Nikkei: Họa vô đơn chí, kinh tế châu Á khó có thể hồi phục trong năm 2020
Ai cũng hi vọng năm xui xẻo nhanh chóng kết thúc. Nhưng 9 tháng tiếp theo, có lẽ sẽ còn rất dài đối với châu Á.
Đối với các nhà lãnh đạo châu Á, năm 2020 sẽ còn rất nhiều chông gai. Chỉ sau 70 ngày, bốn nền kinh tế hàng đầu của khu vực đã vấp ngã. Sự bùng phát Covid-19 đang giết chết ngành du lịch. Giá dầu lao dốc làm tăng thêm cảm giác hoảng loạn trên thị trường.
Nhưng bây giờ mới là tin thực sự xấu: đối với châu Á: phần còn lại của năm 2020 sẽ không "khá khẩm" hơn.
Các quan chức ở Bắc Kinh, Tokyo, New Delhi và Seoul đã bước vào năm mới với hàng loạt biến động. Tuy nhiên, hy vọng lớn nhất vẫn là cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc sẽ tử tế hơn, dịu dàng hơn hoặc ít nhất là im lặng hơn trong 12 tháng. Và ngay cả khi tin tức coronavirus trở nên tồi tệ vào tháng 2, nhiều người vấn quan tâm hơn đến thương chiến.
Mọi thứ đã thay đổi trong tuần này. Sự gia tăng mạnh trong các trường hợp coronavirus từ Hàn Quốc đến Ý đến Mỹ, cùng với dữ liệu sản xuất đáng sợ của Trung Quốc, đã gây ra sự sụt giảm lớn nhất về chỉ số chứng khoán kể từ năm 2008. Một cú đánh khác đến từ các thị trường dầu mỏ khi Saudi Arabia tiến hành cuộc chiến giá cả - một cách rất không đúng lúc - với Nga. Triều Tiên thì thực hiện diễn tập tấn công hỏa lực - khiến mọi thứ thậm chí còn tệ hơn.
Một lý do khiến thị trường trở nên khó khăn hơn chính là dòng dữ liệu ảm đạm ở các nền kinh tế lớn nhất châu Á. Năm ngoái, Trung Quốc, thị trường tiêu thụ chính của khu vực, đã chứng kiến mức tăng trưởng chậm nhất trong 30 năm vì thuế quan của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Chỉ số quản lý thu mua sản xuất của Bắc Kinh giảm xuống 35,7 trong tháng 2.
Kết quả quý IV của Nhật Bản, hóa ra, còn xấu hơn so với dự tính ban đầu: họ giảm tới 7,1% so với cùng kỳ, tồi tệ hơn mức giảm 6,3% ban đầu, một phần do việc tăng thuế tiêu dùng của Thủ tướng Shinzo Abe, Nikkei đưa tin ngày 9/3. Dữ liệu xuất khẩu từ năm 2020 cho đến nay đã cho thấy một cuộc suy thoái.
Ấn Độ đã kết thúc năm 2019 với mức tăng trưởng chậm nhất trong 6 năm trở lại đây. Lĩnh vực ngân hàng "ọp ẹp" có nghĩa là năm 2020 có thể sẽ gây chấn động cho New Delhi. Ngân hàng trung ương của Hàn Quốc dự báo nền kinh tế lớn thứ tư châu Á sẽ suy giảm trong quý này.
Châu Á đang đối mặt với cuộc khủng hoảng Covid-19. Các nền kinh tế mở, nhanh nhẹn như Singapore, Đài Loan và Việt Nam cũng phải đối mặt với sự gián đoạn nguồn cung và cả cầu đối với chuỗi cung ứng.
Indonesia, Thái Lan và Philippines đang chứng kiến dòng chảy du lịch đang suy giảm và giảm mạnh kiều hối từ những người lao động sống ở nước ngoài.
Trước những thách thức này, Malaysia lại lâm vào hỗn loạn chính trị. Ở Úc, nơi chưa từng suy thoái kinh tế kể từ năm 1991, các quan chức đang chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.
Vị trí suy yếu này có nghĩa là năm 2020 có thể nguy hiểm hơn nhiều đối với châu Á so với năm 2008.
Chấn thương từ Đại khủng hoảng 12 năm trước đây không gây ra tai họa cho châu Á trong thời gian dài, nhờ vào chiến dịch kích thích mạnh mẽ của Bắc Kinh. Năm 2009, Trung Quốc tăng trưởng 8,7%, giúp phần còn lại của châu Á tránh được cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất toàn cầu. Nhưng giờ cầu Trung Quốc đã suy giảm, một cách nghiêm trọng.
Châu Á đang dần tiến tới "vạch đỏ" trong những tháng tiếp theo. Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác sẽ phải mạnh dạn hành động để bảo vệ nền kinh tế. Các chính trị gia, với đầy đủ các công cụ tài khóa, phải tiên phong hành động, bắt đầu từ các ngân hàng trung ương của họ. Các nhà cải cách phải tiếp tục những thay đổi về cấu trúc để tăng khả năng cạnh tranh và đổi mới.
Trung Quốc cũng vậy, họ sẽ phải chuẩn bị cho những cơn gió mạnh.
Xuất khẩu, chi tiêu chính phủ và đầu tư tư nhân đều có xu hướng thấp hơn. Điều này sẽ khiến họ có nhiều điểm yếu hơn trong thời gian tới tới.
Sự bùng phát của coronavirus, hơn thế nữa, đang gây ra sự sụt giảm đột ngột về nguồn lao động, nguồn cầu và ảnh hưởng đến sự di chuyển của người dân và hàng hóa, điều sẽ cản trở nền kinh tế toàn cầu hóa phát triển.
Các biện pháp kích thích mới khó có thể có hiệu quả, trừ khi nó được thực hiện với lực lượng áp đảo, và tốt nhất là trong sự hợp tác với các nước láng giềng. Những cú đánh sắp tới có thể khiến các quốc gia trên thế giới gia tăng chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa cô lập và chủ nghĩa dân túy - điều các nhà lãnh đạo châu Á không mong muốn trong năm 2020.
Ai cũng hi vọng năm xui xẻo nhanh chóng kết thúc. Nhưng 9 tháng tiếp theo, có lẽ sẽ còn rất dài đối với châu Á.