Nụ hôn vĩnh biệt của người vợ trước khi hiến tạng chồng: Phép màu không đến với anh, nhưng đến với 5 người khác
Giờ phút chia ly, chị cúi xuống bên anh, cầm tay anh thật chặt... Chị biết, chị và anh đã thực sự phải nói lời tạm biệt. Sau nụ hôn vĩnh biệt, anh được rút ống thở. Một phút mặc niệm kíp y bác sĩ cúi mình trước anh.
Người vợ nhẹ nhàng viết: "Phép màu không đến với anh, nhưng đến với 5 người, đó là điều em thấy vui nhất... Mọi người phải sống khỏe mạnh đấy! Nếu có duyên chúng ta sẽ còn gặp lại"...
Chị Phương nhìn chồng lần cuối trên giường bệnh, trước khi anh bước vào cuộc đua sinh tử của chính mình. Chẳng ai rõ, trong cuộc sống hôn nhân của anh chị có bao nhiêu nụ hôn được đong đếm. Nhưng chúng ta chắc chắn một điều, nụ hôn cuối cùng chị dành cho anh, là nụ hôn hạnh phúc nhất, tuyệt vời nhất và xúc động nhất.
Chị Phương cầm chặt tay, hôn chồng lần cuối trên giường bệnh - Ảnh: Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia
Giờ phút chia ly. Chị cúi xuống bên anh, cầm tay anh thật chặt... Chị biết, chị và anh đã thực sự phải nói lời tạm biệt. Sau nụ hôn vĩnh biệt, anh được rút ống thở. Một phút mặc niệm kíp y bác sĩ cúi mình trước anh.
Trước lúc lâm chung, anh đã dặn dò chị, rằng anh muốn dành tim, gan... của mình cho những người bệnh ở lại. Chị sợ mất anh, chị vẫn hy vọng điều đó không xảy ra. Chị không đồng ý.
Nhưng rồi anh không qua khỏi... Thời khắc ấy, chị nhớ tới lời anh dặn. Chị yêu anh và muốn anh an lòng khi ra đi. Chị mong muốn, anh tiếp tục được sống bằng một cách đặc biệt, trong hình hài của những người khác.
Dù bệnh trọng nhưng anh Quý vẫn luôn lạc quan trên giường bệnh - Ảnh: Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia
Anh Dương Hồng Quý (43 tuổi) phát hiện bị mắc bệnh dị dạng mạch máu não vào tháng 11 năm nay. Biết mình sẽ phải ra đi, anh đã gọi toàn thể gia đình tới đề nghị được hiến toàn bộ nội tạng. Anh còn nói đùa cho mọi người vui là bệnh của anh do "lỗi của nhà sản xuất" và quay sang "bắt đền" mẹ.
Sau khi tiếp nhận thông tin, Trung tâm được biết bệnh nhân Dương Hồng Quý đang nằm tại Bệnh viện Bạch Mai. Ban Lãnh đạo Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã quyết định phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức để đưa bệnh nhân về Bệnh viện Việt Đức. Ban lãnh đạo, các cán bộ và đội ngũ y bác sỹ bệnh viện Việt Đức đã hết lòng hồi sức tích cực cho bệnh nhân Quý nhưng anh không thể qua khỏi. Các bác sỹ đã thực hiện ca nhận tạng theo nguyện vọng của anh Quý và gia đình.
Anh đã gửi lại trái tim, phổi, gan và 2 thận của mình trong cơ thể của 5 người bệnh nặng. Các bệnh nhân được ghép đều đã ổn định. Trong đó tim, gan, phổi và 1 thận được ghép tại Bệnh viện Việt Đức, 1 thận được chuyển cho 1 bệnh nhi tại Bệnh viên Nhi đồng 2 (Thành phố Hồ Chí Minh). Đặc biệt, phổi của anh Quý đã được kíp y bác sỹ bệnh viện Việt Đức thực hiện ghép cho 1 bệnh nhi 17 tuổi. Đây là lần thứ 2 Việt Nam ghép phổi từ người cho chết não.Anh Quý cắt móng chân cho con trai lớn - Ảnh: Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia
Anh Quý cắt móng chân cho con trai lớn - Ảnh: Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia
Để vận chuyển thận vào ghép cho bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng 2, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã được sự hỗ trợ nhiệt tình của hãng hàng không Quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines trong 2 chuyến bay, 1 chuyến bay vận chuyển máu của người hiến vào Bệnh viện Nhi đồng 2 và 1 chuyến bay vận chuyển thận vào để ghép cho bệnh nhân đang chờ đợi.
"Tôi cảm thấy nhẹ lòng và không còn băn khoăn điều gì vì đã thực hiện được những mong muốn của người mà tôi yêu thương. Tôi nghĩ rằng anh ra đi thanh thản!" - chị nói.
Hình ảnh gia đình anh Quý - Ảnh: Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia
Lúc sinh thời, anh Quý là người vui vẻ. Anh thích chăm sóc người thân, dù con trai đã lớn nhưng anh vẫn luôn dành thời gian cắt móng chân cho con. Trên giường bệnh, anh vẫn luôn lạc quan, vui vẻ với tâm thế sẵn sàng trong bất cứ trường hợp nào.
Hiến tạng là một nghĩa cử cao đẹp. Cho đi là còn mãi, sự sống cứ thế nối tiếp nhau, nó không mất đi mà truyền từ người này qua người khác. Một ca hiến tạng trọn vẹn về mọi nghĩa, anh Quý trở thành người đầu tiên ở Việt Nam hiến một lúc đến 6 tạng.