Nữ doanh nhân đưa những chiếc dương cầm giá hàng tỷ đồng, đắt đỏ top đầu thế giới về Việt Nam: Tôi muốn tạo ra sân chơi cho giới tinh hoa
Mới đây, Renaissance Collection đã thành công thuyết phục 2 thương hiệu dương cầm thuộc ‘tứ trụ’ thế giới là Bösendorfer và Blüthner mở rộng thị trường đến Việt Nam. Những chiếc đàn ‘siêu phẩm’ chuyên dành cho giới chuyên nghiệp có mức giá từ 80 triệu đồng đến 10 tỷ đồng. Nghệ sỹ Thanh Bùi – doanh nhân Nhung Nguyễn chính là những người đại diện của Renaissance Collection.
Mới đây, giới âm nhạc cũng như những người yêu dương cầm đã rất háo hức khi biết 2 thương hiệu chuyên sản xuất đàn dương cầm hàng đầu thế giới là Bösendorfer và Blüthner đã xuất hiện ở Việt Nam. Nghệ sỹ Thanh Bùi – doanh nhân Nhung Nguyễn chính là những người đại diện của Renaissance Collection.
Những ‘siêu phẩm’ của giới dương cầm này đã được trưng bày tại một không gian đầy sáng tạo ở đường Đồng Khởi – Quận 1 – TP.HCM, nơi dự án Aria Collectives hay dùng để tổ chức các sự kiện dành cho giới tinh hoa. Aria Collectives là nơi mọi ranh giới được xóa nhòa và mọi hình thức nghệ thuật đều có thể đứng cạnh nhau, để tạo nên những sự kiện truyền cảm hứng.
Hành trình của Aria Collectives bắt đầu từ việc chinh phục vẻ đẹp nguyên bản của nội thất biểu tượng Ý cùng các buổi đối thoại về thiết kế với các tên tuổi hàng đầu thế giới như Philippe Starck, Giulio Cappellini, Carlo Colombo, Patricia Urquiola, Naoto Fukasawa…Việc đưa về Việt Nam thành công hai thương hiệu thuộc "tứ trụ dương cầm" thế giới là Blüthner và Bösendorfer, chính là cột mốc tiếp theo.
Và để hiểu rõ hơn về hành trình của Renaissance Collection cũng như Aria Collectives, chúng tôi đã có cuộc trao đổi đầy thú vị với người đại diện – doanh nhân Nhung Nguyễn.
PHÂN KHÚC KHÁCH HÀNG CỦA BÖSENDORFER VÀ BLÜTHNER LÀ SIÊU CAO CẤP
Thưa chị, trong quá trình đưa những sản phẩm của Bösendorfer và Blüthner về thị trường Việt Nam, chị đã gặp những khó khăn gì?
Tương tự như đồng hồ, piano cũng có Big4 (tứ trụ dương cầm) trên thế giới. Trong đó, Bösendorfer là hãng lớn nhất thế giới và 3 thương hiệu còn lại là Steinway & Sons, C. Bechstein và Blüthner. Hai thương hiệu Steinway & Sons cùng C. Bechstein đã có mặt tại Việt Nam.
Riêng Bösendorfer và Blüthner dù rất nổi tiếng, chuyên dành cho giới chuyên nghiệp trên thế giới, nhưng chưa phổ biến tại Việt Nam. Vì chưa phổ biến, nên khi mang đàn về Việt Nam, Renaissance Collection phải giáo dục - educate thị trường từ đầu về nhận diện, cũng như giá trị - điểm đặc biệt của hai thương hiệu này.
Blüthner là thương hiệu lâu năm của Đức. Dù không cần làm truyền thông nhưng họ vẫn có lượng khách rất lớn trên thế giới. Song vì là doanh nghiệp gia đình, nên khi muốn hợp tác, Renaissance Collection cần phải đến gặp, trao đổi, trò chuyện và thuyết phục họ trực tiếp, để mang Blüthner về Việt Nam - vốn được biết đến là một đất nước chưa nổi trội về nhạc cổ điển.
Renaissance Collection cần phải làm rất nhiều điều để họ tin là Renaissance Collection phù hợp làm đối tác của họ tại thị trường Việt Nam
Về thuận lợi, Renaissance Collection cũng sở hữu bộ hồ sơ các dự án liên quan đến nhạc cổ điển cũng như các chương trình âm nhạc kết hợp cùng Yamaha - đơn vị sau này đã trở thành đơn vị truyền thông cho Bösendorfer, cùng nhiều sự kiện triển lãm, văn hóa và nhạc cổ điển.
Chiếc đàn này đã có chủ nhân ở Việt Nam.
Nghệ sĩ Lưu Đức Anh trình diễn với đàn Bösendorfer Dragonfly.
Điều đó cũng củng cố thêm sự kết nối giữa Renaissance Collection với âm nhạc. Và cũng nhờ lý lịch - portfolio đó, mà chúng tôi đã có thể thương thảo và thuyết phục Blüthner & Bösendorfer.
Song song đó, Renaissance Collection cũng phải chứng minh về năng lực về chuyên môn – tài chính của mình với hai thương hiệu dương cầm này, để có thể gầy dựng sự tin tưởng. Và Renaissance Collection đã làm được điều đó.
Vậy mức giá cụ thể hoặc khoảng giá trung bình của các cây đàn của 2 thương hiệu Bösendorfer và Blüthner tại Việt Nam là bao nhiêu? Nó có chênh lệch nhiều so với thế giới?
Renaissance Collection hiện có 3 dòng sản phẩm dành cho giáo dục - education, chuyên nghiệp - professional và dòng siêu sang - luxury living.
Với thương hiệu Blüthner: Mức giá có thể dao động từ 80 triệu đồng đến 10 tỷ đồng. Riêng dòng chuyên nghiệp và xa xỉ thì mức giá có thể dao động từ 500 triệu đồng đến 10 tỷ đồng. Bởi những chiếc đàn đó không chỉ đơn thuần là một nhạc cụ, mà còn là các tác phẩm nghệ thuật có thể làm đẹp cho bất cứ không gian nào.
Với thương hiệu Bösendorfer: các sản phẩm dao động từ mức giá 5 tỷ đồng trở lên.
Những mức giá nói trên có thể gọi là rẻ hơn hoặc bằng so với thị trường thế giới!
Vậy đã có khách hàng đặt mua hay chưa? Phân khúc khách hàng mà nhà nhập khẩu hướng tới cụ thể là gì, thưa chị?
Những cây đàn thuộc dòng sản phẩm cao cấp đã có chủ sở hữu. Và trong đợt nhập khẩu sản phẩm mới nhất, cũng đã có một cây đàn thuộc dòng luxury của Blüthner tìm được chủ sở hữu. Tất nhiên phân khúc khách hàng của chúng là siêu cao cấp (ultra-luxury client).
LÀM SAO ĐỂ NGƯỜI TA CẢM NHẬN SẢN PHẨM MÌNH ĐANG KINH DOANH CHÍNH LÀ NGHỆ THUẬT
Còn dự án Aria Collectives ra đời với mục tiêu là gì?
Aria Collectives ra đời nhằm tạo ra sân chơi và nơi giao lưu cho nhóm đối tượng tinh hoa. Tinh hoa trong từ điển của Aria Collectives là những người đã vượt qua những nhu cầu bề mặt vật chất thông thường và thật sự quan tâm về giá trị của ý tưởng, sự sáng tạo, ước mơ và những giá trị hướng đến cộng đồng.
Dự án Aria Collectives sẽ là nơi kết nối nhóm người tinh hoa ấy, để từ đó, họ sẽ tỏa ra những hệ giá trị mới, tạo nên hình ảnh mới của Việt Nam. Qua đó, có thể giới thiệu những giá trị tinh hoa của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Vậy đây là dự là dự án xã hội hay kinh doanh, thưa chị?
Aria Collectives là dự án giao thoa giữa thương mại nghệ thuật và văn hóa cộng đồng. Chúng tôi có lẽ sẽ không cần phân định quá rõ ràng hai yếu tố ấy. Bởi khi yếu tố thương mại xảy ra sẽ tạo nên một tiếng vang và sự kết nối cho văn hóa cộng đồng.
Tôi cũng muốn chia sẻ thêm về một trong những lý do mà Aria Collectives được ra đời. Đó là nhằm kết nối những dự án thương mại siêu sang hiện hữu khác tại tập đoàn. Aria Collectives sẽ là nơi nâng tầm trải nghiệm cho tệp khách hàng thượng lưu.
Khi phục vụ nhóm khách hàng này, trong các dự án hướng đến cộng đồng, dù chúng tôi không đề cập đến yếu tố thương mại thì họ vẫn mặc nhiên hiểu rằng mình cũng đang truyền thông về sản phẩm.
Trong những chương trình tọa đàm về nghệ thuật, buổi hòa nhạc tại nhà thờ hay các chương trình dành riêng cho cộng đồng mà chúng tôi đã từng tổ chức trước đây, chúng tôi nhận thấy khách hàng của mình rất hạnh phúc. Họ cảm nhận được sự đầu tư cho những sản phẩm này, không chỉ dừng lại ở việc mua bán, cung-cầu mà sẽ còn được dùng để phục vụ cho những mục tiêu ý nghĩa khác.
Tôi tin vào nhóm khách hàng ngách - niche này. Dù chỉ chiếm tỷ lệ rất ít, nhưng một người như họ cũng có thể ảnh hưởng đến rất nhiều người xung quanh. Có thể nói, họ chính là những nhân tố quan trọng khi nói đến dự án văn hóa cộng đồng và dự án nghệ thuật để nâng cao tầm mức của người Việt Nam.
Theo chị, kinh doanh nghệ thuật khó hay dễ?
"Kinh doanh nghệ thuật" là một cụm từ rất hay. Thông thường, người ta hay phân định "kinh doanh" - "nghệ thuật" và mượn nghệ thuật để làm ngôn ngữ phục vụ cho câu chuyện buôn bán.
Song, tất cả những gì chúng tôi làm đều được quan niệm là nghệ thuật chứ không phải là sản phẩm vật chất. Một chiếc ghế, một cây đàn, một chiếc bàn hay bất kỳ sản phẩm nào cũng đều có những câu chuyện riêng biệt phía sau.
Lúc này, đó không chỉ đơn thuần là một vật thể mà xa hơn, chúng còn phản ánh và một phần nói lên tính cách, góc nhìn, quan điểm và lối sống của chủ sở hữu. Đó chính là nghệ thuật!
Đối với tôi, kinh doanh nghệ thuật hoàn toàn không khó. Nhưng làm sao để khiến người ta cảm nhận được sản phẩm mình đang kinh doanh chính là nghệ thuật thì cái đó mới là khó.
Cảm ơn ơn chị rất nhiều!