Làm con tỷ phú Phạm Nhật Vượng liệu có sướng?: Ngày bé đi bốc gạch kiếm tiền, lớn lên vẫn bị ‘thiết quân luật’, làm được thì thăng chức, không được thì xuống
"Làm tốt, tôi sẽ tạo sân chơi hết sức. Còn không được, vui lòng tránh ra để người khác làm. Cậu cả bị lên xuống mấy lần rồi đấy, cứ làm được thì thăng chức, không được thì xuống thôi", ông Phạm Nhật Vượng thẳng thắn chia sẻ.
Sinh ra đã ngậm thìa vàng, luôn sống trong nhung lụa được kẻ hầu người hạ; khi lớn lên chẳng cần cố gắng cũng trở thành người giàu bởi thừa hưởng khối tài sản kếch xù từ bố mẹ,...Đó là những gì chúng ta thường nghĩ về cuộc sống của những cậu ấm cô chiêu xuất thân từ các gia đình tỷ phú.
Thế nhưng, thực tế không hẳn dễ dàng như vậy. Giới thượng lưu thường có cách giáo dục con cái rất đặc biệt, nhất là các "ông trùm" trong giới kinh doanh. Họ sẽ không cật lực làm việc cả đời chỉ để các con hưởng thụ rồi trở thành những kẻ lười biếng.
Con nhà giàu vẫn phải tự kiếm tiền
Tại Việt Nam, tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup chính là nguồn cảm hứng cho nhiều người học tập về phương pháp dạy con. Vợ chồng ông Vượng có 3 người con, 2 trai và 1 gái, lần lượt là Phạm Nhật Quân Anh, Phạm Nhật Minh Hoàng và Phạm Nhật Minh Anh. Dù sở hữu khối tài sản kếch xù, hào phóng giúp đỡ người khác song ông nổi tiếng là người rất khắt khe với con cái.
Trong một lần chia sẻ với giới truyền thông, ông Phạm Nhật Vượng thẳng thắn cho biết, quan điểm của bản thân là các con phải chịu khó lao động, yêu lao động và chăm chỉ rèn luyện. Ông kể khi còn ở bên Ukraine sân nhà rất rộng, đến mùa hè ông sẽ mua một xe gạch về đổ xuống sân. Sau đó, cậu con trai cả và các bạn sẽ bốc vác gạch từ đầu này đến đầu kia, sắp xếp xong là được 100 đô. Cứ vậy mà làm miệt mài cả mùa hè.
Đến khi lớn đã tốt nghiệp đại học, Phạm Nhật Quân Anh cũng phải đi làm, đi công tác triền miên giống như các nhân viên bình thường khác. Ông Vượng để con trai theo chân mình và các “lão tướng” trong tập đoàn để học cách làm việc cũng như tích lũy kinh nghiệm quý giá cho bản thân.
Ông Vượng khẳng định trong công việc không có khái niệm người nhà hay người ngoài mà mọi người đều bình đẳng như nhau.
"Làm tốt, tôi sẽ tạo sân chơi hết sức. Còn không được, vui lòng tránh ra để người khác làm. Cậu cả bị lên xuống mấy lần rồi đấy, cứ làm được thì thăng chức, không được thì xuống thôi", Chủ tịch VinGroup trả lời trên VnExpress. Ngay cả ở nhà, cô con gái út của ông cũng phải thường xuyên làm dọn dẹp, rửa bát, làm việc nhà, không phải cứ con nhà đại gia thì được hưởng thụ.
Đó là câu chuyện dạy con của gia đình ông Vượng, còn trên thế giới lại càng không thiếu những ví dụ tiêu biểu khác.
Không chỉ nổi danh khắp hành tinh với tư cách là cựu chủ tịch của Chelsea, Roman Abramovich còn được biết đến là ông bố tỷ phú nước Nga với cách dạy con về tiền bạc và cách kiếm tiền kỳ lạ.
Đó là cho con thỏa sức tiêu tiền. Quan điểm của Roman Abramovich chính là "biết cách kiếm tiền thì cũng phải biết cách tiêu tiền". Do đó, các con của tỷ phú này đều tự lập từ rất sớm và thoải mái làm những gì chúng thích, tự kiếm tiền và tự tiêu tiền.
Với kinh nghiệm "một tay gây dựng cơ đồ", Roman Abramovich cũng luôn khuyến khích các con tiếp xúc với thương trường khá sớm. Đặc biệt, cậu quý tử Arkadiy từ nhỏ đã theo chân cha đến những nơi kinh doanh và nhen nhóm "máu" làm giàu từ đó. Năm Arkadiy bước sang tuổi 21, cậu quý tử này đã có "thâm niên" trên thương trường tới 5 năm và tất cả tài sản đang sở hữu đều là công sức của cậu trong những năm đó.
Có lẽ tò mò nhất sẽ là cách giáo dục con của tỷ phú từng nhiều lần đứng đầu danh sách người giàu nhất thế giới Bill Gates. Tỷ phú này có 3 người con: Jennifer, Rory và Phoebe.
Trong một lần chia sẻ bức ảnh gia đình, cô con gái cả Jennifer cảm thấy vui sướng ngập tràn khi tốt nghiệp cử nhân sinh học Stanford, bước đệm để theo học ngành y khoa. Từ khi còn nhỏ, Jennifer đã ấp ủ ước mơ trở thành thạc sĩ y tế công cộng hoặc theo đuổi nghiệp y khoa. Jennifer còn là một tay đua ngựa cừ khôi. Cô từng giành cúp đua ngựa Lionel Guerrand-Hermès 2018. Thành công này không phải là ngẫu nhiên mà nhờ sự “thương chiều con” của ông bố tỷ phú.
Theo đó, ông đã mua nguyên cả một con đường trị giá 37 triệu USD ở Wellington, Florida để cho cô bé tập đua ngựa. Jennifer cũng giành giải vô địch đua ngựa quốc gia U25 của Mỹ. Kế bên kia dinh thự của gia đình Gates ở Florida là ngôi nhà của Eve Jobs - cô con gái của nhà sáng lập Apple - Steve Jobs. Giống như con gái cả nhà Gates, Eve Jobs cũng là sinh viên Stanford và là một tay đua ngựa cừ khôi.
Rory - con trai duy nhất của Bill Gates năm nay 20 tuổi. Rory được mẹ Melinda âu yếm mô tả là cậu bé giàu lòng trắc ẩn, mê câu đố và rất yêu mẹ, chiều em gái. Cả 3 chị em Jennifer, Rory và Phoebe đều theo học tại trường Lakeside. Ngôi trường này là nơi Bill Gates từng học và khám phá ra niềm đam mê với máy tính, gặp gỡ người đồng sáng lập Microsoft-Paul Allen.
Mặc dù Bill Gates là người đi tiên phong về công nghệ, nhưng cả 3 người con của ông đều không được phép sử dụng điện thoại di động cho tới khi tròn 14 tuổi. Dù cho tài sản của người cha trị giá trên 90 tỷ USD, các con ông sẽ chỉ được thừa kế một phần rất nhỏ trong tài sản của ông. Đa phần tài sản của Bill Gates sẽ dành cho quỹ từ thiện Giving Pledge và các quỹ phúc lợi khác.
3 nguyên tắc giáo dục của các tỷ phú giúp con cái thành người tài
Cựu thủ tướng Đức Angela Merkel nói: "Giáo dục tiền bạc là một khóa học bắt buộc trong cuộc sống và là trọng tâm của giáo dục con cái, cũng giống như tiền bạc là trọng tâm của gia đình".
Doanh nhân người Mỹ gốc Nhật Robert Kiyosaki, tác giả cuốn "Cha giàu, cha nghèo" nói: "Nếu bạn không thể dạy con mình về tiền bạc, sau này sẽ có người khác thay thế bạn, chẳng hạn như chủ nợ, cảnh sát, và thậm chí là những kẻ lừa đảo. Nếu để những người này giáo dục con bạn về tài chính, tôi sợ bạn và con cái của bạn sẽ phải trả cái giá đắt hơn".
Có thể nói, không bao giờ là quá sớm cho việc giáo dục con về tiền bạc. Trong quá trình lớn lên của trẻ, sự thiếu nhận thức đúng đắn về tiền bạc khiến trẻ không hiểu hết ý nghĩa của đồng tiền, không biết cách sử dụng tiền và dễ sai lầm. Nhưng quan trọng là dạy con về tiền bạc như nào mới là đúng? Về điều này, cha mẹ có thể tham khảo cách dạy dỗ của các tỷ phú nổi tiếng sau:
Không để lại toàn bộ tài sản cho con
Giới siêu giàu rất chú trọng đến việc dạy con cái về giá trị của đồng tiền và cách ứng xử với tiền bạc. Nhìn qua cách dạy con của gia đình các tỷ phú nổi tiếng thế giới như Bill Gates, Warren Buffett hay Mark Zuckerberg… có thể nhận thấy một điểm chung là họ sẽ không để lại toàn bộ tài sản cho con.
Lý giải cho việc làm này, các tỷ phú cho rằng việc để lại toàn bộ tài sản sẽ khiến các con mất động lực làm việc và đóng góp cho xã hội.
Tỷ phú người Mỹ Warren Buffett – một nhà đầu tư huyền thoại, thuộc top giàu nhất thế giới nhưng các con của ông Buffett không hay biết bố mình làm nghề gì. Nói về điều này, vị tỷ phú sinh năm 1930 cho rằng, con cái không nhất thiết phải được kế thừa hết những thành quả lao động của cha mẹ, điều đó không tốt cho lũ trẻ chút nào, tốt nhất là cho con cái đủ số tiền để chúng cảm thấy có thể làm bất kỳ điều gì, nhưng đừng quá nhiều đến mức chúng chẳng thiết làm gì cả.
CEO Facebook - Mark Zuckerberg và vợ đã thống nhất sẽ tặng 99% cổ phần Facebook (khoảng 45 tỷ USD tại thời điểm cam kết) cho quỹ từ thiện Zuckerberg.
Tỷ phú Michael Bloomberg, người sáng lập, CEO của công ty truyền thông, dữ liệu tài chính Bloomberg L.P., người giàu thứ 14 trên thế giới cũng từng tuyên bố sẽ dành toàn bộ tài sản của mình để làm từ thiện trước khi qua đời.
Làm gương cho con bằng lối sống giản dị, biết cho đi
Như đã nói, các tỷ phú như Bill Gates, Warren Buffett, Mark Zuckerberg, Michael Bloomberg… đều ký Giving Pledge - cam kết dành phần lớn tài sản của mình để làm từ thiện. Quan điểm dạy con về vấn đề tiền bạc giữa tầng lớp siêu giàu này có ảnh hưởng lớn và tốt đến những đứa con. Điển hình như ba người con của tỷ phú Bill Gates được cho là đều vui vẻ với việc không thừa kế tài sản của cha, thêm vào đó cũng rất chăm chỉ làm từ thiện như bố.
Tỷ phú Warren Buffett nổi tiếng là người sống giản dị và tiết kiệm, dù thuộc top giàu nhất thế giới ông vẫn sống trong căn nhà bình thường và dùng điện thoại bình dân. Ngược lại, ông sẵn sàng chi hàng tỷ USD cho việc từ thiện. Lối sống của nhà đầu tư huyền thoại đã ảnh hưởng lớn đến con trai Peter Buffett.
Tiền tiêu đến đâu, gặt hái đến đó
Tỷ phú người Mỹ John D. Rockefeller từng cho biết, những đứa trẻ trong gia đình ông, bắt đầu từ 6 tuổi, sẽ được cho một khoản tiền tiêu vặt cố định hàng tuần, khoản tiền này hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của chúng. Tuy nhiên, trẻ phải ghi chép lại từng xu mình chi tiêu vào việc gì để cha mẹ kiểm tra. Trong quá trình đó, trẻ đã tự mình học cách chi tiêu, tiết kiệm và quản lý tiền ngay từ khi còn nhỏ, cũng như rèn luyện ý chí và khả năng trì hoãn sự hài lòng. Ngày nay, gia đình John D. Rockefeller đã duy trì được sự giàu có qua 6 thế hệ.
Thực tế đã chỉ ra, những đứa trẻ có cái nhìn đúng đắn về tiền bạc ngay từ khi còn nhỏ sẽ biết cách giải quyết mối quan hệ giữa ham muốn và khả năng, sống cuộc sống của chính mình trong phạm vi cho phép. Những đứa trẻ như vậy sẽ có nhiều khả năng thành công hơn trong tương lai so với trẻ không biết tiêu tiền.
Học cách sử dụng tiền là của cải cả đời quý giá nhất mà cha mẹ để lại cho con cái. Thái độ kiểm soát tiền bạc của một người phản ánh khả năng kiểm soát và lập kế hoạch cho một cuộc sống độc lập trong tương lai. Vì vậy, thay vì dạy con làm việc chăm chỉ để tiết kiệm tiền, tốt hơn là bạn nên dạy chúng tiêu tiền đúng cách.
Có thể thấy giới siêu giàu phải đối mặt với khó khăn đặc thù khi có quá nhiều tiền. Vậy nên họ có góc nhìn và cách dạy con rõ ràng, thẳng thắn hơn ở vấn đề tiền bạc. Đó là dạy con trì hoãn sự hài lòng, nhấn mạnh vào việc tiêu tiền hợp lý, trau dồi những thói quen tốt và tự kiểm soát cuộc sống của mình. Ví dụ, nhiều phụ huynh cho phép con giữ tiền tiết kiệm, lập sổ tiết kiệm để tích cóp và sử dụng cho các kế hoạch quan trọng trong tương lai. Từ đó, trẻ có thể tự quản lý và chi tiêu số tiền của mình thông qua việc lập ngân sách, thậm chí tối đa hóa giá trị của nó ở một độ tuổi nhất định.