Nikkei: Gần 70% cổ phiếu lớn nhất châu Á đều rớt giá chỉ trong 2 tháng

04/05/2022 21:03 PM | Kinh doanh

Khoảng 70% cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn nhất châu Á đều rớt giá trong 2 tháng đầu năm nay, khi xung đột Nga - Ukraine tác động mạnh đến TTCK. Nhà đầu tư lo sợ xảy ra suy thoái kinh tế gây ra bởi xung đột và tác động của quy định phong toả tại Trung Quốc.

Vốn hóa của các doanh nghiệp nổi bật như Tencent, Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. và Samsung Electronics sụt giảm do chi phí nguyên liệu thô cao và những lo ngại về chuỗi cung ứng gây áp lực cho các nhà sản xuất. Tuy nhiên, vốn hóa của các công ty năng lượng và hàng hóa ở Ấn Độ, Thái Lan và Malaysia lại tăng khi sản lượng của họ được đẩy mạnh và hưởng lợi từ giá tăng cao.

Nikkei Asia đã so sánh vốn hóa của các doanh nghiệp lớn nhất châu Á từ ngày 23/2 - 1 ngày trước khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, cho đến ngày 22/4. Theo cơ sở dữ liệu QUICK-FactSet, 627 công ty được định giá trên 10 tỷ USD tính đến ngày 23/3, trong đó 31% ghi nhận vốn hóa tăng còn 69% chứng kiến giá trị giảm mạnh trong 2 tháng.

Khi xung đột xảy ra, thị trường toàn cầu cũng bị ảnh hưởng bởi việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu thực hiện lộ trình thắt chặt chính sách. Mâu thuẫn giữa Nga và Ukraine gây bất ổn cho thị trường, ảnh hưởng trực tiếp đến các nền kinh tế có mối liên kết chặt chẽ với Nga và đẩy giá năng lượng, lương thực trên toàn cầu tăng mạnh.

Aninda Mitra - trưởng bộ phận chiến lược đầu tư và vĩ mô khu vực châu Á tại BNY Mellon Investment Manageme, cho biết: "Phần lớn thị trường châu Á vẫn có tính định hướng thương mại cao. Xung đột Nga - Ukraine cũng không thể xóa bỏ vai trò đối tác thương mại quan trọng của khu vực này với EU."

Mitra cho biết thêm, đà tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc đã chậm lại, với tăng trưởng nhập khẩu giảm xuống gần 0% so với cùng kỳ năm ngoái. Hơn nữa, việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ cũng ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới và nhiều quốc gia khác trong cuối năm nay. Theo ông, những yếu tố này cùng chi phí đầu vào tăng đã trở thành lực cản chính với triển vọng của TTCK châu Á.

Nikkei: Gần 70% cổ phiếu lớn nhất châu Á đều rớt giá chỉ trong 2 tháng - Ảnh 1.

Diễn biến vốn hóa của các doanh nghiệp top đầu châu Á.

Theo dữ liệu của QUICK-FactSet, các cổ phiếu lớn của Trung Quốc dẫn đầu xu hướng giảm của khu vực châu Á trong 2 tháng qua. Cổ phiếu hãng gọi xe Didi Global đã giảm 59% - mức lớn nhất trong số 627 công ty được theo dõi. Trong khi đó, JD.com mất 27%, Tencent và Alibaba đều giảm 23%.

Các cổ phiếu công nghệ được định giá cao thuộc nhóm dễ bị tác động nhất khi lãi suất tăng vì thu nhập trong tương lai sẽ bị hạn chế. Song, chính sách tiền tệ được thắt chặt không phải là yếu tố duy nhất gây ra mức sụt giảm mạnh.

Mike Leung - giám đốc đầu tư của Wocom Securities, cho hay: "Thị trường lo ngại rằng Trung Quốc sẽ không đạt mục tiêu tăng trưởng. Quy định phong tỏa nghiêm ngặt ở Thượng Hải và có thể sẽ được áp dụng ở Bắc Kinh đang gây gián đoạn cho chuỗi cung ứng, cùng hoạt động vận tải. Các chỉ số kinh tế chính đều chậm lại trong tháng 3."

Trong khi đó, tại Singapore, cổ phiếu của Sea - công ty mẹ Shopee, đã giảm mạnh 27% do công ty này chịu ảnh hưởng bởi việc các NHTW thắt chặt chính sách tiền tệ và nhà đầu tư tháo chạy khỏi cổ phiếu công nghệ. Hãng sản xuất chip TSMC của Đài Loan cũng mất 11% giá trị vốn hoá, trong khi Samsung giảm 8% trong 2 tháng kể từ sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Tháng trước, Samsung đã hoãn giao các lô hàng smartphone và các sản phẩm khác đến Nga trong bối cảnh các tập đoàn phương Tây ồ ạt rút khỏi quốc gia này. Việc Thượng Hải phong tỏa cũng làm dấy lên những lo ngại về sự gián đoạn với chuỗi cung ứng.

Trong khi đó, theo dữ liệu của QUICK-FactSet những cổ phiếu tăng giá mạnh nhất tại châu Á kể từ sau xung đột Nga - Ukraine chủ yếu ở các lĩnh vực liên quan đến năng lượng và hàng hoá, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi.

Adani Total Gas của Ấn Độ đứng đầu trong danh sách này, với mức tăng 49%. Đây là một trong những tập đoàn nổi bật nhất ở quốc gia Nam Á, cung cấp khí đốt tự nhiên cho các khách hàng công nghiệp, thương mại và dân cư.

Nikkei: Gần 70% cổ phiếu lớn nhất châu Á đều rớt giá chỉ trong 2 tháng - Ảnh 2.

Các chỉ số chính của TTCK Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Tại Thái Lan, vốn hóa của công ty dầu khí PTT Exploration and Production tăng 14%, trong khi Petronas Chemicals Group của Malaysia tăng 12%.

Tập đoàn Astra International của Indonenia - kinh doanh các lĩnh vực từ sản xuất ô tô đến dầu cọ và khai thác than, cũng ghi nhận vốn hóa tăng 25%. Astra được hưởng lợi khi giá cọ và than đá tăng nhanh, trong khi doanh số của họ tăng gần gấp đôi trong 3 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2021. Doanh nghiệp này được coi là "bệ đỡ" cho nền kinh tế Indonesia vì hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực. Chỉ số chính của TTCK nước này tăng vượt trội so với các chỉ số khác, hơn 4% trong 2 tháng.

Trong tương lai, các chuyên gia cho rằng một yếu tố quan trọng với thị trường là lạm phát hàng hóa do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine, Fed thắt chặt chính sách tiền tệ và đồng USD tiếp tục mạnh lên, những đợt phong tỏa ở Trung Quốc.

Mitra nhận định: "Kinh tế Trung Quốc giảm tốc sẽ ảnh hưởng lớn đến hầu hết các khu vực ở châu Á. Tuy nhiên, điều này cũng có thể mang lại lợi nhuận tương đối cho các nền kinh tế ít có mối liên hệ với Trung Quốc như Ấn Độ."

Tan của Morningstar nhận thấy châu Á sẽ đối diện với nhiều thử thách hơn trong tương lai. Ông nói: "Chúng tôi duy trì quan điểm rằng sự gián đoạn nguồn cung và logistics sẽ ít bị ảnh hưởng hơn so với năm 2020. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng chịu những áp lực lớn khác như Fed nâng lãi suất."

Tham khảo Nikkei

Theo Chi Lan

Cùng chuyên mục
XEM