Những vết rạn trong liên minh ôtô lớn nhất thế giới

19/12/2018 08:37 AM | Kinh doanh

Mâu thuẫn được đồn đoán từ lâu giữa các bên trong liên minh ôtô này đã nổ ra...

Ngày hôm qua qua (17/12), Nissan Motor đã từ chối yêu cầu từ Renault về việc tổ chức một cuộc họp cổ đông bất thường để bổ nhiệm người thay thế cho chủ tịch đã bị bãi nhiệm Carlos Ghosn - người mới bị bắt vì cáo buộc gian lận tài chính tại Nhật vào tháng trước, động thái làm nảy sinh mẫu thuẫn trong liên minh ôtô lớn nhất thế giới, theo CNN.

Căng thẳng bùng nổ

Vào cuối tuần trước, Thierry Bollore - phó giám đốc điều hành của Renault đã gửi cho CEO của Nissan - Hiroto Saikawa yêu cầu mở một cuộc họp cổ đông bất thường trước cuộc họp thường niên vào tháng 6. Động thái này của hãng xe Pháp được cho là nhằm đưa ra các bổ nhiệm nhân sự thông qua cuộc họp và duy trì ảnh hưởng tại Nissan.

Nói về lý do từ chối yêu cầu của Renault, Saikawa nói với báo giới rằng Nissan sẽ cung cấp cho đối tác Pháp những bằng chứng về sai phạm của Ghosn mà hãng này đã thu thập được - lý do khiến ông này bị bãi nhiệm, khi có cơ hội. Đến nay, Renault mới chỉ nhận được thông tin sơ lược.

Theo Nikkei, thay vì làm theo yêu cầu của đối tác, trong một cuộc họp ban giám đốc hôm qua, Nissan đã thành lập một ủy ban quản trị độc lập với nhiệm vụ xem xét lại cơ cấu quản lý yếu kém tại công ty này - yếu tố cho phép Ghosn nắm giữ quá nhiều quyền lực, đồng thời thiết lập một quy trình quyết định lương thưởng cho các giám đốc. Ủy ban này cũng sẽ lấy ý kiến về việc bổ nhiệm người kế nhiệm Ghosn.

Tuy nhiên, trong cuộc họp hôm qua, Nissan chưa thể bổ nhiệm được chủ tịch tạm thời. Sau khi bãi nhiệm ông Ghosn khỏi vị trí chủ tịch vào ngày 22/11, công ty này đã chọn một người điều hành tạm thời từ các giám đốc còn lại ở Nhật.

Các vấn đề trên cho thấy những mâu thuẫn nghiêm trọng bên trong liên minh ôtô lớn nhất thế giới Nissan - Renault - Mitsubishi Motors. Mâu thuẫn được đồn đoán từ lâu giữa các bên trong liên minh đã nổ ra.

Ngày hôm qua, Saikawa bỏ qua các câu hỏi về việc Renault muốn có một cuộc họp khẩn với các cổ đông Nissan, nằm trong nỗ lực giành quyền kiểm soát tại đối tác Nhật. Nissan và Renault đều từ chối bình luận về vấn đề này. Renault hiện sở hữu 43% cổ phần có quyền biểu quyết tại Nissan.

Liên minh khổng lồ

Liên minh gồm Nissan, Renault và Mitsubishi Motors hiện có hơn 470.000 nhân viên tại gần 200 quốc gia. Năm 2017, liên minh này bán ra hơn 10,7 triệu xe trên toàn cầu.

Ba công ty này có nhiều điểm chung hơn là chỉ Ghosn - người đã xây dựng liên minh sau khi vực dậy thành công Renault và Nissan. Cả ba đều sở hữu cổ phần của nhau cũng như công nghệ và các cơ sở sản xuất. Điều này khiến cho một "cuộc chia ly" là không hề dễ.

"Tất cả các bên đều cần đến nhau bởi họ không có lựa chọn thay thế", Campbell Gunn, tư vấn cấp cao tại hãng đầu tư Tap Japan cho biết. "Việc hủy bỏ các mối quan hệ này và thiết lập những mối quan hệ mới là điều bất khả thi".

Tuy nhiên, quan hệ hợp tác của liên minh này không ngang nhau. Bán nhiều xe hơn Renault, Nissan hiện chỉ sở hữu 15% cổ phần không có quyền biểu quyết tại hãng xe Pháp.

Một số nhà phân tích cho rằng các giám đốc của Nissan không hài lòng về khả năng Renault và Ghosn tìm cách thực hiện một cuộc sáp nhập toàn diện, giúp công ty Pháp có quyền kiểm soát lớn hơn tại Nissan.

Đầu tháng này, trong một cuộc họp mặt tại trụ sở chính, Saikawa nói với các nhân viên rằng Ghosn đã có quá nhiều quyền lực điều hành tại liên minh. Và hôm qua, ông phát biểu rằng Nissan sẽ phải hành động vì lợi ích của chính mình.

"Chúng tôi sẽ lắng nghe lựa chọn của Renault như một đối tác trong liên minh", CEO của Nissan nói với báo giới. "Nhưng chúng tôi là những người chịu trách nhiệm điều hành Nissan".

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Trong một cuộc họp vào đầu tháng này, cả 3 đối tác trong liên minh đều nhắc lại những cam kết của mình với đối phương, nhưng điều đó không nói lên tất cả, theo CNN.

Chính phủ Pháp hiện là cổ đông lớn nhất tại Renault. Theo các nhà phân tích, Nissan lo rằng Renault có thể làm những điều được cho là tốt nhất cho nền kinh tế Pháp, thay vì cho liên minh. Trong khi đó, chính phủ Nhật cũng sẽ không để một trong những công ty lớn nhất của mình nằm dưới sự kiểm soát của người Pháp thông qua một cuộc sáp nhập toàn diện.

"Sáp nhập là lựa chọn bị loại khỏi bàn thảo luận", Gunn nhận định.

Trong khi đó, Ghosn đang đối mặt cuộc chiến pháp lý đầy cam go. Tuần trước, ông đã nộp đơn khiếu nại nhằm chống lại việc bắt giữ nhưng bị từ chối. Theo các chuyên gia, hơn 99% những người bị cáo buộc phạm tội tại Nhật cuối cùng đều bị kết án.

Tuần trước, các công tố viên Tokyo truy tố Ghosn với cáo buộc ông đã kê thiếu khoảng 5 tỷ Yên (44 triệu USD) thu nhập của mình trong báo cáo doanh nghiệp của Nissan từ năm 2010 - 2015. Ghosn cũng bị bắt lại với các cáo buộc bổ sung liên quan tới thu nhập từ năm 2015 - 2018. Đài truyền hình NHK của Nhật tuần trước dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết Ghosn phủ nhận mọi cáo buộc trên.

Ghosn đã bị bãi nhiệm khỏi vị trí chủ tịch tại Nissan và Mitsubishi sau khi bị bắt vào tháng trước. Trong khi đó, Renault đã bổ nhiệm một giám đốc tạm thời nhưng vẫn chưa bị bãi nhiệm các vị trí của ông này tại công ty.

"Kiến trúc sư trưởng" của liên minh này có tài trong việc tìm ra điểm chung giữa 3 công ty. Nếu 3 công ty này vẫn gắn bó với nhau, họ sẽ cần một người thay thế có thể định vị những vấn đề tương tự như vậy.

Theo Ngọc Trang

Cùng chuyên mục
XEM