Nổi tiếng đa mưu túc trí nhưng Tư Mã Ý vẫn khó làm việc lớn vì ba người này: Họ là ai?
Lập nhiều chiến công cho Tào Ngụy nhưng trong cuộc đời của Tư Mã Ý có tới ba nhân vật khiến ông khó làm nên nghiệp lớn, thậm chí còn là kỳ phùng địch thủ thời Tam Quốc.
Tư Mã Ý (179 – 251) là một chính trị gia, đồng thời là nhà quân sự nổi danh trong thời kỳ Tam Quốc (220-280). Ông cũng chính là người có công lao lớn trong việc bảo vệ được Tào Ngụy trước những cuộc Bắc phạt của Gia Cát Lượng và chính là người đặt nền móng cho nhà Tấn sau đó.
Nổi tiếng là người đa mưu túc trí, biết nắm bắt cơ hội để lật đổ nhà Ngụy, nhiều công lao lớn, nhưng vị chiến lược gia được suy tôn là Tấn Cao Tổ của nhà Tấn, lại cảm thấy sợ hãi trước ba nhân vật này.
Theo trang Qulishi, chính vì tài năng xuất chúng của ba người này nên sau khi họ qua đời thì Tư Mã Ý mới có thể "thuận lợi" làm nên nghiệp lớn.
Tư Mã Ý là một nhà chính trị, quân sự nổi tiếng thời Tam Quốc.
Những nhân vật bí ẩn khiến ông sợ hãi, dè chừng chắc hẳn phải là những người vô cùng xuất chúng. Thậm chí, vì sự hiện hữu của một trong số các nhân vật này khiến cho Tư Mã Ý "không dám" xuất đầu lộ diện trong giai đoạn đầu khi bước vào vũ đài chính trị thời Tam Quốc.
Vậy ba người khiến Tư Mã Ý dè chừng, khó làm nên nghiệp lớn là những ai?
Quách Gia: Bậc "kỳ nhân" thời Tam Quốc được Tào Tháo coi trọng
Theo Qulishi, nhân vật đầu tiên phải nhắc tới chính là Quách Gia (170-207), tự là Phụng Hiếu, một mưu sĩ tài trí xuất chúng thời Tam Quốc. Ban đầu, ông là thủ hạ của Viên Thiệu và sau được biết tới khi trở thành quân sư dưới trướng Tào Tháo vào thời kỳ cuối của nhà Đông Hán, cũng như bước vào giai đoạn đầu của Tam Quốc.
Hình tượng Quách Gia trên phim ảnh.
Quách Gia được biết tới là "thần cơ diệu toán" và có nhãn quan về quân sự rất tốt. Chính vì vậy, chỉ trong 11 năm ngắn ngủi phò tá Tào Tháo, ông đã lập không ít chiến công, trở thành cánh tay đắc lực của Tào Tháo khi đánh bại được Lữ Bố, Viên Thiệu,...
Tuổi trẻ, tài cao nên không có gì lấy làm lạ khi Quách Gia sớm được Tào Tháo trọng dụng. Trong Tam Quốc chí của sử gia Trần Thọ cũng cho thấy, Quách Gia ngay từ thời trẻ đã có chí hướng cao xa. Ông không chỉ có học vấn tinh thông mà còn có tài thao lược, thấu hiểu sự việc và có tầm nhìn ra trông rộng.
Được Tào Tháo trọng dụng nhất, nhưng không may là vị chiến lược gia nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc lại qua đời khi tuổi đời còn rất trẻ. Vào năm Kiến An thứ 12 (tức năm 207), sau khi đánh dẹp Ô Hoàn, Quách Gia về tới Liễu Thành thì không may bị ốm nặng và qua đời không lâu sau đó ở tuổi 38. Vị mưu sĩ lỗi lạc qua đời thậm chí còn khiến cho Tào Tháo vô cùng thương tiếc. Mất Quách Gia thực sự là một tổn thất lớn cho đội quân của Tào Tháo.
Ông còn được biết tới là một người có tầm ảnh hưởng lớn trong quân sự. Bên cạnh việc trợ giúp đắc lực trong quân sự, Quách Gia còn là một "chuyên gia" có khả năng nhìn người. Theo đó, Quách Gia từng lên tiếng khuyên Tào Tháo về việc tin dùng Tư Mã Ý vì sớm nhìn nhận thấy nhiều tham vọng của người này.
Tào Tháo rất coi trọng Quách Gia và thường tham khảo ý kiến của ông trong từng chiến dịch quân sự.
Tuy nhiên, Tào Tháo dường như không mấy bận tâm tới lời cảnh cáo này của Quách Gia và kết cục là nhà Ngụy sau này bị lật đổ.
Nhiều sử gia Trung Quốc cho rằng nếu không phải mất quá sớm thì Quách Gia chắc chắn là một đối thủ đáng gờm của Tư Mã Ý và mưu đồ của người có tâm tư thâm sâu, đa mưu túc trí này sẽ không dễ để thành công.
Tào Tháo: Chiến lược gia nhiều tham vọng
Tào Tháo (155-220) được nhiều sử gia đánh giá là một nhân vật rất quan trọng trong thời Tam Quốc. Ông được biết tới là một chiến lược gia, nhà quân sự kiệt xuất vào cuối thời Đông Hán, đồng thời cũng chính là người đặt cơ sở cho việc lập nên chính quyền Tào Ngụy trong thời kỳ giao tranh ác liệt này.
Tào Tháo là một chính trị gia, nhà quân sự kiệt xuất vào cuối thời Đông Hán.
Theo ghi chép trong cuốn "Dị đồng tạp ngữ" của Tôn Thịnh vào thời Đông Tấn (317-420), Tào Tháo được ngợi khen là có tài võ hơn người, tinh thông sử sách, đồng thời lại giỏi về binh pháp.
Giữa bối cảnh lịch sử đại loạn, nhà Hán suy yếu trầm trọng cùng nhiều thế lực nổi lên, Tào Tháo được nhiều người biết tới với những tham vọng lớn lao của mình. Đến thời Tam Quốc, ông liên tục phải chiến đấu và đề phòng nhiều thế lực quân sự. Vậy tại sao Tư Mã Ý lại sợ Tào Tháo?
Tư Mã Ý luôn cẩn trọng, giấu tài khi phục vụ dưới trướng của Tào Tháo.
Nguyên nhân mà các nhà nghiên cứu phỏng đoán có thể là do Tào Tháo có tham vọng lớn hơn nhiều so với Tư Mã Ý. Đối đầu và phục vụ dưới trướng của Tào Tháo chẳng khác nào tự tìm đến chỗ chết. Đây cũng có thể là lý do khiến Tư Mã Ý nhiều lần thoái thác, từ chối lời mời vào triều tham chính, đồng thời luôn cẩn trọng giữ mình và giấu tài khi là quần thần dưới trường Tào Tháo và theo phe Tào Ngụy.
Gia Cát Lượng – Tư Mã Ý: "Kẻ tám lạng, người nửa cân"
Cuối cùng, thật thiếu sót khi quên nhắc tới một nhân vật khiến Tư Mã Ý luôn đề phòng, được coi là kỳ phùng địch thủ và thậm chí là có phần nể phục. Đó chính là Gia Cát Lượng.
Tài năng thao lược, tầm nhìn và những cuộc đấu trí của Gia Cát Lượng và Tư Mã Ý trong từng chiến dịch quân sự thời Tam Quốc luôn là một trong những chủ đề hấp dẫn, làm dấy lên nhiều tranh luận giữa các chuyên gia, sử gia ở nhiều thời kỳ.
Hình tượng Gia Cát Lượng trên phim ảnh. Ông được coi là vị quân sư có tài thao lược, dụng binh như thần trong thời Tam Quốc.
Gia Cát Lượng (181-234) tự là Khổng Minh, hiệu là Ngọa Long tiên sinh. Ông là một nhà chính trị, nhà quân sự, chiến lược gia được cho là có tài dụng binh như thần và còn là chủ nhân của nhiều phát minh nổi tiếng thời Tam Quốc. Trở thành thừa tướng của nước Thục, Gia Cát Lượng cả đời cúc cung tận tụy và có đóng góp to lớn trong việc giúp hình thành nên thế chân vạc vào thời Tam Quốc, cũng như liên minh Thục-Ngô để chống Ngụy.
Trong Tam Quốc chí, Tư Mã Huy, một danh sĩ có tài kinh bang tế thế vào cuối thời nhà Đông Hán từng tiến cử Ngọa Long (tức Gia Cát Lượng) và Phượng Sồ (tức Bàng Thống) khi có cơ hội được hội kiến với Lưu Bị. Điều này có thể cho thấy tài năng hơn người của Gia Cát Lượng.
Dù giành được ít thắng lợi hơn, nhưng không thể phủ nhận rằng những chiến dịch và tài bày binh bố trận của Gia Cát Lượng đã gây ra không ít tổn hại cho đội quân của Tư Mã Ý và nhà Tào Ngụy.
Từ xưa tới nay, thật hiếm có nhân vật tài trí như Gia Cát Lượng. Tài năng của ông đã được nhiều nhân vật lừng lẫy và các sử gia ngợi khen trong hàng nhìn năm qua. Một trong số đó có thể kể tới Đường Thái Tông. Theo đó, trước mặt quần thần, vị hoàng đế nổi tiếng thời nhà Đường, đã lên khen ngợi Gia Cát Lượng là một đệ nhất thừa tướng.
Tài năng kiệt xuất nhưng vị quân sư nổi tiếng của Lưu Bị đã lâm bệnh nặng và không may qua đời ở tuổi 54 vào cuối tháng 8 năm 234, tức là ngay trong chiến dịch Bắc Phạt lần thứ 6.
Do vậy, nếu không qua đời sớm thì Gia Cát Lượng chắc chắn sẽ là một cản trở lớn của Tư Mã Ý trên vũ đài chính trị cũng như quá trình thực hiện những tham vọng lớn lao.
Tham khảo ảnh/nguồn: Qulishi, Baidu