Nóng: Bùng phát bệnh "xác sống" ở hươu nai, CDC Mỹ lo âu lây lan sang người và "xóa sổ" hệ sinh thái động vật tại khu rừng lâu đời nhất hành tinh
Người Mỹ đã tiêu thụ khoảng 7.000-15.000 con vật nhiễm bệnh "xác sống" và dự báo mức tăng hàng năm là 20%. Điều này khiến các nhà khoa học lo ngại việc con người nhiễm bệnh chỉ còn là vấn đề thời gian.
Trong vùng đất rộng lớn yên tĩnh của rừng và đồng cỏ Bắc Mỹ, một chứng bệnh thầm lặng nhưng nguy hiểm đang diễn ra: Bệnh suy nhược mãn tính (CWD). Tình trạng này thường được gọi là "bệnh hươu zombie", đang lén lút lây lan trong quần thể hươu, nai làm dấy lên mối lo ngại của các nhà khoa học, nhà bảo tồn cũng như người dân.
Bệnh hươu zombie là gì?
Hươu xác sống (tiếng Anh gọi là zombie deer disease) là một chứng bệnh thần kinh ảnh hưởng đến các loài hươu, nai sừng tấm và nai sừng xám phân bổ ở các khu vực như Canada, Mỹ, Na Uy, Hàn Quốc. Chỉ tính riêng tiểu bang Wyoming Hoa Kỳ đã phát hiện hơn 800 con mắc bệnh, làm nổi bật quy mô và tính cấp bách của vấn đề.
Tỉnh British Columbia của Canada trong tuần này đã ra lệnh xét nghiệm bất kỳ con nai, nai sừng tấm, nai sừng xám và tuần lộc nào bị giết trên đường sau khi hai trường hợp được xác nhận vào cuối tháng 1. Cả hai trường hợp ở hươu la và hươu đuôi trắng đều được tìm thấy ở quận Kootenay. Tỉnh cũng đặt ra các hạn chế đối với việc di chuyển và tiêu hủy hươu trong khu vực. Đáng chú ý, một trường hợp được xác nhận gần đây tại công viên quốc gia Yellowstone – trường hợp đầu tiên tại khu bảo tồn thiên nhiên nổi tiếng (công viên quốc gia đầu tiên trên thế giới tồn tại từ 11.000 năm trước) đã làm dấy lên những lo ngại mới về nguy cơ tiềm ẩn do căn bệnh này gây ra.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ nêu rằng những con vật bị nhiễm bệnh có thể phải mất hơn một năm mới xuất hiện triệu chứng. Các đặc điểm thường thấy bao gồm sút cân, đi không vững, mắt lờ đờ, chảy nước dãi hay thậm chí là rơi vào hôn mê và tử vong.
Theo Cơ quan Kiểm tra Sức khỏe Động vật và Thực vật, Bộ Nông nghiệp Mỹ, mặc dù là một bệnh truyền nhiễm, thủ phạm gây ra bệnh nai xác sống không phải virus hay vi khuẩn mà là Prion. Thuật ngữ prion dùng để chỉ các tác nhân protein bị lệch tâm, khiến các protein bình thường trong não cũng lệch tâm như vậy và dẫn đến tình trạng thoái hóa thần kinh.
Các chuyên gia mô tả, căn bệnh này là một "thảm họa diễn biến chậm" trong một báo cáo gần đây của báo The Guardian. Tiến sĩ Cory Anderson, một nhà nghiên cứu về CWD tại Đại học Minnesota, giải thích, căn bệnh này "luôn gây tử vong, không thể chữa khỏi và rất dễ lây lan". Ông đồng thời cảnh báo rằng, căn bệnh này gần như không thể diệt trừ một khi nó lây nhiễm ra môi trường. Các nhà khoa học lưu ý, CWD có khả năng chống lại chất khử trùng, formaldehyd, bức xạ và đốt ở nhiệt độ 600°C và có thể tồn tại trong bụi bẩn hoặc trên các bề mặt trong nhiều năm.
Cựu Giám đốc y tế động vật của Cơ quan Cá và Động vật hoang dã Liên bang Mỹ, Tiến sĩ Thomas Roffe lo lắng cho sự sống còn của hệ sinh thái công viên quốc gia Yellowstone. Bởi đây là nơi hỗ trợ số lượng lớn nhất và đa dạng nhất các loài động vật có vú hoang dã lớn trên lục địa.
Roffe cho biết: "Đó là một căn bệnh có ý nghĩa sinh thái rất lớn", đồng thời lưu ý rằng việc không kiềm chế được sự lây lan của CWD sẽ khiến hàng triệu người đến thăm Yellowstone mỗi năm có thể mắc bệnh này.
Con người có bị nhiễm bệnh hay không?
Hiện nay, chưa bằng chứng nào có thể chứng minh CWD có thể lây nhiễm trực tiếp sang người, nhưng giới khoa học lo ngại điều này là có cơ sở.
Đầu tiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng prion gây ra bệnh nai xác sống có thể lây nhiễm và "nhân giống" trong tế bào của con người trong môi trường thí nghiệm. Điều này đã làm dấy lên mối lo về nguy cơ lây nhiễm.
Thứ hai, con người có nguy cơ tiếp xúc với động vật nhiễm CWD khi săn bắt và ăn thịt chúng.
Một báo cáo được công bố trên National Library of Medicine vào năm 2019 cho thấy chỉ riêng trong năm 2017, người Mỹ tiêu thụ khoảng 7.000-15.000 con vật nhiễm CWD và dự báo mức tăng hàng năm là 20%.
Ở những nơi có tỷ lệ lây nhiễm CWD cao, ví dụ bang Wisconsin (Mỹ), hàng nghìn người có thể đã vô tình tiêu thụ thịt từ những con hươu, nai nhiễm bệnh. Việc giảm thiểu rủi ro lây bệnh sang người sẽ rất khó vì số người tiêu thụ thịt hươu, nai quá nhiều.
Các bệnh do prion gây ra, như bệnh Creutzfeldt-Jakob ở người và bệnh bò điên ở gia súc, đã chứng minh rằng dịch bệnh có thể vượt qua rào cản chủng loại và để lại hậu quả tàn khốc.
Ví dụ, sự bùng phát của bệnh bò điên ở Anh vào năm 1995 đã khiến hàng triệu gia súc chết và gần 200 người thiệt mạng do biến thể của căn bệnh này.
Ngoài ra, những khó khăn liên quan việc phát hiện và chẩn đoán prion ở người làm tình hình càng trở nên phức tạp.
Khác với những tác nhân truyền nhiễm thông thường, prion không kích hoạt phản ứng miễn dịch nên chúng ta rất khó phát hiện bằng những công cụ mà khoa học hiện có.
Khả năng CWD ảnh hưởng đến sức khỏe con người không chỉ giới hạn ở việc lây truyền trực tiếp. Việc prion tồn tại lâu dài trong môi trường đồng nghĩa với việc con người cũng có thể bị phơi nhiễm qua các con đường gián tiếp như đất, nước và các nguồn môi trường khác bị ô nhiễm.
Ngoài những lo ngại về sức khỏe trước mắt, sự lây lan của CWD còn gây ra những rủi ro đáng kể về sinh thái và kinh tế.
Săn hươu, nai không chỉ là một hoạt động giải trí phổ biến, mà còn là nguồn cung cấp thực phẩm và sinh kế quan trọng cho nhiều cộng đồng.
Sự gia tăng của CWD có nguy cơ phá vỡ sự cân bằng mong manh này, kéo theo đó là có thể làm suy giảm số cá thể trong quần thể hươu, nai và ảnh hưởng đến an ninh lương thực ở các khu vực bị ảnh hưởng.
Theo The Guardian, The Conversation