Những Thạch Sùng trục lợi mùa dịch và anh Minh Râu vừa bán vừa cho: Chỉ cần không ác là đủ tử tế rồi!
Chuỗi bách hóa nọ tăng giá phi mã nhưng nào có ép ai mua, đó là cái lý của họ. Nhưng ở giữa những lý lẽ đúng và sai, còn chữ tình nữa. Kiếm tiền trên nỗi âu lo của đồng bào, sao đặng...
Những ngày gần đây, việc chuỗi cửa hàng bách hóa nổi tiếng tăng giá bán rau củ và một số mặt hàng thực phẩm giữa lúc TP.HCM giãn cách xã hội, các chợ đầu mối và chợ dân sinh đóng cửa đã khiến dư luận đặc biệt bức xúc. Đơn vị chủ quản chuỗi này khẳng định, họ không có chủ trương tăng giá bán lẻ để kiếm lời trong giai đoạn dịch bệnh.
Lý do được đưa ra giải thích cho chuyện rau củ bị đội giá lên gấp đôi, gấp ba lần là bởi họ phải bù cho chi phí vận chuyển tăng cao, chi phí xét nghiệm cho nhân viên, nhiều nhân viên ở khu phong tỏa, bù trừ hàng hóa hư hỏng…
Kẻ thu lời từ nỗi sợ hãi và phong cách Thạch Sùng thời hiện đại
Điều đó có thật hay không thì chẳng rõ, nhưng câu chuyện tìm thấy "cơ" trong "nguy", nắm bắt thứ cơ hội được sinh ra trong thảm họa không phải chưa có tiền lệ. Kinh doanh nỗi sợ hãi, trục lợi từ sự hoang mang của công chúng thậm chí còn là một chiêu thức marketing được rỉ tai nhau.
Sau những vụ án về trẻ em, phụ nữ bị tấn công tình dục được đăng tải, đội ngũ sale bán các khóa học tự vệ, kỹ năng sống, các sản phẩm hộ thân như bình xịt hơi cay, còi báo động… sẽ ra sức chào mời.
Khi nỗi sợ hãi về bệnh hiểm nghèo mà không đủ tiền chữa trị được đẩy lên, đó có thể trở thành "nội dung mồi" cho người bán bảo hiểm nhân thọ, cơ hội để quảng bá các sản phẩm "thần dược" cho sức khỏe...
Nhưng “cơ hội” lớn nhất cho những kẻ trục lợi, ấy là khi một thảm họa môi sinh, một đại dịch, một virus lạ tấn công loài người trên diện rộng, như virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện giữa loài người hơn 2 năm nay.
Năm ngoái là sự tăng giá phi mã của khẩu trang và nước rửa tay. Lúc cao điểm, một hộp khẩu trang y tế 50 chiếc mua tại nhà thuốc ở Hà Nội có thể có giá 500.000 đồng, dù trước khi có dịch, giá trung bình là 35.000 - 50.000 đồng/hộp. Năm nay, người ta tự hỏi liệu thực phẩm ở thành phố Hồ Chí Minh có rơi vào "cơn sốt" tương tự?
Người dân đi mua thực phẩm trong những ngày Tp. Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh .
Kiếm lời từ thảm họa, ngẫm ra chẳng phải chuyện được "sáng tạo" ở thời hiện đại. Trong cổ tích, thời của Thạch Sùng, ông bà ta đã kể về một gian thương, trục lợi từ nước mắt nhân dân. Truyện rằng, Thạch Sùng, vốn là kẻ hành khất có chút của để dành.
Một hôm, vô tình thấy hai con trâu trắng húc nhau dữ dội, biết được sắp có bão lụt, mất mùa, Thạch Sùng ta vội vàng rút sạch của nả đi mua gạo, tích trữ cả một hang đầy. Hắn không kể điều mình thấy với ai, đương nhiên.
Năm ấy lụt to, mất mùa, dân chúng chẳng ai lường trước chuyện ấy nên cả làng không ai có đủ gạo ăn. Giá gạo tăng gấp mười, rồi gấp trăm mà cũng chẳng ai còn để bán, chỉ trừ Thạch Sùng. Đến khi dân chúng kiệt cùng, Thạch Sùng mới tung gạo mình ra bán. Có người trả một thỏi vàng để đổi lấy một đấu gạo. Và thế là cứ thế, Sùng ta giàu to, trở thành một phú ông...
Thời của chúng ta, khó mà có thể giấu thông tin để trục lợi một mình như Thạch Sùng. Nhưng sự bùng nổ của nỗi sợ hãi bệnh dịch với những con số ca nhiễm nhích lên từng ngày; hoàn cảnh đặc biệt khi nhiều tiểu thương không còn được kinh doanh ở chợ đầu mối và chợ dân sinh; những xe chở hàng hóa, thực phẩm gặp khó khi tìm đường an toàn vào thành phố; nỗi lo lắng thái quá đến mức phải vội vàng tích trữ lương thực… đã kéo theo một cơn sốt rau xanh. Người ta thậm chí còn trêu nhau, thời điểm này ai có rau ăn mới thực là đại gia.
Chuỗi bách hóa nọ phân trần, họ không cố tình trục lợi hay nâng giá vô tội vạ như bị “đổ oan”. Sòng phẳng mà nói thì đó là quan hệ thuận mua vừa bán, họ tăng giá gấp đôi, gấp ba thật, nhưng khi không có lựa chọn khác, người dân vẫn cứ mua, họ thu lời mà chẳng lừa đảo ai.
Nhưng ở giữa những lý lẽ đúng và sai, còn chữ tình nữa. Tình, ấy là khi không làm được việc thiện, ít nhất đừng làm ác. Tình, ấy là nên có lòng thương cảm cho đồng bào mình, trong bộn bề khó khăn mà đại dịch kéo theo: Nguy cơ thất nghiệp, túi tiền cạn kiệt, sức khỏe tâm thần ảnh hưởng khi ngay cả nhu cầu cơ bản về thực phẩm cũng phải đắn đo...
Người kinh doanh không mang tâm ác như Thạch Sùng, thế đã đủ tử tế rồi
Chuỗi bách hóa nọ đưa đủ lý do để chứng minh việc tăng giá của mình là hợp pháp. Mà sự thật là cũng không chỉ có mình họ bán thực phẩm mắc hơn ngày thường. Ở đâu đó, hình như cũng có những tiểu thương đang kiếm tốt hơn “nhờ” dịch bệnh. Một ngày “áp phe” rau, họ bỏ túi tiền triệu, như lời khoe của một bạn hàng đã chê anh Minh Râu - tiểu thương ở chợ Biên Hòa - “ngu”.
Nhưng ở đâu có cũng có anh Minh Râu - một người bán rau xăm trổ, bên ngoài hầm hố bên trong tử tế. Bị chê là “ngu” vì không biết bán giá cao khi người dân đang khát rau, anh chỉ trả lời đơn giản: “Tiền có thể kiếm lúc khác, không kiếm trên hoạn nạn của người ta trong lúc này”. Sạp rau của anh còn thường xuyên tặng rau cho không, biếu không những công nhân, sinh viên gặp khó, ai xin anh cũng cho. Mà người đàn ông ấy, chẳng giàu có gì cho cam.
Câu chuyện về sự tử tế của người bán hàng xăm trổ này đang được lan toả khắp mạng xã hội.
Ở đâu đó cũng có những nông dân như anh Nguyễn Văn Kiều, người Đắk Nông. Sau nửa năm chăm sóc vườn củ cải trắng 10 tấn, đến ngày thu hoạch thì anh quyết định dỡ hết lên, đóng bịch gửi vào tặng không cho người dân Sài Gòn.
Anh bảo: "Tôi chỉ suy nghĩ đơn giản, ai có điều kiện họ ủng hộ tiền, ủng hộ gạo. Mình là nông dân, chỉ có vườn cải là giá trị. Mình tặng người dân củ cải, coi như góp phần giúp người lao động nghèo có rau củ ăn trong mùa dịch. Tiền thì có thể kiếm sau".
Anh Nguyễn Văn Kiều.
Hai chuỗi siêu thị lớn nhất thành phố Hồ Chí Minh cũng cam kết giữ bình ổn giá hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm. Họ kiên định nói không với cơ hội thu lời "khủng” trong nỗi âu lo của người dân. Những luồng gió mát ấy đã xoa dịu một phần cơn bức xúc của người dân với những tay buôn thổi giá.
Nhưng như thế vẫn là chưa đủ. Cái chuyện mớ rau con cá, tưởng rất nhỏ nhặt ấy lại thành ra nghiêm trọng trong thời điểm này. Bởi không ai có thể “cứu trợ” được mãi. Mà cũng không người dân nào khi chưa quá ngặt, muốn dựa vào đồ tặng miễn phí mãi.
Cái người ta cần, là một sự bình ổn trên diện rộng, là ai cũng có cơ hội được mua thực phẩm với mức giá chấp nhận được. Cái người ta cần, là những gã Thạch Sùng không có cơ hội để thổi giá và kiếm chác.
Chúng ta khó lòng đòi hỏi ai cũng nghĩ “đơn giản” như anh Minh Râu: “Cho đi một xíu biết đâu sau này nhận lại quá trời thì sao? Kiếm tiền cả đời chứ đâu riêng lúc này!”. Nhưng người dân cần được mua hàng trong sự hoan hỉ bỏ tiền ra và nhận về hàng hóa đúng giá trị, chứ không phải 14 ngàn để lấy về mớ rau răm hé, 50 ngàn được một nắm hành gọn lỏn trong lòng bàn tay.
Chỉ cần ai đó không ác như Thạch Sùng, thế đã đủ tử tế rồi!