'Nội công, ngoại kích', ông Đặng Lê Nguyên Vũ làm cách nào để đưa Trung Nguyên trở thành số 1 toàn cầu?

20/06/2018 08:15 AM | Kinh doanh

Sau giai đoạn phát triển bùng nổ, Trung Nguyên đang chững lại trước tình hình thị trường chung gặp nhiều khó khăn. Không những vậy, bản thân ông Vũ và Trung Nguyên đang có những mâu thuẫn với người vợ kiêm đồng sáng lập tập đoàn Lê Hoàng Diệp Thảo, với hàng loạt tố cáo qua lại suốt nhiều năm qua.

Cuối tuần vừa qua, sự xuất hiện của ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại một sự kiện của Tập đoàn Trung Nguyên được dư luận chú ý. Đây là lần đầu tiên ông Vũ xuất hiện trước công chúng sau 5 năm bặt vô âm tín trước truyền thông.

Trong bài phát biểu kéo dài khoảng 6 phút của mình, ông Vũ cho biết: "Tầm nhìn của Trung Nguyên từ trước đến giờ, phải là một tập đoàn số 1, thống ngự toàn diện trên toàn cầu". Ông còn khẳng định sau 5 năm thiền định, ông đã có lời giải cho tất cả mọi câu hỏi trên thế giới này và sẽ đưa Trung Nguyên trở thành tập đoàn thống lĩnh toàn cầu, khác biệt và duy nhất toàn cầu.

Tuy nhiên, sau 5 năm lên núi thiền định, Trung Nguyên của ông Đặng Lê Nguyên Vũ giờ đây không còn như xưa.

Giai đoạn mới thành lập, hồi năm 1996, chỉ mất vài năm thương hiệu Trung Nguyên bùng nổ với hàng ngàn cửa hàng nhượng quyền khắp từ Bắc tới Nam. Tạp chí Forbes dẫn lời bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho biết, trong vòng 5-6 năm đầu thành lập, Trung Nguyên duy trì tốc độ tăng trưởng 300-500% và đến năm 2012, Trung Nguyên có trong tay 5 nhà máy sản xuất cà phê, sở hữu hệ thống hơn 40 quán cà phê thương hiệu Trung Nguyên do tập đoàn điều hành. Đó là chưa kể các kênh tiêu thụ như siêu thị, cửa hàng bán lẻ, xuất khẩu cà phê rang xay... Doanh thu Trung Nguyên năm 2009 mới chỉ 1.712 tỷ đồng nhưng đến năm 2011 đã tiệm cận 3.000 tỷ đồng và năm 2014 là 3.889 tỷ đồng.

Tuy nhiên, những năm gần đây, tình hình kinh doanh của Trung Nguyên đang chững lại trong bối cảnh mâu thuẫn giữa 2 vợ chồng Lê Hoàng Diệp Thảo - Đặng Lê Nguyên Vũ nổ ra gay gắt. Từ cuối năm 2014, bà Thảo đã không còn được tham gia điều hành doanh nghiệp do mình sáng lập, còn ông Vũ lúc này đã lên núi thiền định, "bặt vô âm tín". Số liệu của VIRAC cho thấy, doanh thu giai đoạn 2014-2016 của Trung Nguyên không tăng trưởng, dậm chân tại chỗ trong khoảng 3.800-3.900 tỷ đồng.

Khảo sát của Vietnam Report cũng cho thấy, Tập đoàn Trung Nguyên năm 2017 vừa qua đã bị loại ra khỏi danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, trong khi các năm 2014 đến 2016 đều có tên trong bảng xếp hạng này.

Sau những tuyên bố mới nhất của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, dư luận không thể không đặt câu hỏi rằng vị Chủ tịch "đã có lời giải cho mọi câu hỏi trên đời" sẽ đưa Trung Nguyên đi xa đến đâu? Nhưng trước khi đi xa, một trong những điều ông Vũ cần làm là giải quyết những khúc mắc giữa cá nhân ông nói riêng và Trung Nguyên nói chung với bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Đến thời điểm hiện tại, vụ ly hôn giữa ông Vũ và bà Thảo vẫn chưa có hồi kết, các quyết định miễn nhiệm bà Thảo tại Trung Nguyên được ông Vũ đưa ra đã bị tòa án bác bỏ, nhưng đến nay bà Thảo vẫn chưa được quay lại điều hành công ty của mình. Không những vậy, bà Thảo còn cho biết mình không được nhận những lợi ích hợp pháp từ Trung Nguyên, như chia cổ tức, các báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo tài chính.

Ngay trước khi ông Vũ tái xuất, bà Lê Hoàng Diệp Thảo tiếp tục lên tiếng tố cáo Trung Nguyên đang bị lũng đoạn bởi 4 người và quy kết nhóm người này đang gây thiệt hại cho thương hiệu quốc gia. Phía ông Vũ - như thường lệ - không lên tiếng bất cứ điều gì. Thực hư của câu chuyện đến nay vẫn chưa được làm rõ.

Nội công, ngoại kích, ông Đặng Lê Nguyên Vũ làm cách nào để đưa Trung Nguyên trở thành số 1 toàn cầu? - Ảnh 1.

Bên cạnh những mâu thuẫn với bà Thảo, một khó khăn lớn khác mà ông Vũ phải đối mặt là cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ và thị trường cà phê hòa tan đã bão hòa. 

Riêng với sản phẩm cà phê hòa tan, đối tượng trung tâm trong tranh chấp giữa vợ chồng ông Vũ bà Thảo, từ vị trí số 1 của G7, thị trường đã được phân chia lại với thị phần của Nescafé, Vinacafé Biên Hòa và G7 theo thứ tự lần lượt là 38%, 32% và 23% (theo số liệu từ tạp chí Forbes Việt Nam).

Tốc độ tăng trưởng của thị trường cà phê hòa tan tại Việt Nam đã giảm mạnh trong năm 2017 và dự kiến sẽ tiếp tục sụt giảm trong năm 2018. Nguyên nhân là do thói quen tiêu dùng của người Việt thay đổi khi tìm đến các thức uống gốc trà hoặc nước tăng lực. Không chỉ Trung Nguyên, ngay cả Vinacafe Biên Hòa cũng sụt giảm doanh thu những năm gần đây. 

Cùng với đó, thị trường cà phê toàn cầu đang chịu áp lực nguồn cung dư thừa, nhu cầu thấp. Đây sẽ là thách thức lớn đối với bất cứ nhà sản xuất và kinh doanh cà phê nào trên thế giới, tất nhiên trong đó có Trung Nguyên.

Hà My

Cùng chuyên mục
XEM