Những ví dụ sinh động về fair use tại Mỹ
Vụ thắng kiện bản quyền 9 tỷ USD của Google trước Oracle cho thấy các phán quyết của tòa án sẽ nghiêng về khả năng tạo ra giá trị gia tăng, mục đích mới của sản phẩm được biếu tấu từ nguyên tác.
Khoa Luật kinh doanh đại học Stanford, Mỹ, đã tổng kết khá nhiều trường hợp được tòa án các bang kết luận "sử dụng hợp lý" (fair use), thay vì cáo buộc vi phạm bản quyền. Trong đó, vấn đề về sử dụng hợp lý có thể xảy ra đối với cả văn bản in, các tác phẩm hội họa, nghệ thuật, bản ghi âm, tác phẩm đa phương tiện và trên cả Internet.
Thông thường, một trường hợp được kết luận có hay không được coi là fair use sẽ dựa trên 4 yếu tố, bao gồm mục đích sử dụng (thương mại hay phi thương mại), bản chất tác phẩm có bản quyền (sản phẩm thực tế hay tưởng tượng), giới hạn thời lượng và tiềm năng của tác phẩm gốc.
Tháng 2/2014, một tòa án địa hạt tại Mỹ đã công bố phán quyết về vụ kiện của một tác giả với thư viện địa phương. Theo đó, phán quyết cho rằng việc thư viện sử dụng tính năng tìm kiếm (Google) cho các bản quét nội dung sách tại đây là một cách “sử dụng hợp lý”.
Việc quét nội dung này lên mạng nội bộ được xem là để đáp ứng 3 mục đích: bảo quản, hỗ trợ tìm kiếm văn bản đầy đủ và truy cập dễ dàng đối với các khách hàng là người tàn tật, không thể tra tư liệu từ bản in.
Trong phiên phúc thẩm, các bồi thẩm đoàn cũng cho rằng việc sử dụng tài liệu như trên là không vi phạm bản quyền, tương tự như phán quyết của tòa sơ thẩm. Tòa án cũng cho biết, không tìm thấy chứng cứ nào chứng minh tác hại tài chính đối với tác giả khi thư viện tìm cách số hóa cơ sở dữ liệu toàn văn, cũng như để người tàn tật tiếp cận với kho tài liệu này.
Tháng 1/2014, hãng tin Bloomberg từng khai thác bản ghi âm báo cáo thu nhập được thực hiện bởi ban điều hành của một tập đoàn nước ngoài tới 132 chuyên viên phân tích. Theo quyết định của tòa án, đây chỉ là một cách truyền tải tin tức thỏa đáng, do đó, điều này là hợp pháp mà không cần thiết phải có một sự thay đổi nào trong nội dung cần chuyển đi.
Tòa án cũng nhấn mạnh rằng, việc làm của Bloomberg không làm ảnh hưởng đến tác quyền, không nhằm đưa ra thông tin sốt dẻo và không làm hạn chế quyền xuất bản.
Trong kỷ nguyên số, những vụ kiện về bản quyền thường gây nhiều tiếng vang. Các đơn vị như Google, Youtube, Wikipedia... thường xuyên trở thành bị đơn trong những vụ kiện như vậy.
Thực tế, đối với các sản phẩm ghi âm, đa phương tiện, hội họa, ảnh, luật về bản quyền thông thường yêu cầu người tái sử dụng phải tuân thủ về giới hạn dung lượng dưới 30s hoặc dưới 10% độ dài nguyên tác (với video, ghi âm, đa phương tiện) hoặc bối cảnh, phông nền và các chi tiết đặc trưng (với hội họa, ảnh).
Trong những vụ kiện liên quan đến tác quyền về nghệ thuật, hội họa hay ghi âm, một trường hợp điển hình được biết tới với cái tên Betamax. Năm 1984, tòa án tối cao liên bang Mỹ phán quyết rằng khán giả có thể ghi lại các chương trình truyền hình tại nhà mà không chịu trách nhiệm bản quyền.
Đây là một trong số ít trường hợp, một bản copy đầy đủ được xem là cách "fair use", thay vì phải tạo nên giá trị thặng dư hoặc biến đổi một phần. Lý lẽ mà tòa án đưa ra là các video kiểu đó có độ trễ thời gian nên không làm giảm sút doanh thu của nhà đài, đồng thời, khách hàng cũng không dùng chúng để xây dựng một thư viện video và kiếm tiền từ đó.
Tương tự, năm 1996, các nhà sản xuất cuốn phim về tiểu sử tay đấm huyền thoại Muhammad Ali đã sử dụng 41 giây trong một video về trận đấu quyền anh. Điều quan trọng là thời lượng về trận đấu trong ấn bản tiểu sử rất ngắn, với mục đích chính là cung cấp thông tin, do đó, nó đã thực hiện đúng luật bản quyền của Mỹ.
Tháng 9/2014, một bức ảnh được chỉnh sửa của thị trưởng bang Wisconsin đã được in lên áo phông và bán nhằm mục đích quyên tiền cho một sự kiện. Tòa án phúc thẩm khi đó cho rằng, bức ảnh đã được chỉnh sửa bằng cách xóa phông nền, các chi tiết cụ thể... do đó, đây là một tác phẩm không có bản quyền và được phép sử dụng.
Trên nền tảng Internet, một ví dụ rất sinh động cho việc "sử dụng hợp lý - fairuse" là trường hợp liên kết lưu trữ (cache) mà Google khởi xướng. Một cache thường được sử dụng làm nơi lưu trữ tạm thời một bản sao (thường là bản sao không hoàn chỉnh) của văn bản hoặc trang web. Với công nghệ trên, người dùng có thể tìm kiếm lại các website thông qua một liên kết lưu trữ, khi nó bị chính chủ sở hữu đã xóa bỏ vĩnh viễn.
Tháng 10/2010, trong vụ kiện với Google, một luật sư cho rằng việc lưu trữ một bản sao như vậy với hồ sơ của một công ty trên Google là hành động vi phạm bản quyền, bởi công ty vốn có quyền sở hữu riêng với trangweb của chính họ. Tuy nhiên, tòa án đã bác đơn kiện trên.
Lý do được đưa ra là chủ sở hữu website có quyền chọn hay không chọn việc tồn tại một liên kết lưu trữ, trong khi Google chỉ cung cấp công cụ, cũng đã cảnh báo quyền cho người dùng. Vì Google được xem là người bị động trong trường hợp này, nên việc thông tin vẫn còn trên bộ nhớ đệm là do lỗi của chính người dùng, và họ phải tự chịu trách nhiệm.
Theo luật Mỹ, vấn đề “sử dụng hợp lý” ngoài việc được xem xét trên khía cạnh có hay không lợi nhuận từ việc sử dụng nguyên tác, còn xét tới mục đích sử dụng của các phiên bản có liên quan. Năm 2011, một tổ chức phi lợi nhuận đã đăng lại bài báo về phân biệt đối xử của cảnh sát trên website của mình. Tờ báo từng xuất bản nguyên tác đâm đơn kiện, dù bản quyền của bài viết này đã thuộc về một người tên Righthaven.
Trong phán quyết của mình, tòa án cho rằng website kia không vi phạm bản quyền. Lý do là người khởi kiện không còn là chủ sở hữu bản quyền hợp pháp của bài báo. Hơn nữa, mục đích của nội dung được đăng tải lại đã thay đổi, từ chỗ đưa tin bình thường, trở thành giáo dục công chúng về vấn đề nhập cư.
Mới đây nhất, tòa án ở Northern District (California, Mỹ) đã ra phán quyết rằng Google đã thực hiện đúng quyền “fair use” khi sử dụng 11.500 dòng code của Oracle và đưa chúng lên hệ điều hành mở Android. Phán quyết này giúp Google thoát khỏi mọi pháp lý, và tạm thời kết thúc vụ kiện dòi bồi thường 9 tỷ USD kéo dài của Oracle.