Những tính xấu khiến người Việt khó lòng thịnh vượng, bứt phá trong mắt tỷ phú Phạm Nhật Vượng, shark Nguyễn Xuân Phú
Sau đây là nhận xét của những doanh nhân nổi tiếng như Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng hay Chủ tịch Sunhouse Nguyễn Xuân Phú về tính xấu của người Việt trong công việc, đời sống.
Không ai hoàn hảo, nhưng vài thói quen xấu tưởng chừng vô hại có thể khiến cuộc sống trở nên tồi tệ và ngăn cản bạn chạm tới ước mơ. Một trong những cách giúp bạn thành công là nhận ra những thói quen xấu nào đang cản bước mình từ chia sẻ của những người thành công.
Sau đây là nhận xét của những doanh nhân nổi tiếng như Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng hay Chủ tịch Sunhouse Nguyễn Xuân Phú.
Bệnh “ngâm vấn đề”
Trong bài trả lời phỏng vấn mới đây trên VnExpress, chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng vô tình nêu ra một thói quen xấu phổ biến của người Việt Nam là ngâm vấn đề. Khi được hỏi về việc nhiều bài toán lớn tại Vingroup nhưng được quyết rất nhanh ví dụ như Vinhomes Smart City, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cười và cho rằng đây là tốc độ bình thường, không nhanh. Nếu có giải pháp tốt hơn, ông và đội ngũ sẵn sàng bất chấp tốn kém để làm.
“Nhìn chung, thói quen xấu của chúng ta là cứ nêu vấn đề lên rồi cả tháng sau mới quay lại. Còn chúng tôi đã nêu vấn đề, chỉ trong 1-2 ngày là phải giải. Nếu khó quá thì treo, nhưng mấy ngày sau quay lại, chốt bằng được là xuôi hay ngược. Không quyết làm là "ngược luôn", tức là bỏ”, ông chia sẻ.
Chủ tịch Phạm Nhật Vượng cho biết “làm nhanh hơn” cũng là một “know-how” của Vingroup. Chính phong cách quyết liệt dứt khoát này mà nhiều dự án của Vingroup đúng tiến độ thậm chí còn rút ngắn tiến độ. Ví dụ như VinFast, Vingroup sẵn sàng tuyển dụng nhiều chuyên gia giỏi, hợp tác với hàng chục công ty công nghệ để rút ngắn thời gian. Theo thông lệ quốc tế để làm ôtô cần 27-54 tháng nhưng tập đoàn này chỉ cần 18 tháng. Mấu chốt của Vingroup là làm nhanh và tập trung hơn.
Thiếu ý thức kỷ luật
Trong một bài phỏng vấn trên Zing, Chủ tịch Sunhouse từng chia sẻ một điều mà ngay cả tập đoàn này bất lực chính là ý thức kỷ luật.
“Nhiều lúc ngay cả bản thân Sunhouse cũng cảm thấy bất lực. Chúng tôi từng mời chuyên gia Hàn Quốc sang làm việc, nhưng sau khi cuộc họp bắt đầu, nhân viên các phòng ban lần lượt mới đến khiến người nước ngoài rất khó chịu.
Ở tầm doanh nghiệp, lớp kế cận mình mà không có kỷ luật, không trung thực, không tuân thủ các quy trình được đặt ra thì tổ chức không thể lớn lên được. Như vậy, cần cả một hệ thống, hệ thống đó cho phép các công ty có nguồn lực đầu vào đã được rèn luyện kinh nghiệm, có tố chất, có ý thức. Nếu doanh nghiệp cứ phải đào tạo lại thì khó mà có thể đào tạo được”, ông chia sẻ.
Theo Shark Phú, điều quan trọng với bất kỳ cá nhân và tổ chức nào chính là cần xem giáo dục đào tạo là cái gốc. Ông cho rằng chúng ta cần đào tạo từ kiến thức, thái độ, kỷ luật, tư duy, qua đó hình thành được một lớp người dân có nhận thức, có kỷ luật, thì mới hy vọng quốc gia hùng cường, thịnh vượng được.
Tất nhiên đây là quá trình khổ luyện và shark Phú cho rằng phải đi từ những bước đầu tiên, không được đốt cháy giai đoạn, phải bắt đầu từ đào tạo. Nghĩa đào tạo rất rộng, nhưng từng bối cảnh trường hợp có những cách đào tạo khác nhau.
“Chúng ta cũng cần phải có nền tảng giáo dục đào tạo của cả quốc gia”, chủ tịch Nguyễn Xuân Phú nhấn mạnh.
Bệnh phán, chê người khác
Cũng trong bài phỏng vấn trên Zing, ông chủ Sunhouse nói về văn hóa ngồi lê đôi mách của người Việt.
“Văn hóa chúng ta là ngồi trà đá, nói về người khác. Cần thay đổi theo hướng nói đi đôi với làm. Ngồi phán, ngồi chê người khác thì rất dễ, nhưng ngồi làm thì rất là khó. Người Việt Nam cần thay đổi tư duy, nói đi đôi với làm. Cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần bắt tay vào hành động, cần tôn trọng sự thật”, ông gay gắt phê phán.
Chủ tịch Sunhouse còn chia sẻ thêm giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2010-2013, tập đoàn này phải tiếp rất nhiều cơ quan Nhà nước đến để tháo gỡ khó khăn. Thế nhưng sau một loạt buổi tiếp đón nhiều đoàn tốn thời gian, những kiến nghị được Sunhouse nêu ra nhưng không nhận được hồi âm hay không hồi đáp kiến nghị. Nhiều đoàn quá làm chúng tôi tốn thời gian để tiếp.
“Vấn đề của chúng ta là nhiều việc không xác định mục tiêu cụ thể, ai chịu trách nhiệm, diễn ra bao lâu, dùng nguồn lực gì để thực hiện nó, thực hiện bằng phương tiện gì. Chúng ta thường không biến nó thành kế hoạch hành động, mà chỉ hô hào, rồi chìm xuống và biến mất.
Khi mà chúng ta không vạch ra kế hoạch cụ thể, không xác định rõ nguồn lực thì có hô hào thế hay nữa cũng không biến ra thành cái gì cả”, ông cho biết.
Theo shark Nguyễn Xuân Phú, chúng ta không cần nói nhiều đến khát vọng bởi ai cũng thích giàu, thích chiến thắng. Cũng giống như một con người sinh ra ở đâu, trong bản thân họ đã có lòng yêu nước.
Có khát vọng rồi nhưng khó khăn nhất là các bước đi. Đó là một quá trình, phải rèn luyện, phải chịu khổ. Điều quan trọng là chúng ta có chịu được điều này hay không, có chịu bắt tay vào làm không hay chỉ là ngồi nói suông.