Nóng: Starbucks vừa sa thải CEO 'ngay lập tức', loay hoay vực dậy công ty

13/08/2024 19:32 PM | Kinh doanh

CEO Starbucks vừa mất chức chỉ sau hơn 1 năm ngồi ghế nóng.

Nguồn tin cho biết, Starbucks vừa bổ nhiệm giám đốc hiện tại của Chipotle Mexican Grill là Brian Niccol làm CEO tiếp theo. Sự thay đổi đột ngột về mặt quản lý đối với chuỗi cà phê lớn bậc nhất thế giới diễn ra khi họ đang nỗ lực xoay chuyển tình hình kinh doanh và cạnh tranh với các nhà đầu tư tích cực.

Cụ thể, hôm thứ 3 Starbucks cho biết ông Niccol sẽ bắt đầu làm CEO và chủ tịch điều hành của hội đồng quản trị vào ngày 9/9. Giám đốc điều hành hiện tại của Starbucks là Laxman Narasimhan sẽ từ chức CEO và giám đốc hội đồng quản trị ngay lập tức.

Mellody Hobson, nữ chủ tịch điều hành của Starbucks từ năm 2021, sẽ trở thành giám đốc độc lập cao cấp.

Hobson cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ ba rằng công ty đã bắt đầu thảo luận về việc thay đổi lãnh đạo cách đây khoảng hai tháng và đã liên hệ với Niccol. Bà cho biết quyết định chọn ông là quyết định được đưa ra hoàn toàn bởi hội đồng quản trị của Starbucks cùng với cựu CEO của Starbucks là Howard Schultz. Quyết định được đưa vào các cuộc thảo luận cách đây khoảng một tuần. Schultz đã gặp Niccol và chấp thuận.

Schultz cho biết trong một tuyên bố: "Ông ấy nhận được sự tôn trọng và ủng hộ hoàn toàn của tôi".

Niccol sẽ trở thành người thứ sáu giữ chức CEO của Starbucks trong lịch sử công ty và là người thứ hai đến từ bên ngoài công ty. Narasimhan, người trở thành CEO vào tháng 3/2023, là người đầu tiên đến từ bên ngoài.

Starbucks đã dành nhiều tuần đàm phán với nhà đầu tư Elliott Investment Management về những cách thức có thể giải quyết tình trạng doanh số bán hàng chậm lại và các vấn đề hoạt động. Tuần trước, tờ The Wall Street Journal đưa tin rằng một nhà đầu tư khác là Starboard Value cũng đã mua cổ phần tại Starbucks.

ÁP LỰC TỨ PHÍA

Khi Laxman Narasimhan tiếp quản vị trí giám đốc điều hành (CEO) Starbucks vào năm ngoái, ông đã gặp phải rất nhiều khó khăn.

Người tiền nhiệm trực tiếp của ông, Howard Schultz, đã đảm nhiệm chức vụ CEO lần thứ ba kể từ khi ông bắt đầu xây dựng chuỗi cà phê lớn nhất thế giới vào những năm 1980. Narasimhan là người ngoài cuộc, ông là cựu cố vấn của McKinsey, và gần đây nhất là người điều hành tập đoàn sản phẩm tiêu dùng Reckitt Benckiser của Anh.

Narasimhan hiện đang chịu áp lực từ ít nhất bốn phía. Elliott Investment Management, một nhà đầu tư hoạt động tích cực, đã thúc đẩy những thay đổi sau khi cổ phiếu Starbucks giảm. Các cấp dưới của Narasimhan đã bị mắc kẹt trong các cuộc đàm phán với một công đoàn pha chế cà phê đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc.

Doanh số bán hàng của Starbucks cũng lần đầu tiên giảm kể từ đầu đại dịch Covid. Người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi lạm phát và họ thường mua ít đồ uống và bữa ăn hơn. Một số người thậm chí tẩy chay Starbucks xung quanh những quan điểm chính trị và doanh số bán hàng tại Trung Quốc, một thị trường tăng trưởng quan trọng của công ty cũng đã giảm.

Các nhà phân tích dự đoán doanh số bán hàng cùng cửa hàng (Same-store sales) sẽ tiếp tục giảm khi Starbucks báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 vào thứ ba.

Mọi việc tồi tệ tới mức Schultz cũng phải lên tiếng. "Tôi nghĩ chúng tôi không ở trạng thái tốt nhất hiện tại", Schultz nói trên podcast Acquired vào tháng trước. Ông cũng khẳng định mình "không phải là đấng cứu thế" nhưng vẫn hiểu rõ hoạt động bên trong của Starbucks "hơn bất kỳ ai khác".

Theo: WSJ

Hoàng Chi

Cùng chuyên mục
XEM