Thế hệ 9X mà bây giờ vẫn ngửa tay xin tiền bố mẹ, thì đừng mong trưởng thành nhận thức
Cha mẹ Việt thì lúc nào cũng nghĩ tiền của mình làm ra phải để con cái hưởng thụ, thế nhưng suy nghĩ ấy thực sự làm tổn thương đến "quá trình trưởng thành" của con cái.
Tôi đã từng đọc ở đâu đó rằng: "Sự khác biệt lớn nhất giữa người giàu và người nghèo là cách thức quản lý tiền bạc". Tất nhiên, có thể sẽ có nhiều người vẫn còn mảy may nghi ngờ về câu nói này. Một phần bản thân tôi cũng vẫn chưa tin tưởng độ chính xác của câu này lắm, nhưng tôi tin chắc rằng người nào biết quản lý tiền bạc đều là những người tự lập, biết nghĩ cho bản thân và cho người khác.
Trong độ tuổi của tôi, bạn bè trang lứa đều là mới tốt nghiệp đại học được khoảng 1, 2 năm. Ra trường có công ăn việc làm, lương kiếm được đủ nuôi bản thân, vậy là cũng đủ để bố mẹ không lo lắng rồi.
Nhưng tất thảy mấy đứa tôi đều phải há hốc mồm ngạc nhiên vì có một đứa trong nhóm nói rằng mỗi tháng nó luôn để dành một khoản và dùng để phòng trừ những bất trắc sau này.
Tôi thấy rất ít bạn 23, 24 tuổi làm được điều đó lắm, tiền kiếm được đều tiêu hết để phục vụ những nhu cầu cá nhân. Không chỉ mỗi kĩ năng tiết kiệm tiền bạc mà cả những kĩ năng quản lý tài chính khác, tôi thấy ít cha mẹ Việt nào dạy con khi từ nhỏ lắm.
Phần lớn bố mẹ chỉ đưa tiền cho con mà chẳng chỉ bảo con cần phải tiêu như thế nào.
Tiền của cha mẹ là của cha mẹ. Nếu con cái xem tiền của bố mẹ là tiền của mình thì cả đời mãi là "con tôm ở nhờ" mà thôi.
Hôm nay tôi có đọc được một đoạn trong cuốn sách Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương nói về cách người Do Thái dạy con quản lý tài chính, tôi cảm thấy kĩ năng sống này nên được dạy trong gia đình và cả trong nhà trường nữa.
Cha mẹ thì lúc nào cũng nghĩ tiền của mình làm ra phải để con cái hưởng thụ, thế nhưng suy nghĩ ấy thực sự làm tổn thương đến "quá trình trưởng thành" của con cái.
Phương pháp dạy con quản lý tài sản của người Do Thái
3 tuổi: Phân biệt tiền giấy và tiền kim loại, nhận biết mệnh giá.
4 tuổi: Biết không thể mua hết các mặt hàng, vì thế phải lựa chọn.
5 tuổi: Hiểu rõ tiền là thù lao lao động nên phải chi tiêu hợp lý.
6 tuổi: Có thể đếm được những số tiền lớn, bắt đầu học tích lũy tiền bạc, bồi dưỡng ý thức quản lý tài sản.
7 tuổi: So sánh lượng tiền của mình với giá cả hàng hóa, xác nhận bản thân có mua hàng hay không.
8 tuổi: Biết mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng, nghĩ cách kiếm tiền tiêu vặt.
9 tuổi: Lập kế hoạch chi tiết, biết mặc cả với cửa hàng, biết giao dịch mua bán.
10 tuổi: Biết tiết kiệm trong sinh hoạt thường ngày để sử dụng vào những khoản chi lớn như mua giày, ván trượt.
11 tuổi: Học cách nhận biết quảng cáo và có quan niệm về giảm giá, ưu đãi.
12 tuổi trở lên: Hoàn toàn có thể tham gia các hoạt động quản lý tài sản.
(Trích sách Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương - Sara Ima)
- Thời điểm tốt nhất để dạy con cách quản lý tiền bạc là khi trẻ có nhu cầu: Tức là, khi con nói rằng muốn xin tiền cha mẹ thì các bậc phụ huynh nên bắt đầu dạy trẻ những hiểu biết cơ bản về tiền. Hãy dạy con phân biệt các loại tiền, làm sao để có tiền, tiền dùng để làm gì, so sánh giá trị của tiền với giá trị sức lao động.
- Muốn có kĩ năng, cần phải cho con thực hành: Chỉ đơn giản là cha mẹ đưa con một số tiền nhỏ để con mua những món đồ ở cửa hàng tạp hóa, mua các dụng cụ văn phòng phẩm… Cha mẹ nên hướng dẫn con ghi lại những khoản tiền mình đã dùng trước khi đưa con số tiền mới và cũng nên đề nghị con giữ lại khoảng 10% để tiết kiệm hoặc để giúp đỡ những người khó khăn.
- Muốn có kĩ năng thuần thục, cần phải cho con thực hành nhiều lần: Nếu chẳng may có những lần con dùng tiền vào những món đồ không hợp lí hoặc không đúng ý cha mẹ hay con quên không ghi sổ thì các bậc phụ huynh không nên trách mắng con.
Đây là lúc để cha mẹ con cái ngồi với nhau, trao đổi, rút kinh nghiệm cho những lần sau. Cha mẹ không nên áp đặt con phải mua món này món kia thì mới cho con tiền, làm như vậy, trẻ sẽ có tâm lí sợ hãi khi nhắc đến vấn đề này.
- Dạy con học cách kiếm tiền: Con không cần phải kiếm được những khoản tiền lớn mà chỉ cần học được cách trân trọng những đồng tiền mà cha mẹ đã làm ra. Ngoài việc sử dụng sức lao động, trí thông minh và tài năng như bán trà sữa con làm, bán thiệp con làm, thì cha mẹ cũng nên thưởng cho con khi con tự nguyện làm được những việc tốt.
Theo khoa học tâm lý, cách cha mẹ cư xử với con thời thơ ấu trong những việc liên quan đến tiền bạc như trường hợp con xin tiền đi học sẽ tạo ra dấu ấn, ký ức hình thành thái độ của trẻ với tiền bạc. Thái độ này sẽ ảnh hưởng đến nhận thức, tính cách của con khi trưởng thành.
Xin các bậc làm cha làm mẹ nên ghi nhớ, thái độ với tiền bạc sẽ ảnh hưởng quan trọng đến khả năng kiếm tiền và sử dụng tiền bạc hợp lý, lành mạnh, có liên quan trực tiếp đến sự thành công thành công và hạnh phúc của một người trong cuộc sống.
*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả