Nợ xấu VPBank tăng gấp rưỡi chỉ trong 9 tháng, lợi nhuận giảm mạnh
Hồi đầu năm, nợ xấu VPBank là hơn 6.200 tỷ đồng thì đến cuối tháng 9 vừa qua đã lên tới hơn 9.400 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 50%. Việc trích lập dự phòng rủi ro đã khiến lợi nhuận VPBank giảm mạnh.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3 và 9 tháng năm 2018.
Theo đó, riêng ngân hàng VPBank báo lãi trước thuế 1.038 tỷ đồng trong quý 3, tăng trưởng 35% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng gần 35%, lên 832 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khi hợp nhất kết quả kinh doanh của các công ty con, VPBank chỉ có lãi trước thuế 1.750 tỷ đồng trong quý vừa qua, giảm tới 26% so với quý 3/2017. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm 26% xuống dưới 1.400 tỷ đồng.
Theo số liệu của VPBank, thực tế tổng thu nhập hoạt động trên báo cáo tài chính hợp nhất của ngân hàng này vẫn tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng năm nay tăng vọt. Cụ thể, chỉ riêng quý 3, chi phí dự phòng đã lên tới 2.747 tỷ đồng, tăng gần 70%. Sau 9 tháng, VPBank đã phải dự phòng gần 8.200 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ.
Theo nhận định của một công ty chứng khoán, VPBank đang chiếm lĩnh thị trường tài chính tiêu dùng và trong thời gian tới vẫn sẽ thống trị thị trường này nhờ FE Credit. Tuy nhiên, rủi ro với VPBank là tín dụng tiêu dùng có thể gây ra mất kiểm soát nợ xấu.
Công ty chứng khoán này cho rằng, tăng trưởng tiêu dùng chậm lại có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng cho vay tiêu dùng trong dài hạn vì dự đoán tăng trưởng tín dụng của ngành sẽ kết thúc giai đoạn hồi phục vào năm 2019 và 2020. Tốc độ tăng trưởng tiêu dùng ở Việt Nam đã chững lại trong 3 năm gần đây, đạt trung bình ở mức 10%.
Theo số liệu của VPBank, nợ xấu của ngân hàng này đang tăng nhanh. Hồi cuối năm 2017, nợ xấu VPBank là 6.200 tỷ đồng, chiếm 3,4% tổng cho vay khách hàng. Sau 6 tháng đầu năm, tỷ lệ này tăng lên trên 4% và đến cuối tháng 9 vừa qua tiếp tục lên 4,7%.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hồi đầu tháng 9, ông Kalidas Ghose, Tổng giám đốc FE Credit đã thẳng thắn chia sẻ, khâu thu hồi nợ của FE Credit đang gặp vấn đề. Nguyên nhân là do tỷ lệ nhân viên nghỉ việc nhiều hơn do bị đối thủ thu hút nhân sự. Một nguyên nhân quan trọng khác là khách hàng thay đổi số điện thoại sau khi vay vốn, khiến FE Credit gặp khó khăn khi nhắn tin, gọi điện báo nợ. Bên cạnh đó, công suất thu hồi nợ của nhân viên FE Credit cũng giảm sút.