Niềm vui của tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Cổ phiếu Vingroup “bốc đầu” trong ngày Vinhomes bắt đầu mua cổ phiếu quỹ, VinFast tăng 12% sau một đêm

23/10/2024 10:00 AM | Kinh doanh

Cổ phiếu Vingroup, Vincom Retail, VinFast đều giao dịch khởi sắc trong ngày Vinhomes chính thức bước vào thời gian đăng ký mua cổ phiếu quỹ. Chỉ duy nhất “nhân vật chính” chưa nóng máy.

Niềm vui của tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Cổ phiếu Vingroup “bốc đầu” trong ngày Vinhomes bắt đầu mua cổ phiếu quỹ, VinFast tăng 12% sau một đêm- Ảnh 1.

Từ ngày 23/10, Vinhomes (VHM) sẽ bắt đầu quá trình mua tối đa 370 triệu cổ phiếu quỹ kéo dài 30 ngày (đến ngày 21/11). Nếu thành công, đây sẽ là thương vụ lớn nhất lịch sử chứng khoán Việt Nam. Điều này mang lại hiệu ứng tích cực cho các cổ phiếu “họ” Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Mở phiên 23/10, cổ phiếu Vingroup (VIC) đã tăng “bốc đầu”, có thời điểm hơn 4%. “Người cũ” Vincom Retail (VRE) cũng tăng gần 2%. Đáng chú ý, đêm qua theo giờ Việt Nam, cổ phiếu VinFast đã có cú bứt phá ngoạn mục trên sàn chứng khoán Mỹ với mức tăng 12%, lên cao nhất 3 tháng. Trong khi đó, “nhân vật chính” VHM lại đang giao dịch khá chậm dưới tham chiếu.

Niềm vui của tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Cổ phiếu Vingroup “bốc đầu” trong ngày Vinhomes bắt đầu mua cổ phiếu quỹ, VinFast tăng 12% sau một đêm- Ảnh 2.

Diễn biến cổ phiếu "họ" Vingroup thời điểm 9h35p sáng 23/10

Niềm vui của tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Cổ phiếu Vingroup “bốc đầu” trong ngày Vinhomes bắt đầu mua cổ phiếu quỹ, VinFast tăng 12% sau một đêm- Ảnh 3.

Trước khi chính thức bước vào thời gian đăng ký mua cổ phiếu quỹ, cổ phiếu VHM đã có giai đoạn hồi phục đầy mạnh mẽ từ đáy hồi đầu tháng 8 (cùng thời điểm hé lộ kế hoạch lịch sử này). Sau hơn 2 tháng, VHM đã tăng khoảng 40% thị giá. Vốn hoá thị trường cũng theo đó vượt 205.000 tỷ đồng (~8 tỷ USD), xếp thứ 3 trong danh sách doanh nghiệp niêm yết giá trị nhất Việt Nam.

Theo quy định, mỗi ngày Vinhomes sẽ đặt mua tối thiểu 11,1 triệu cổ phiếu và tối đa 37 triệu cổ phiếu trong khoảng thời gian diễn ra giao dịch. Mục đích mua lại do thị giá cổ phiếu VHM đang ở mức thấp hơn so với giá trị thực của công ty nên việc mua lại cổ phiếu để đảm bảo quyền lợi của công ty và cổ đông. Nguồn vốn thực hiện mua lại từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối theo báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024.

Tạm tính tại mức thị giá hiện tại, Vinhomes có thể phải chi hơn 17.000 tỷ đồng cho thương vụ cổ phiếu quỹ này. Công ty khẳng định rằng kế hoạch mua lại cổ phiếu sẽ được tài trợ bằng lượng tiền mặt có sẵn và dòng tiền hoạt động, nhờ vào doanh thu từ việc bán một số dự án. Do đó, việc mua cổ phiếu quỹ sẽ chỉ có tác động hạn chế đến các chỉ tiêu về thanh khoản và nợ vay của công ty.

Về phía VinFast, đầu tháng 10 vừa qua hãng đã công bố tin vui khi bàn giao hơn 9.300 xe cho khách hàng trong tháng 9. Con số này cao gần gấp rưỡi so với hãng xe xếp thứ hai và vươn lên thành vị trí số 1 Việt Nam trong tháng 9. Đồng thời, đây là lần đầu tiên một thương hiệu ô tô điện vươn lên dẫn đầu thị trường và đang tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ, đánh dấu bước tiến mới của công nghiệp ô tô nội địa.

Theo Hà Linh

Cùng chuyên mục
XEM