của CDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ)".
Tôi trả lời: "90% bệnh nhân của chúng ta đã được đặt nội khí quản, họ nằm đau đớn trên giường và dương tính với virus. Chúng ta phải đề phòng trường hợp tất cả mọi người trong bệnh viện đều có nguy cơ lây nhiễm virus corona".
Tôi còn kể với cấp trên về những y tá từng mang khẩu trang y tế, và giờ họ phải nằm trong phòng ICU, đặt nội khí quản và đang chiến đấu cho mạng sống của mình. Nói đến đây thì nước mắt rơi xuống và kính bảo hộ của tôi mờ nhòe đi…
Sau đó tôi tự hỏi mình: "Làm sao để trả hóa đơn, tiền nhà và thực phẩm hàng ngày bây giờ?".
Một lần cuối cùng, tôi cầu xin trong nước mắt: "Liệu tôi có thể mang khẩu trang N95 của mình hay không? Tôi hiểu là chúng ta đang thiếu hụt nhưng tôi đã TỰ MÌNH chuẩn bị sẵn rồi".
Người quản lý cho biết tôi không thể làm như vậy. Cuối cùng, tôi nộp báo cáo rồi rời đi... Nước Mỹ đã không chuẩn bị sẵn sàng và các y tá không an toàn!
Bài đăng của Imaris Vera đã có hơn 144.000 lượt xem và 3.400 bình luận
Điều đáng buồn nhất là tình cảnh tương tự như Vera đang diễn ra ở nhiều bệnh viện khác trên khắp nước Mỹ. Một y tá ở Missouri cũng từ chức khi không thể mang khẩu trang N95 mà mình tự trang bị. Ở California, các y tá đã cáo buộc tập đoàn y tế Kaiser Permanente đe dọa sa thải nhân viên nếu họ vẫn "cứng đầu" đeo khẩu trang N95.
Đáp lại, ngày càng có nhiều người ở tuyến đầu chống dịch Covid-19 đấu tranh cho sự an toàn của mình. Hôm 2/4, các y tá ở Trung tâm y tế Montefiore thuộc thành phố New York - tâm dịch của cả nước - đã cùng nhau đòi được cung cấp khẩu trang N95, đồ bảo hộ và các thiết bị y tế khác.
(Theo Health)