Những thói quen tai hại "tàn phá" xương khớp: Nhiều người vẫn làm hàng ngày

24/01/2022 10:44 AM | Sống

Ngồi vắt chéo chân, đi giày cao gót, ngồi quá lâu một chỗ,…. là những thói quen hàng ngày gây hưởng rất lớn tới sức khỏe xương khớp.

Trong những năm gần đây, tỷ lệ mắc bệnh xương khớp ở Việt Nam đang ngày càng tăng. Theo thống kê của ngành Xương khớp Việt Nam, hiện nay, 35% dân số nước ta mắc các bệnh về xương khớp, trong đó lứa tuổi từ 50 - 70 chiếm 70% tổng số người mắc bệnh.

Thống kê cũng chỉ ra rằng cứ 100 người Việt lứa tuổi 25 - 45 thì có 27 người bị đau lưng, 20 người bị đau vai, 8 người bị đau khớp và 3 người bị viêm khớp. Thêm vào đó, cứ người 10 lại có 3 người mắc bệnh loãng xương.

Những số liệu trên cho thấy bệnh lý xương khớp không chỉ gặp ở những người cao tuổi mà còn đang dần trẻ hóa.

PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Bay - Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM - Cơ sở 3 cho biết những thói quen hằng ngày chính là nguyên nhân gây ra các bệnh xương khớp. Nhiều thói quen có thể khiến bạn thấy dễ chịu trong chốc lát nhưng lại làm tăng nguy cơ mắc bệnh xương khớp về sau. Nếu không nhanh chóng thay đổi những thói quen xấu dưới đây, bạn sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh xương khớp trước khi bước vào giai đoạn lão hóa.

Những thói quen tai hại tàn phá xương khớp: Nhiều người vẫn làm hàng ngày - Ảnh 1.

Đi giày cao gót ảnh hưởng tới xương khớp rất nhiều. Ảnh minh họa.

1. Ngồi lâu một chỗ

Ngồi lâu với một tư thế cố định sẽ khiến máu không được lưu thông dễ dàng, từ đó đẩy nhanh quá trình thoái hóa và lão hóa xương. Ngồi làm việc hay đứng quá lâu tại một vị trí khiến tuần hoàn máu ở chân bị giảm; cơ mông, hông ngày càng kém linh hoạt; xương dần mỏng đi, giòn và dễ gãy hơn.

2. Ngồi vắt chéo chân

Ngồi lệch một bên hoặc ngồi vắt chéo chân sẽ khiến xương hông và khớp háng bị lệch. Tình trạng này tạm thời có thể gây mỏi cơ nhưng lâu ngày sẽ dẫn đến thoái hóa sụn khớp.

Ngoài ra, ngồi vắt chéo chân còn ảnh hưởng đến mạch máu, gây ứ đọng huyết khối hoặc suy giãn tĩnh mạch,...

3. Thói quen bẻ các khớp ngón tay, vặn cổ tay

Khi làm việc mệt mỏi, đặc biệt ở giới văn phòng, nhiều người có thói quen thường xuyên bẻ các khớp ngón tay vì cho rằng đó là cách để giảm mệt mỏi cho các khớp. Tuy nhiên, theo PGS. Bay, đây là một thói quen có hại cho xương khớp và tạo ra những vi chấn thương lên sụn khớp. Đây cũng chính là nguyên nhân đẩy nhanh tiến độ lão hóa, gây bệnh thoái hóa và đau khớp xương.

Bên cạnh đó, thói quen vặn cổ tay cũng hoàn toàn không tốt cho xương khớp.

4. Đi giày cao gót

Phụ nữ thường thích mang giày cao gót. Tuy nhiên, thói quen này sẽ vô tình tạo áp lực lên gót chân, cơ bắp chân, cơ mông và thắt lưng. Nếu bạn mang giày cao gót mỗi ngày sẽ khiến các khớp xương và cơ, gân bị ảnh hưởng.

5. Ít vận động

Ít vận động sẽ kéo theo nhiều hệ lụy đối với sức khỏe nói chung, đặc biệt là gây thừa cân, béo phì. Khi cơ thể bị thừa cân sẽ tạo áp lực lớn đến khớp, nhất là khớp gối, lâu dần sẽ dẫn đến tình trạng thoái hóa khớp.

6. Hút thuốc lá

Các độc tố trong thuốc lá khi vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến các mạch máu, khiến máu không lưu thông tới các khớp xương, từ đó gây tổn thương các bộ phận này.

7. Uống rượu bia, ăn thức ăn nhanh thường xuyên


Uống rượu bia và ăn thức ăn nhanh thường xuyên ảnh hưởng đến sự hấp thu và vận chuyển của canxi ở trong xương, từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý ở xương khớp.

Để phòng các bệnh xương khớp, PGS. Bay cho biết bất cứ ai cũng nên có chế độ tập luyện phù hợp với bản thân mình để gia tăng sức bền của xương khớp. Những người có công việc phải ngồi nhiều có thể thực hiện các bài tập tại chỗ như vặn mình, xoay nhẹ nhàng phần cổ, xoa bóp và duỗi các ngón tay, vỗ nhẹ phần vai hoặc thỉnh thoảng đứng dậy đi lại quanh phòng làm việc. Những động tác này sẽ giúp các cơ, khớp xương được thư giãn và giảm đau nhanh chóng.

PGS. Bay nhấn mạnh, khi ngồi làm việc khoảng 1 tiếng, bạn nên đứng lên vận động, xoay chuyển các khớp nhẹ nhàng trong vòng 5 phút. Nếu tính chất công việc buộc phải ngồi liên tục 2 tiếng thì bạn phải dành ít nhất 15 phút để vận động nhằm giảm bớt các nguy cơ mắc các bệnh xương khớp trong tương lai.

Theo Ngọc Anh

Cùng chuyên mục
XEM