Nỗi niềm cánh tài xế sau khi Grab tăng giá cước: Người tắt app ngừng chạy, người vẫn cắn răng làm vì còn nuôi cả gia đình

10/12/2020 08:36 AM | Kinh doanh

Bức xúc trước việc đối tác tăng giá cước, nhiều tài xế đã tắt app tập trung phản đối, mong muốn được đối thoại, làm rõ vấn đề. Không ít tài xế khác, dù rất buồn nhưng vẫn phải tiếp tục công việc, vì theo họ trên vai còn gánh nặng gia đình, cơm áo.

Tài xế đồng loạt tắt app phản đối Grab tăng giá cước

Vụ việc Grab tăng giá cước cho mỗi chuyến đi từ ngày 5/12 đang khiến cánh tài xế xe ôm công nghệ bức xúc, không đồng tình.

Những ngày qua, rất nhiều tài xế đã tắt app, tập trung về trụ sở của Grab ở Hà Nội để phản đối. Tất cả tập hợp đi theo đoàn, mong muốn được làm rõ vấn đề này, theo họ việc tăng giá cước lần này là bất công với tài xế.

Nỗi niềm cánh tài xế sau khi Grab tăng giá cước: Người tắt app ngừng chạy, người vẫn cắn răng làm vì còn nuôi cả gia đình - Ảnh 1.

Tài xế Grab tập trung phản đối việc tăng giá cước.

Trên các diễn đàn của cánh tài xế xe ôm công nghệ, liên tục có những bài viết kêu gọi mọi người đoàn kết phản đối, tắt app không hoạt động. Việc các tài xế tắt app khiến khách hàng đặt xe trở nên khó khăn hơn so với ngày thường. Hai ngày qua, có khá ít tài xế hoạt động.

Chia sẻ với PV, tài xế Trần Văn Nhất (32 tuổi, Nga Sơn, Thanh Hoá) bức xúc cho hay, khi kí hợp đồng với hãng, Grab chỉ thực hiện chiết khấu ở mức 15% nhưng sau đó hãng xe công nghệ này liên tục tăng mức chiết khấu một cách chóng mặt, lên 20% vào tháng 8/2017, nay lại tăng tổng tỉ lệ chiết khấu lên đến 30%.

"Công việc tài xế xe ôm công nghệ càng ngày càng khó khăn, vừa phải đối mặt với sự cạnh tranh nhiều hơn từ các hãng xe công nghệ khác mà các khoản chi phí cũng đồng loạt tăng lên.  

Nỗi niềm cánh tài xế sau khi Grab tăng giá cước: Người tắt app ngừng chạy, người vẫn cắn răng làm vì còn nuôi cả gia đình - Ảnh 2.

Tài xế Nhất chia sẻ với PV

Bản thân mỗi tài xế chúng tôi, để thực hiện một cuốc xe phải chi trả rất nhiều khoản như xăng, hao mòn máy móc, tiền điện thoại. Nếu tăng đến 30% như những ngày qua thì chúng tôi không thể chịu được nữa, khác nào chúng tôi làm không công", nam tài xế chia sẻ.

Anh Trung (37 tuổi) lái GrabCar gần 2 năm nay cho hay, việc Grab tăng giá cước khiến công việc của anh vốn khó khăn nay lại càng khó khăn hơn.

Hai năm trước anh vay ngân hàng mua ô tô để chạy xe công nghệ, nhưng chưa được bao lâu thì bùng dịch Covid -19. Thu nhập từ nghề này giảm sút, lãi suất tiền vay ngân hàng thì vẫn giữ nguyên khiến anh rất khó khăn để xoay sở.

"Việc tăng giá cước này chẳng khác này Grab đứng ngoài cuộc, phó mặc cho cánh tài xế chúng tôi gánh một mình. Tăng giá như hiện tại thì mỗi chuyến xe của chúng tôi chạy chẳng còn lãi là bao nhiêu, nói trắng ra là làm không công.

Chạy cả ngày chỉ kiếm được khoảng 300.000 đồng, tài xế phải trả cho Grab 90.000 đồng, còn 210.000 đồng tài xế nhận được chưa bao gồm tiền xăng, tiền khấu hao xe thì khó đủ sống", anh Trung nói.

"Tôi vẫn chạy vì còn phải nuôi cả gia đình.."

Bức xúc trước việc tăng giá cước của đối tác nhưng một số tài xế vẫn phải cắn răng chịu đựng, tiếp tục công việc của mình. Các tài xế cho rằng, giờ đã là dịp cuối năm, thay đổi công việc không phù hợp, khó chọn công việc mới.

Nỗi niềm cánh tài xế sau khi Grab tăng giá cước: Người tắt app ngừng chạy, người vẫn cắn răng làm vì còn nuôi cả gia đình - Ảnh 3.

Công an có mặt đảm bảo an ninh trật tự

"Việc Grab tăng giá cước tài xế chúng tôi ai cũng bức xúc cả, như thế là bất công với chúng tôi. Hai hôm nay nhiều anh em tắt app tập trung phản đối, nhưng số ít anh em vẫn phải làm, bởi họ còn gánh nặng cơm áo gạo tiền, như tôi còn phải nuôi cả gia đình.

Những tài xế chạy thêm hay các em sinh viên nói nghỉ thì có thể được nhưng như chúng tôi chạy 3, 4 năm coi như là nghề chính giờ cuối năm không biết phải làm gì để sống. Thôi gắng hết năm rồi tính", tài xế Long (34 tuổi) chia sẻ.

Trước vụ việc này, Grab đã lên tiếng phản hồi. Theo họ, việc Grab khấu trừ khoản thuế phải nộp, kê khai và nộp hộ cho các đối tác tài xế là tuân thủ quy định của Nghị định 126.

Nỗi niềm cánh tài xế sau khi Grab tăng giá cước: Người tắt app ngừng chạy, người vẫn cắn răng làm vì còn nuôi cả gia đình - Ảnh 4.

Nhiều tài xế vẫn tiếp tục công việc vì ghánh nặng gia đình.

Toàn bộ phần thuế thu hộ đều được Grab nộp về Kho bạc Nhà nước và đều được cơ quan thuế xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Theo Grab, trước và ngay sau khi nghị định 126 ban hành, Grab đã tích cực chủ động tham gia góp ý trình bày cụ thể về tác động của nghị định tới cơ quan quản lý thuế, đồng thời nhiều lần gửi văn bản xin hướng dẫn thực hiện nghị định. Tuy nhiên tới nay Grab vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức từ các cơ quan này.

Về việc tài xế phản ảnh bị khấu trừ thuế VAT 10% trước ngày 5-12 khiến tổng mức khấu trừ lên gần 30%, trước đó Grab cũng giải thích là do sự cố hiển thị đối với một số tài khoản tài xế Grab Express chứ không phải toàn bộ.

Mức khấu trừ áp dụng từ 5-12 là 27,273%, gồm 20% phí sử dụng ứng dụng và thuế VAT. Đây là sự cố về mặt hiển thị với các cuốc xe trước ngày 5-12 và Grab đang áp dụng, không ảnh hưởng đến thu nhập tài xế.

Trước đó, để đảm bảo thu nhập cho tài xế khi Thuế VAT tăng theo Nghị định 126, Grab vừa tăng giá 5-6% dịch vụ taxi, xe ôm công nghệ trên toàn quốc.

Theo đó, giá cước 2km đầu tiên cho dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội, Bắc Ninh, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ tăng lên 27.000 đồng, cao hơn 2.000 so với trước ngày 5/12. Mức cước này tại các thành phố khác như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng... tăng 3.000 đồng lên 25.000 đồng.

Grab cũng điều chỉnh tăng giá cước mỗi km (sau 2km đầu tiên) cho dịch vụ GrabCar 4 chỗ 500-1.000 đồng tuỳ từng thành phố. Trong đó, 1.000 đồng là mức tăng lớn nhất áp dụng cho khách hàng tại Hà Nội và Bắc Ninh.

Hiện tại, giá mỗi km GrabCar 4 chỗ tại hai thành phố này là 9.500 đồng, tương đương TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Doanh nghiệp này cũng điều chỉnh giá cước dịch vụ GrabCar 7 chỗ với các tỷ lệ tăng tương đương 4 chỗ.

Với dịch vụ xe ôm công nghệ GrabBike, giá cước mỗi km (sau 2km đầu tiên) tăng từ 3.400 đồng lên 4.000 đồng. Còn giá cước tính theo thời gian di chuyển (sau 2km đầu tiên) tăng từ 300 lên 350 đồng mỗi phút.

Bình An

Cùng chuyên mục
XEM