Nữ CEO đầu tiên của một ngân hàng lớn phố Wall: Bạn sẽ có tất cả, nhưng không phải cùng một lúc

15/12/2020 09:08 AM | Kinh doanh

Jane Fraser khuyên những người trẻ tuổi đừng quá nóng lòng đạt được tất cả các mục tiêu trong sự nghiệp.

Việc bà Jane Fraser được bổ nhiệm là nữ CEO đầu tiên của một ngân hàng lớn tại phố Wall là thành công lớn, không chỉ với cá nhân bà Fraser mà còn với những người đang hy vọng có thể cân bằng tham vọng nghề nghiệp với cuộc sống riêng tư của bản thân.

Nhưng khi được hỏi về thành công của mình, nữ CEO 53 tuổi khẳng định: những người có khát khao thăng tiến trong công việc đều sẽ có được những gì mình mong muốn, dẫu rằng không phải cùng một lúc.

Tháng 9 vừa qua, bà Jane Fraser được bổ nhiệm làm CEO của Citigroup và dự kiến sẽ tiếp quản quyền lực từ ông Michael Corbat vào năm sau. Bà Fraser sẽ là nữ lãnh đạo đầu tiên của một trong 4 ngân hàng lớn nhất Phố Wall, bên cạnh Bank of America, JPMorgan Chase và Wells Fargo.

“Cả nam lẫn nữ giới đều phải đối mặt với một số áp lực khủng khiếp, đến mức người khác tưởng họ là siêu nhân và điều đó là không thực tế", bà Fraser chia sẻ tại Lễ hội FinTech của Singapore hồi đầu tháng 12. “Lời khuyên của tôi là, bạn có thể chạm đến đỉnh cao danh vọng, nhưng đừng mong mọi mục tiêu sẽ về đích cùng lúc".

Người phụ nữ 53 tuổi từng làm bán thời gian cho tập đoàn tư vấn McKinsey khi 2 đứa con của mình còn nhỏ đã có một lời khuyên dành cho những người trẻ tuổi là đừng quá vội vã thăng tiến trong công việc.

"Sự nghiệp của bạn sẽ được tính bằng nhiều thập kỷ và có thể trải qua nhiều công việc trong suốt cuộc đời. Vì thế, hãy đảm bảo rằng bạn thực sự tận hưởng từng giai đoạn và tận dụng tối đa mọi cơ hội. Đừng cố gắng hoàn thành hết mọi mục tiêu cùng lúc và tạo ra quá nhiều áp lực cho bản thân", bà Fraser nhấn mạnh.

Lời khuyên từ CEO cho CEO

Lời khuyên của bà Jane Fraser là một triết lý mà bà được kế thừa từ cựu CEO Citigroup Vikram Pandit, trong thời gian làm cấp dưới thân tín của ông những năm 2004-2012.

Bà Fraser kể lại, có một ngày, ông Pandit đã mời bà chia sẻ mục tiêu nghề nghiệp của mình. Bà đã trình cho vị cấp trên một tờ giấy phác thảo các mục tiêu thăng tiến của bản thân cùng các kỹ năng cần thiết để đạt được chúng. Nhưng ông Pandit đã phản đối toàn bộ kế hoạch này.

“Ông ấy nói: cô phải nghĩ làm thế nào để thu nhặt những kiến thức và kinh nghiệm sẽ giúp cô thành công trong từng vị trí, chứ không phải về những kinh nghiệm giúp cô leo lên vị trí đó”, bà Fraser chia sẻ.

“Đó là lời khuyên đã thay đổi cuộc đời tôi, vì sau đó tôi bắt đầu thử sức với nhiều công việc hoàn toàn khác nhau và chúng không nhất thiết phải hợp ý số đông", bà Fraser nói tiếp.

Trên thực tế, trong 16 năm làm việc tại Citigroup, bà Fraser đã thử sức với nhiều vai trò khác nhau trong lĩnh vực ngân hàng, từ bộ phận đầu tư và tư nhân của tập đoàn cho đến hoạt động kinh doanh thế chấp, thậm chí là hoạt động của các chi nhánh ở Mỹ Latinh. Kinh nghiệm đa dạng này đã giúp bà có cơ hội tiếp xúc với nhiều khâu vận hành, công nghệ và rủi ro của một loạt các lĩnh vực kinh doanh khác nhau.

“Triết lý đó khiến tôi bắt đầu tư duy về những kinh nghiệm mà bản thân cần trang bị để đảm nhận một vị trí cao cấp hơn”, bà Fraser nhấn mạnh.

Nhân viên là trên hết

Bà Fraser hy vọng sẽ thấm nhuần triết lý trên trong đội ngũ nhân viên của Citigroup khi tiếp quản công việc của ông Corbat vào năm tới, đồng thời cũng sẽ học hỏi từ các chính sách mà CEO hiện tại đã thực hiện trong đại dịch.

Ông Corbat rõ ràng đã đặt lợi ích của nhân viên lên hàng đầu, bà Fraser khẳng định.

“Chúng ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng y tế và nếu chúng ta không đặt sức khỏe và sự an toàn của nhân viên lên làm đầu, không thấu hiểu cuộc sống của họ, thành thật mà nói, tôi nghĩ đội ngũ quản lý của ngân hàng đang làm việc quá tệ", bà Fraser cho hay.

Để khuyến khích nhân viên, Citigroup đã đưa ra những chính sách hỗ trợ phù hợp như các quyền lợi về sức khỏe và chăm sóc trẻ em, tăng thời gian nghỉ phép, tặng các giải thưởng trị giá 1.000 USD cho một số nhân viên có thu nhập dưới 60.000 USD/năm.

“Các nhân viên đã đáp lại thành ý của ngân hàng một cách đáng kinh ngạc, vì khi họ hiểu cuộc sống của gia đình được đảm bảo, họ sẽ tập trung và quan tâm chăm sóc khách hàng chu đáo hơn”, bà Fraser lý giải.

Đỗ Hiền

Cùng chuyên mục
XEM