Nữ sinh đi làm thêm dịp Tết bị lừa gần 250 triệu đồng bằng chiêu thức đơn giản, ngậm ngùi: "Cha mẹ sợ mình làm chuyện gì dại dột..."
Đi làm thêm dịp Tết Nguyên đán, nữ sinh đã bị lừa chuyển khoản tiền theo cách mà sinh viên nào cũng dễ mắc bẫy.
Mới đây, dân mạng xôn xao về một vụ việc nữ sinh bị lừa mất gần 250 triệu đồng khi đi làm thêm dịp cận Tết Nguyên đán.
Cụ thể, trong một hội nhóm trên Facebook, nữ sinh có tên T.H (21 tuổi, Hà Nội) cho biết đã tìm đến một công việc làm thêm. Cô bạn liên hệ thông qua tài khoản Zalo của một người lạ.
Nữ sinh tìm việc làm thêm trên mạng xã hội. Sau đó nhận 1 công việc yêu cầu phải chuyển tiền cho đơn hàng trên sàn thương mại điện tử. Nếu chuyển thành công sẽ nhận lại số tiền của mình, đi kèm 10% hoa hồng.
Đối tượng tự nhận là T.Q, nhân viên hỗ trợ tuyển người làm
Đối tượng có tên là T.Q, tự nhận là nhân viên hỗ trợ tuyển người làm. T.Q giới thiệu nữ sinh đến một trang gọi là đánh giá sản phẩm trên một trang thương mại điện tử theo kiểu "mua hàng ảo, đánh giá thật, chuyển khoản thật".
Cụ thể, nữ sinh T.H sẽ phải chuyển khoản một số tiền (ít nhất 500.000 đồng) để mua sản phẩm trên sàn thương mại điện tử. Sau đó các shop bán hàng sẽ gửi lại tiền đó, đi kèm tiền hoa hồng.
Điều này được T.Q giải thích là: "Trên mạng có rất nhiều gian hàng kinh doanh buôn bán. Để gian hàng của họ được top hay được đánh giá là shop yêu thích, họ cần lượng CTV đặt đơn để tạo tương tác vì vậy họ thuê bạn là người mua hàng để làm nhiệm vụ".
Sau mỗi đơn hàng như vậy, nữ sinh T.H sẽ nhận được hoa hồng là 10% giá trị đơn hàng.
Người này còn lý giải rằng: "Đơn hàng bạn đang làm như vậy là 500.000 đồng thì hoa hồng nhận được là 50.000 đồng. Vậy tổng shop hoàn trả cho bạn là 550.000 đồng. Và nếu bạn làm nhiệm vụ tốt thì hệ thống sẽ nâng mức hoa hồng của bạn lên từ 15 - 20%. Mỗi ngày bạn sẽ làm tối đa 5 nhiệm vụ".
T.Q liên tục gửi ảnh mã số thuế, CMND... để tạo sự tin tưởng từ sinh viên
Cứ thế, nữ sinh T.H đã chuyển cho bên kia số tiền lên đến 243 triệu nhưng vẫn chưa nhận được đồng hoa hồng nào
Để tạo lòng tin, T.Q ban đầu chủ động hỏi rất kĩ về nữ sinh như độ tuổi, công việc hiện tại... để tạo sự tin tưởng. Người này cũng gửi cả ảnh CMND của bản thân (khả năng là giả) để nữ sinh tin tưởng.
Trong một vài giao dịch đầu, T.Q cũng gửi lại số tiền và hoa hậu đúng như cam kết để nữ sinh T.H tin tưởng. Tuy nhiên càng về sau, khi đến giao dịch lớn thì người này lại mất hút và biện minh nhiều lý do.
Cứ như vậy, nữ sinh T.H đã thực hiện nhiều giao dịch mua nhận hàng như vậy. Số tiền chuyển khoản ban đầu chỉ là 500.000 đồng, nhưng sau đó tăng dần đến cả triệu bạc, đỉnh điểm là có hoá đơn gần 100 triệu đồng.
Đến hiện tại, T.H đã chuyển khoản tổng cộng 243 triệu nhưng vẫn chưa nhận được bất kì đồng hoa hồng nào.
Nhiều giao dịch chuyển khoản của T.H lên đến cả gần 90 triệu đồng
Liên hệ với nạn nhân, T.H cho biết vẫn chưa hết bàng hoàng với câu chuyện lừa đảo trên. Nữ sinh cho biết bên công ty kia vẫn tiếp tục ngày ngày nhắn tin cho T.H để "khuyên" cô tiếp tục chuyển tiền.
Gia đình T.H cũng biết chuyện và đã trình báo cơ quan công an. Hiện tại các cơ quan chức năng đang tiến hành làm việc và lấy lời khai của nạn nhân.
Cô bạn tâm sự thêm: "Gia đình mình sau khi biết chuyện cũng không có trách móc, chỉ biết động viên con vượt qua chuyện này. Mình không phải cố tình chuyển khoản nhiều như vậy, bản thân cũng rất hối hận khi để mình là nạn nhân.
Ba mẹ cũng lo lắng sợ mình sẽ làm chuyện gì dại dột. Mình đăng tải câu chuyện này lên với hi vọng sẽ không có các bạn sinh viên khác vướng vào tình cảnh như này dịp Tết".
Cận Tết Nguyên đán là dịp mà các bạn sinh viên tranh thủ đi làm thêm vì nhiều nơi sẽ tăng gấp 2-3 lần tiền lương vào những ngày này. Tuy nhiên, bạn cần cẩn trọng trước các mưu mẹo lừa đảo khi đi làm.
Cần tuyệt đối tránh những công việc yêu cầu phải chuyển khoản trước, công ty không rõ tên tuổi... Đặc biệt, nếu có gặp trường hợp bất trắc, nhất định phải liên hệ lại với gia đình chứ tuyệt đối không làm những chuyện dại dột, gây ảnh hưởng đến bản thân.
Ảnh: Nhân vật cung cấp