Nỗi đau đớn của thế hệ trẻ: Tự huyễn “khổ trước sướng sau” mới giàu, nhưng lại cắm mặt vào game để rồi ca thán "Đời cũng chỉ thế thôi"
Khi đời thật đắng cay, đời ảo lên ngôi.
Bạn đã bao giờ thấy chán nản với công việc và cuộc sống hiện tại? Bạn có thấy thời gian trôi đi quá buồn tẻ hoặc cảm thấy những gì mình đang làm chưa chắc đã là thứ mình thích?
Chúng ta hãy bắt đầu câu chuyện với David Mulling, một nhà khởi nghiệp.
Sinh ra tại Jamaica và theo học tại Florida, anh Mulling nhanh chóng thăng tiến trong sự nghiệp khi mở công ty công nghệ tại đây. Vào năm 2013, anh cùng anh trai của mình mua lại một hãng chuyên sản xuất ứng dụng điện thoại nhằm mở rộng kinh doanh. Tuy nhiên, chỉ 1 năm sau mọi chuyện xấu đi và công ty lâm vào thế phá sản.
Anh Mulling bắt đầu những chuỗi ngày kiệt quệ khi nghi ngờ về khả năng của mình, tự hỏi bản thân xem sự nghiệp của mình rồi sẽ đi về đâu.
Tất cả tiếp diễn cho đến khi anh gặp Destiny- một trò chơi trực tuyến phát hành năm 2014 với hơn 500 triệu USD doanh số trong ngày ra mắt đầu tiên, trở thành trò chơi hấp dẫn nhất trong lịch sử.
Vốn là dân công nghệ, Mulling nhanh chóng thành thạo trò chơi này và cảm nhận được những thú mà mình đã từng mất đi. Anh có thể tương tác được với một thế giới hoàn toàn mới, trở thành những anh hùng trợ giúp chiến hữu và thậm chí sát cánh cùng họ trong các trận đánh trực tuyến.
Dần dần, thay vì tìm kiếm hướng đi cho sự nghiệp, Mulling bắt đầu chìm đắm trong trò chơi điện tử này. Anh dành 8 tiếng mỗi ngày để chơi và chỉ làm việc bán thời gian với vai trò tư vấn công nghệ.
Câu chuyện của Mulling trên thực tế đang phản ánh đúng thực trạng ngày nay của xã hội, khi mà một bộ phận rất lớn thanh thiếu niên khó tìm được các cơ hội thành công trong khi công nghệ trò chơi điện tử (Video Game) ngày càng phát triển, ngày càng nhiều bạn trẻ từ bỏ thực tại để tốn thời gian cho một thế giới ảo.
Những nghiên cứu thường xuyên cho thấy thị trường lao động Mỹ và giới trẻ đã mất dần kết nối trong 15 năm qua. Tỷ lệ có việc làm đối với nam giới trẻ ngoài 20 không có bằng đại học ở Mỹ đã giảm từ 82% xuống 72%. Cá biệt vào năm 2015, khoảng 22% số nam giới trong nhóm này cho biết họ không hề có công việc toàn thời gian nào cả trong suốt 12 tháng trước đó.
Đây là một con số khá thú vị khi vào năm 2000, tỷ lệ này chỉ vào khoảng 10%. Đặc biệt hơn, năm 2015 là năm tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ xuống mức 5% và có khoảng 2,7 triệu việc làm mới được tạo ra trên thị trường, những tín hiệu tích cực của nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng 2008.
Chuyên gia kinh tế Erik Hurst của trường đại học Chicago cho biết những nam giới trong nhóm ngồi nhà trên rất kỳ lạ. Hơn 50% trong số họ sống cùng bố mẹ hay người thân và hầu như tất cả họ đều chưa kết hôn. Vậy họ làm gì lúc rảnh rỗi? Chơi game.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng khi tỷ lệ thời gian cho công việc của nam giới trẻ bắt đầu suy giảm từ thập niên 2000 thì lượng thời gian cho vui chơi giải trí lại tăng 100%. Trong số đó, khoảng 75% thanh niên tốn thời gian cho chơi game.
Thậm chí, nhiều người cho rằng hiệu quả làm việc của Phương Tây giảm sút trong khi tỷ lệ thất nghiệp hạ là do thanh niên ngày nay dành nhiều thời gian chơi game hơn là làm việc, qua đó hạ năng suất lao động và buộc công ty phải tuyển thêm người.
Giới trẻ ngày nay đang chán kiếm tiền?
Ngày nay, mọi người làm việc với rất nhiều lý do: Đóng góp cho xã hội, có cơ hội chứng tỏ bản thân, tìm mục đích sống... Tuy nhiên, đối với giới trẻ ngày nay thì đứng đầu trong số những lý do đó có lẽ là kiếm tiền. Những bữa ăn hàng ngày cần tiền, quần áo thời trang cần tiền, muốn yêu đương cũng cần phải có tiền. Thậm chí bạn có muốn sinh con thì cũng phải có khá nhiều tiền.
Trong xã hội ngày nay, những khoản chi tiêu cho những nhu cầu cơ bản không phải nguyên nhân chính khiến giới trẻ đâm đầu vào kiếm tiền.Trên thực tế, chính những sản phẩm, dịch vụ khiến cuộc sống thoải mái hơn lại là những thứ khiến giới trẻ muốn làm thêm giờ để có thêm thu nhập.
Tuy nhiên, tình hình bắt đầu có những biến chuyển. Nghiên cứu năm 2016 của các chuyên gia Erik Hurst, Mark Aguiar và Kerwin Charles cho thấy sự hứng thú của giới trẻ ngày nay đang bị ảnh hưởng nặng bởi sự phát triển trò chơi điện tử.
Thay vì tốn thêm thời gian làm việc để có thu nhập, họ chỉ muốn về nhà tận hưởng những giờ thư giãn trên thế giới ảo cùng bạn bè. Đối với những thanh niên này, việc cố làm thêm chỉ tốn thời gian khi chi phí cho những đĩa trò chơi không quá đắt, trong khi những nhu cầu cơ bản khác ăn uống, sinh sống có thể giữ ở mức tối thiểu.
Thậm chí, rất nhiều trường hợp thanh niên được học ở những trường danh giá, được đào tạo bài bản trong ngành luật, y tế, tài chính... nhưng lại bỏ nghề để làm trong ngành công nghệ, làm việc bán thời gian hay ngồi chờ bố mẹ trợ cấp.
Những người như chuyên gia Hurst rất lo lắng cho tình trạng này của giới trẻ Mỹ. Thanh thiếu niên ngày nay bỏ phí thời gian cho cuộc sống ảo thay vì rèn luyện kiến thức, sức khỏe. Tất nhiên mọi chuyện sẽ thay đổi khi những thanh niên này ngày một già đi, nhưng khi đó họ đã bỏ lỡ lứa tuổi sung sức nhất của cuộc đời.
Hiện nay, một xu thế kỳ lạ đang diễn ra tại Mỹ là nhiều bậc phụ huynh đến tuổi nghỉ hưu lại phải chu cấp cho con cái của họ, những thanh thiếu niên đang trong độ tuổi lao động sung sức nhất.
Khi đời thật không như là mơ, đời ảo bắt đầu lên ngôi
Emily là một sinh viên mới ra trường ở Pittsburgh, Pennsylvania - Mỹ. Cô tốt nghiệp năm 2013 và làm ở một công ty chuyên về quảng cáo, tiếp thị.
Không hài lòng với công việc hiện tại, Emily quyết định bỏ việc và đi tìm niềm vui sự nghiệp mới cho mình. Dẫu vậy, sau nhiều tháng không tìm được công việc thích hợp, cô cảm thấy bản thân thật tệ hại. Dù không phải lo kiếm sống do ở với bố mẹ và được chu cấp nhưng việc cô cứ ngồi nhà khiến gia đình lo lắng.
Hơn nữa, điều khiến họ phiền lòng nhất là cô con gái học hành đầy đủ của họ suốt ngày cắm đầu vào trò chơi Fallout. Emily cho biết cô cảm thấy tràn đầy cảm hứng với cuộc sống hơn khi được trải nghiệm trò chơi này, cảm thấy mình hữu dụng hơn, tạm quên đi những thất bại trong cuộc sống.
Emily biết cảm giác này chỉ đánh lừa bản thân và cố gắng thoát khỏi chúng, nhưng sự việc có vẻ không dễ dàng khi giờ đây vị nữ cử nhân này chỉ làm bán thời gian trong một quầy thanh toán tại siêu thị và dành số thời gian thừa thãi để chơi game. Dù biết mình cần phải thoát ra nhưng những khó khăn trong tìm việc khiến con đường cai nghiện game của Emily ngày một xa vời.
Trường hợp của Emily là ví dụ tiêu biểu cho số lượng lớn cử nhân Mỹ ra trường thất nghiệp ngày nay. Số liệu trong vài thập niên trở lại đây cho thấy thị trường lao động cho giới trẻ Mỹ ngày càng khó khăn. Hiện tại, hầu như công ty nào cũng đòi hỏi nhân viên có kinh nghiệm chứ chẳng liên quan mấy đến bằng cấp và đây là thực tại đắng cay cho nhiều bạn trẻ mới ra trường.
Mức lương bình quân theo giờ của giới trẻ Mỹ đã tăng trưởng chậm kể từ thập niên 1990, nói cách khác sinh viên mới ra trường ngày nay kiếm chẳng khác cách đây 20 năm là bao dù lạm phát xuất hiện hàng ngày.
Tồi tệ hơn, tỷ lệ cử nhân trẻ Mỹ không tham gia học tiếp cũng không đi làm đang ngày một cao ở Mỹ. Năm 2014, khoảng 11% số cử nhân Mỹ không học tiếp lên thạc sĩ cũng không đi làm, cao hơn so với mức 9% của năm 2004 và 8% của năm 1994.
Bên cạnh đó, hiện tượng “công việc dưới khả năng” cũng đang ngày một lan rộng trong xã hội, nghĩa là ngày càng nhiều giáo sư, cử nhân đi làm những công việc bình thường như phục vụ bàn, tính tiền...
Tỷ lệ cử nhân Mỹ làm những công việc không yêu cầu bằng đại học tại Mỹ đã tăng từ hơn 30% đầu thập niên 2000 lên gần 45% sau đó 10 năm. Hậu quả là tầng lớp lao động trình độ thấp ngày càng khó khăn hơn trong tìm việc, đẩy họ gần hơn đến những trò chơi điện tử hay các tệ nạn xã hội khác để quên đi thực tại tối tăm.
Rõ ràng, không phải ngẫu nhiên mà những lời hứa đem lại việc làm của Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến ông thu hút được nhiều cử tri đến vậy. Chính quá trình toàn cầu hóa đang khiến một bộ phận rất lớn giới trẻ Mỹ mất việc làm hoặc cảm thấy khó khăn trong sự nghiệp và chuyển mình sang thực tại ảo. Từ đó, sự bất mãn của gia đình, người thân và chính bản thân họ ngày một lớn, tạo nên sự bất ngờ cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.