Nỗi lo tốn kém hàng ngàn tỉ đồng xác thực thông tin ví điện tử
Là loại ứng dụng thuộc lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech), ví điện tử đang được người dùng tại Việt Nam sử dụng để thanh toán không dùng tiền mặt cho các khoản chi tiêu hàng ngày, hoặc định kì hàng tháng như tiền điện, nước, cước điện thoại, cước Internet và truyền hình trả tiền...
Thị trường hơn 20 triệu tài khoản ví, nhưng...
Thị trường ví điện tử Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển với hơn 20 tổ chức cung cấp dịch vụ ví song tổng số tài khoản đăng kí sử dụng được cho rằng chỉ hơn 20 triệu.
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết năm 2018, mới chỉ có khoản 4,2 triệu ví trong tổng số hơn 20 triệu tài khoản đăng kí có liên kết với tài khoản ngân hàng. Tỉ lệ liên kết còn thấp này được các chuyên gia đánh giá rằng vì người dùng còn nặng thói quen dùng tiền mặt.
Thanh toán bằng ví điện tử hiện nay phổ biến nhất là dùng trong việc chi trả các khoản tiền điện, nước, cước điện thoại, Internet, thuê bao truyền hình trả tiền của các cá nhân và gia đình. Các trang thương mại điện tử lớn hiện nay tại Việt Nam, hầu hết cũng đã liên kết với kênh thanh toán bằng ví điện tử. Tổng cộng hiện có đến hơn 10.000 đơn vị trên khắp cả nước chấp nhận thanh toán qua ví điện tử.
Lo ngại chi phí tốn kém và thủ tục phiền hà
Bài toán đau đầu nhất hiện nay của các tổ chức vận hành ví là làm sao kích thích khoảng 16 triệu tài khoản ví còn lại liên kết với tài khoản ngân hàng, bằng cách tặng các khoản quà kích cầu có giá trị từ 300 đến hơn 500 ngàn đồng/tài khoản.
Bên cạnh đó, theo con số được bà Nguyễn Thuỳ Dương - chuyên gia thuộc Cty tư vấn Ernst&Young Việt Nam, hiện chi phí bình quân của các ngân hàng để thu thập thông tin 1 tài khoản ngân hàng là khoảng 300.000 đồng, đó là chưa kể các chi phí lưu trữ, quản lí phát sinh theo thời gian.
Với mức chi phí trên, trong trường hợp nếu lại triển khai xác thực thông tin tài khoản ví điện tử đối với 4,2 triệu ví đã có liên kết với tài khoản ngân hàng, tổng chí phí tương ứng là 1.260 tỉ đồng. Còn nếu triển khai với hơn 20 triệu tài khoản ví đã đăng kí sử dụng dịch vụ, chi phí sẽ gấp hơn 4 lần.
Các tổ chức vận hành ví điện tử tại Việt Nam đa số là startup phát triển nhờ vào các quĩ đầu tư từ bên ngoài.
Song vấn đề phát sinh chồng chéo ở chỗ, hiện mỗi ví điện tử khi đăng kí sử dụng dịch vụ phải khai báo bằng một số điện thoại di động. Tài khoản ví đó khi liên kết với tài khoản ngân hàng, sẽ tiếp tục được xác thực số điện thoại sử dụng của hai bên phải trùng khớp.
Theo bà Dương, như vậy chỉ cần có cơ chế kết nối, chia sẻ và cùng sử dụng thông tin người dùng, sẽ vừa tránh được tốn kém chi phí cho doanh nghiệp và phiền hà cho người dùng.
Nguyên tắc chung phát triển ứng dụng di động trên thế giới là cần bảo đảm thao tác đơn giản, dễ tiếp cận, người dùng dễ dàng sử dụng thì ứng dụng mới lan tỏa rộng. Việc thanh toán bằng ví không dùng tiền mặt nếu quá rườm rà thủ tục, người dùng cũng sẽ ngại sử dụng, theo đó cũng sẽ không kích thích được thanh toán không dùng tiền mặt.
Năm 2018, với 4,2 triệu ví liên kết với tài khoản ngân hàng, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lí 214 triệu giao dịch với giá trị 91.000 tỉ đồng, giảm 4,5% so với năm 2017. Ví điện tử nếu chịu thêm những ràng buộc về thủ tục rườm rà và phiền hà, e rằng số lượng và giá trị giao dịch điện tử sẽ khó tăng mạnh.