Nike, Apple, Goldman Sachs và câu chuyện che giấu 2,5 nghìn tỷ USD
Tổng số lợi nhuận gửi ở nước ngoài của các công ty Mỹ đã lên đến 2,5 nghìn tỷ USD, cao hơn cả tổng GDP của nước Pháp
Chưa bao giờ tình trạng trốn thuế bằng các công ty ma lập ra ở nước ngoài của các tập đoàn kinh tế lớn ở Mỹ (offshoring) lại được bàn tán sôi nổi đến thế trên xứ Cờ hoa.
Doanh nghiệp Mỹ trốn thuế hơn 718 tỷ USD
Theo một báo cáo được công bố mới đây bởi liên minh FACT (một tập hợp của các công ty, viện nghiên cứu được thành lập với mục đích đảm bảo sự công bằng thuế cho xã hội Mỹ), tình trạng các công ty, tập đoàn kinh tế lớn ở Mỹ cất giữ lợi nhuận ở nước ngoài đang ngày càng phổ biến.
Không chỉ có vậy, các công ty này còn có hành vi cố ý lợi dụng các sơ hở của pháp luật Mỹ để trốn những khoản tiền thuế lên đến hàng trăm tỷ USD. Vậy đó là những công ty nào ? Một số ông lớn được chỉ mặt trong báo cáo bao gồm có Nike, Apple và Goldman Sachs.
Cụ thể, liên minh FACT đã phân tích hồ sơ của 367 công ty trong Global 500 (bảng xếp hạng hàng năm của 500 công ty, tập đoàn lớn nhất trên toàn thế giới tính theo tiêu chí doanh số) và đã đưa ra nhiều con số bất ngờ.
Nếu như năm 2009, các công ty đa quốc gia ở Mỹ mới “gửi gắm” khoảng 1,25 nghìn tỷ USD tại các thiên đường thuế ở nước ngoài thì vào năm ngoái, con số đó đã tăng lên 2,5 nghìn tỷ USD. Ông Clark Gascoigne, phó giám đốc của liên minh FACT, nhận xét: “Số tiền này thậm chí lớn hơn tổng GDP của nước Pháp,".
Chuyên gia Matthew Gardner của Viện dẫn về thuế và các chính sách kinh tế (ITEP) thì nói rằng: "Mỗi năm, các tập đoàn kinh tế lớn báo cáo rằng con số tiền mặt họ cất giấu ở nước ngoài đều tăng lên đến hàng chục tỷ USD so với năm trước”.
Ông này cũng bổ sung: "Một thực tế là hệ thống thuế ở Mỹ lại vô hình chung đang tạo ra nhiều sơ hở để các công ty dễ dàng trốn thuế ở các thiên đường thuế”.
Đúng là như vậy, luật thuế ở Mỹ cho phép các công ty gửi các khoản lợi nhuận ra nước ngoài và để thời hạn tới vô thời hạn cho thời điểm hồi hương của các khoản đó.
Để chống trốn thuế, Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC) đều yêu cầu các công ty báo cáo số tiền thuế đáng ra họ phải trả nếu không gửi lợi nhuận ra nước ngoài. Tuy nhiên, trong thực tế, có rất ít các tập đoàn, công ty báo cáo con số này.
Thay vào đó, có một kẽ hở trong luật pháp Mỹ cho phép các công ty này ra quyền phủ nhận và không trả số thuế họ trốn nếu họ cho rằng các tính toán về số thuế phải nộp từ bên thứ bà là không chính xác.
Trong nghiên cứu trên, cũng chỉ có đúng 58 trong số 298 công ty thuộc Global 500 báo cáo nghiêm túc về con số thuế mà họ đã trốn. Con số này tổng cộng là 212 tỷ USD.
Sử dụng dữ liệu này, liên minh FACT đã tính toán áng chừng tổng số thuế mà tất cả 298 công ty trên đã trốn. Liên minh này ước tính rằng các tất cả các tập đoàn đang nắm giữ 2,5 nghìn tỷ USD lợi nhuận ở nước ngoài. Tính ra, tổng số tiền thuế mà ngân sách Mỹ đã thất thu là 717,8 tỷ USD.
Các ông lớn đều có mặt trong danh sách trốn thuế nghiêm trọng nhất
Báo cáo cũng chỉ rõ một vài trường hợp trốn thuế nghiêm trọng nhất, đa phần từ các ông lớn:
- Nike:
Trên giấy tờ, Nike có tổng cộng 55 công ty đang hoạt động ở trên khắp các thiên đường thuế ở nước ngoài.
Ví dụ như ở thiên đường thuế Bermuda - nơi có thuế suất doanh nghiệp là 0%, Nike có tổng cộng 3 công ty con đang hoạt động trên giấy tờ. Nhưng trên thực tế, ở Bermuda, bạn sẽ không thể tìm thấy một cửa hàng bán giầy nào của Nike.
Tổng cộng lợi nhuận nước ngoài của Nike lên đến 10,7 tỷ USD, nhưng trung bình công ty này chỉ phải chịu mức thuế 1,4%.
- Ngân hàng Goldman Sachs:
Goldman Sachs có tổng cộng 987 công ty con tại khắp các thiên đường thuế ở nước ngoài. Trong đó, có 537 công ty nằm ở quần đảo Cayman, quốc gia không đánh thuế bất kỳ công ty nào. Tổng cộng, ngân hàng này hiện đang cất giữ 28,6 tỷ USD ở nước ngoài.
Cũng cần nói thêm rằng, ngân hàng Goldman Sachs chỉ là một trong một số các ngân hàng hay tập đoàn tài chính lớn đã nhận được tiền cứu trợ liên bang của chính phủ Mỹ từ hồi nhiệm kỳ thứ nhất của Obama, rồi lớn mạnh trở lại và rồi lại trốn thuế liên bang bằng cách sử dụng những thiên đường thuế.
Báo cáo còn chỉ rõ nhiều cái tên lớn khác trong tương tự Goldman Sachs là: Bank of America, Citigroup, JPMorgan Chase, Wells Fargo và Morgan Stanley. Tổng cộng các ngân hàng, tập đoàn tài chính này có 2.342 công ty con đang hoạt động tại khắp các thiên đường thuế ở nước ngoài.
- Apple:
Ví dụ “ấn tượng” nhất phải kể đến Apple. Công ty này hiện giữ gần 215 tỷ USD tại các cơ sở nước ngoài. Nếu tất cả số tiền này được tính thuế, Apple sẽ phải đứng trước số tiền thuế 65,4 tỷ USD cần được chi trả cho chính phủ các nước.
Cũng do trốn thuế quá nhiều, mới đây, một vài nỗ lực đã được tung ra nhằm ép Apple phải một phần số thuế đã trốn. Đó là khi EU gần đây đã thông báo phạt Apple số tiền 14,5 tỷ USD vì tội đã cất giấu lợi nhuận trái phép ở Ireland và tội trốn thuế nói chung trên toàn châu Âu.
Các thiên đường thuế - Chúng ở đâu ?
Nhìn chung, các công ty trốn thuế đều cất giấu lợi nhuận tại các quốc gia mà họ không thực hiện các hoạt động kinh doanh buôn bán tại đó.
Theo Cơ quan Nghiên cứu của Quốc hội Mỹ, có tới gần 50% lợi nhuận cất giữ ở nước ngoài của công ty, tập đoàn được báo cáo chỉ ở trong nội tại 5 quốc gia: Bermuda, Ireland, Luxembourg, Hà Lan và Thụy Sĩ.
Trong khi đó, lại chỉ có khoảng 4% lực lượng lao động nước ngoài của các công ty thực sự hoạt động ở các nước này. Các thiên đường thuế trên cũng chỉ nhận một số ít hơn 7% tổng đầu tư nước ngoài của tất cả các công ty, tập đoàn nói trên.
Chuyện trốn thuế vào hẳn tranh luận Tổng thống Mỹ, nhưng nó vẫn chưa thực sự được giải quyết
Thậm chí chuyện các công ty Mỹ trốn thuế bằng cách chuyển lợi nhuận ra nước ngoài (offshoring) cũng được 2 ứng viên Tổng thống năm nay là ông Donald Trump và bà Hillary Clinton nhắc đến như là một phần trong các nội dung về bất bình đẳng kinh tế và hệ thống tài chính "không sạch" ở những bài phát biểu tranh cử của mình.
Hồi tranh cử, Donald Trump và Hillary Clinton đã cùng nhau chỉ trích sự gia tăng của mánh khóe "đảo ngược công ty" (từ gốc: corporate inversion).
Đó là việc một công ty đa quốc gia đóng tại Mỹ để cho một công ty con ở nước ngoài (thường là những nước có thuế thấp hay không có thuế) thay thế công ty mẹ hiện tại để trở thành công ty mẹ của tập đoàn trên giấy tờ. Từ đó, số thuế đóng sẽ ít hẳn đi so với ban đầu.
Ông Trump đã lên tiếng kịch liệt phản đối mánh khóe này và đã đề xuất một hình miễn thuế để giúp các công ty chịu khó mang lợi nhuận trở về Hoa Kỳ, vẫn phải đóng thuế nhưng ở mức thấp hơn 10% so với hiện tại.
Còn bà Clinton thì đề xuất một kế hoạch để tránh các công ty trốn thuế giống như hồi bà còn là một thượng nghị sĩ vào năm 2004.
Cụ thể, theo Clinton, với các công ty quyết định rời ra khỏi nước Mỹ, họ sẽ phải đóng một mức “thuế ra” (từ gốc: exit tax – loại thuế dành mà cá nhân, công ty phải nộp khi quyết định từ bỏ quốc tịch gốc của mình).
Cùng với “thuế ra”, bà cũng đưa ra kế hoạch để hạn chế số lượng các tập đoàn muốn rời khỏi nước Mỹ. Các công ty sẽ chỉ được rời nước Mỹ khi mức lợi nhuận họ tạo ra có nhiều hơn 50% là từ ngoài nước Mỹ, và khi rời, chính sách “thuế ra’” sẽ lại được áp dụng.
Còn liên minh FACT thì đưa ra một giải pháp đơn giản, nhưng hà khắc hơn nhiều: chỉnh sửa hẳn hệ thống và bộ luật thuế mà nước Mỹ đang áp dụng để làm sao khiến các công ty Mỹ buộc phải chấm dứt việc hoãn nộp thuế trên các khoản lợi nhuận ở nước ngoài.
Đồng thời, sẽ không có một chút nào nhân nhượng ở mức thuế suất 35% giống như các doanh nghiệp trong nước Mỹ.
Tuy nhiên, một đề nghị như trên chắc hẳn sẽ chẳng nhận được sự đồng thuận từ cả 3 bên là chính phủ, nhà làm luật và các công ty ở Mỹ. Các chính trị gia ở cả hai bên cánh tả và cánh hữu ở Mỹ - từ ông Barack Obama đến ông Trump - đều cho rằng một mực thuế suất lên đến 35% như trên sẽ chỉ khiến cho các công ty cố công chạy khỏi nước Mỹ nhiều hơn.
Nếu quyết định chỉnh sửa hệ thống thuế không được thực hiện, liên minh FACT đưa ra một giải pháp tình thế hơn là yêu cầu các công ty phải minh bạch hóa những khoản lợi nhuận họ đang cất giữ ở nước ngoài. Chí ít, với việc này, chính phủ Mỹ sẽ biết được chính xác rằng mình đang bị thất thu số tiền thuế lên đến bao nhiêu.