Nỗi "oan" chung và sự vĩ đại chung của Steve Jobs và Elon Musk

12/02/2017 11:04 AM | Kinh doanh

Một bên là nhà sản xuất xe hơi. Một bên là nhà sản xuất điện thoại, máy tính. Tại sao 2 nhà lãnh đạo huyền thoại của họ lại được so sánh với nhau?

iPhone và Model S có một nỗi oan chung: nếu nhìn nhận một cách hời hợt, người ta đều sẽ khẳng định rằng tạo ra một chiếc smartphone cảm ứng điện dung vào năm 2007 và một chiếc ô tô điện thương mại hóa vào năm 2012 đều là những chuyện "dễ nhất quả đất". Công nghệ điện dung đã có từ LG, smartphone là do Nokia sáng tạo. Ô tô điện là ý tưởng đã có hàng chục năm, thậm chí ngay cả ý tưởng skateboard (khung xe) cũng là do GM tiên phong từ tận 20 năm trước.

Mọi thứ hiển nhiên không dễ dàng như vậy. Không phải vô cớ mà chẳng có một nhà sản xuất nào, kể cả Nokia và BlackBerry dám tạo ra một chiếc điện thoại mới lạ như iPhone: thị trường di động năm 2006 vẫn còn chịu sự kìm kẹp của các nhà mạng viễn thông, thế lực luôn muốn giới hạn tính năng điện thoại để tối đa hóa doanh thu nghe/gọi thay vì doanh thu dữ liệu.

Hành trình cách mạng hóa trải nghiệm di động không chỉ ngập tràn các khó khăn vê mặt kỹ thuật mà còn là một cuộc đấu tranh quyết liệt giữa Steve Jobs và các nhà mạng như AT&T, Verizon.

Tiếp đến là tầm nhìn: chiếc Android đầu tiên ra mắt một năm sau iPhone (HTC Dream) vẫn mang trong mình bàn phím trượt, đơn giản vì Google vẫn chưa dám tin rằng điện thoại loại bỏ hoàn toàn bàn phím lại có thể thành công. Trước Apple, không một ai dám kết liễu bàn phím vật lý để mang đến trải nghiệm hiển thị vượt trội tới người dùng. Và để tạo ra trải nghiệm hiển thị đó, Apple cũng cần phải "mang máy Mac vào bên trong điện thoại", theo lời cựu CEO BlackBerry/RIM Mike Lazaridis. Từ những chiếc điện thoại cảm ứng điện trở xấu xí, những chiếc BlackBerry màn bé thân dày đến iPhone là cả một hành trình khó khăn về mặt công nghệ, đặc biệt là với một công ty chưa từng có kinh nghiệm sản xuất điện thoại như Apple.

Hiểu được những khó khăn đặc trưng của thời đại này, bạn sẽ thấy vì sao chiếc iPhone thực sự là một thành tựu, không chỉ về tầm nhìn đi trước thời đại của Steve Jobs, khả năng công nghệ vượt trội của Táo mà còn nhờ cả lòng dũng cảm vượt qua những kìm kẹp của thị trường đương đại. Khi những giới hạn bị phá bỏ, chiếc iPhone thực tế đã nhanh chóng nhận được những lời mia rmai cay đắng, cả về thời lượng pin, độ bền lẫn mức giá.

Nhưng lịch sử công nghệ sau đó đã sang trang: điện thoại tính năng bắt đầu bị thay thế dần bởi smartphone màn hình cảm ứng. Toàn bộ thế giới di động bắt đầu đồng hóa về những trải nghiệm về bản chất là bản sao của iPhone.

Cho đến tận 2010, những chiếc điện thoại duy nhất có thể le lói đe dọa tới iPhone vẫn chưa dám từ bỏ bàn phím.

Tesla của Elon Musk cũng vậy. Tất cả các ý tưởng xe điện hay xe hybrid trước Tesla đều chìm vào quên lãng vì chịu sự kìm kẹp của ngành công nghiệp xe hơi truyền thống và ngành công nghiệp xăng dầu. Các nhà cung ứng pin cho GM bị cấm không được công bố các cải tiến cốt lõi có thể thay đổi khoảng cách di chuyển của xe. Các tập đoàn xăng dầu không chỉ tiến hành các chiến dịch quảng bá nhằm lên án xe điện là "lạm dụng hạ tầng điện" mà còn mua lại các công ty công nghệ pin hoặc tạo dựng các tổ chức "đại diện cho người tiêu dùng" nhằm lên án công nghệ xe bảo vệ môi trường.

Ý tưởng skateboard của GM không bao giờ thành hình. Những chiếc xe điện tiến sát đến thương mại hóa như GM EV1, Honda EV Toyota RAV4 (sau này được hồi sinh) chết tức tưởi dưới sự ghẻ lạnh của cha đẻ. Theo bộ phim Who Killed the Electric Cars, các tên tuổi lớn như GM, Ford, Chrysler, Honda, Nissan và Toyota đã xây dựng ra 5000 chiếc ô tô điện chỉ để... thu hồi, phá hủy hoặc tặng cho các viện bảo tàng.

Trước khi Tesla thành công, ngành công nghiệp xe hơi đã dành cả một thế kỷ ghẻ lạnh chiếc xe điện. Ảnh: GM EV1.

Khung cảnh xe điện của những năm trước khi Tesla Roadster ra đời khắc hẳn với ngày hôm nay. Trong 3 năm qua, năm nào các hãng xe lớn cũng đều ra mắt các công nghệ xe điện (và xe tự lái) tại cả các sự kiện công nghệ như CES lẫn các sự kiện xe hơi như NAAS. Lý do: một startup đã chứng minh với người dùng rằng xe điện hoàn toàn có khả năng ứng dụng thực tế trong cuộc sống hàng ngày. Startup này tạo ra ấn tượng rằng xe hơi điện mới là tương lai, mới là phân khúc xe đáng mơ ước nhất.

Đó là cái công lớn nhất của Tesla, của Elon Musk. Bằng ý chí kiên quyết với công nghệ pin, với tầm nhìn rằng xe hơi cũng có thể là sản phẩm công nghệ (trải nghiệm Model S và Model X rất, rất khác với xe thường), ông đã buộc toàn bộ ngành công nghiệp xe hơi hơn 100 năm tuổi phải thừa nhận tương lai thuộc về xe điện.

Hãy để ý mà xem: trong năm 2016, 2017, bạn sẽ khó lòng thu hút được sự chú ý nếu ra mắt một chiếc xe hơi không có chữ "electric" trong tên gọi. Chiếc Porsche mới nhất có động cơ điện. Chiếc Mercedes mang phong cách khoa học viễn tưởng ra mắt tại CES năm ngoái cũng là xe điện tự lái giống như Model S và Model X. Khi Audi, Jaguar hay Volvo ra mắt SUV chạy điện, cái tên người ta sẽ nghĩ đến đầu tiên để so sánh là "Tesla Model X".

Với Model 3, Elon Musk đã ép buộc các tập đoàn xăng dầu, các thương hiệu xe hơi toàn cầu phải chấp nhận sự thật rằng tương lai của xe hơi là xe điện.

Đó cũng chính là cách người ta thường so sánh HTC, Motorola và Samsung Galaxy với iPhone trong những năm tiền khởi của smartphone cảm ứng. Theo nhiều cách, thị trường xe hơi cao cấp đang đồng hóa về hướng Tesla theo cùng một cách thị trường smartphone cao cấp trước đây đã đồng hóa về hướng iPhone. Đó là sự vĩ đại chung của Steve Jobs và Elon Musk. Không chỉ có tầm nhìn đi trước thời đại, họ kiên định với tầm nhìn ấy để thay đổi cả thế giới.

Theo Lê Hoàng

Cùng chuyên mục
XEM