Những tên tuổi sừng sỏ sắp tranh mua cổ phần Sabeco là ai?

04/11/2016 08:00 AM | Kinh doanh

Những ứng viên hàng đầu có thể kể tới các ông lớn đang có mặt trên thị trường, như Heineken, Carlsberg, AB InBev, Sapporo, Singha hay một số đại gia lớn ngành bia chưa vào Việt Nam nhưng cũng muốn giành thị phần, như Thai Beverage hay Asahi và Kirin.

Tại Việt Nam, bia hiện là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giỏ hàng hoá tiêu dùng. Mặt hàng này chiếm đến 1/3 tổng giá trị thị trường nhóm ngành đồ uống. Còn nhóm ngành đồ uống thì chiếm tới 41% trong tổng cơ cấu các ngành hàng tiêu dùng.

Ngay cả khi nhóm FMCG tăng trưởng chững trong quý 3 vừa qua, thì bia vẫn thể hiện phong độ ổn định khi tiếp tục tăng trưởng ấn tượng với 9,2%.

Theo Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), đến năm 2015, cả nước có 129 cơ sở sản xuất bia, giảm 12 cơ sở so với năm 2010. Bù lại, quy mô các doanh nghiệp có công suất lớn từ 50 triệu lít đến 100 triệu lít/năm ngày càng tăng. Hiện năng lực sản xuất của toàn ngành bia đã đạt 4,8 tỷ lít với thiết bị hiện đại, tự động hoá cao.

Cũng theo ước tính của VBA, năm 2015, sản lượng bia cả nước đạt 3,4 tỷ lít, tuy nhiên bánh ngon không chia đều cho tất cả.

Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) tiếp tục là đơn vị dẫn đầu về sản lượng bia với 1,38 tỷ lít. Tiếp đó là các sản phẩm thuộc thương hiệu Heineken với 729 triệu lít. Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) ở vị trí thứ 3 với 667,8 triệu lít và thương hiệu Carlsberg với 229 triệu lít.

Như vậy, chỉ riêng 4 doanh nghiệp sản xuất bia lớn là Sabeco, Heineken, Habeco và Carlsberg đã chiếm 88,4% thị phần trong ngành bia.


Nguồn: Hiệp hội Bia - Rượu - NGK Việt Nam, BSC

Nguồn: Hiệp hội Bia - Rượu - NGK Việt Nam, BSC

Với sức nóng của thị trường bia cũng như vị thế của 2 ông lớn bia nội Sabeco và Habeco, việc Nhà nước thoái vốn tại 2 công ty này sẽ khiến rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước chú ý.

Đối với Habeco, cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp này vốn dĩ cô đặc, khi Nhà nước và Carlsberg nắm hơn 99% lượng cổ phiếu, chỉ có 0,98% tự do giao dịch. Ngoài ra, việc thoái vốn tại Habeco còn gặp khó khăn do thoả thuận đã ký từ trước với Carlsberg.

Tuy nhiên, với Sabeco lại khác. Doanh nghiệp này có 5,41% cổ phiếu tự do giao dịch và có lộ trình thoái vốn Nhà nước rõ ràng. Sabeco được đánh giá là sẽ có sức hút rất lớn khi đang nắm thị phần lên tới trên 40% trong ngành bia.

Các doanh nghiệp nhòm ngó Sabeco sẽ có cơ hội dễ dàng gia nhập thị trường béo bở thứ 3 châu Á. Những ứng viên hàng đầu có thể kể tới các ông lớn đang có mặt trên thị trường, như Heineken, Carlsberg, AB InBev, Sapporo, Singha hay một số đại gia lớn ngành bia chưa vào Việt Nam nhưng cũng muốn giành thị phần, như Thai Beverage hay Asahi và Kirin. Đây đều là những tên tuổi bia sừng sỏ trên thế giới.

Heineken

Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam là liên doanh giữa Công ty TNHH Heineken Châu Á Thái Bình Dương có trụ sở chính tại Singapore (nắm 60%) và Tổng công ty thương mại Sài Gòn Satra (nắm 40%).

Việt Nam là thị trường đem lại lợi nhuận nhiều thứ 2 cho Heineken (chỉ sau Mexico).

Heinken hiện có 5 nhà máy bia tại Việt Nam với hàng loạt thương hiệu như Heineken, Tiger, Tiger Crystal, Desperados, Biere Larue, Biere Larue Export, BGI, Bivina.

Carlsberg

Carlsberg gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 1993, đến nay có 2 nhà máy gồm Nhà máy bia Đông Nam Á tại Hà Nội (nắm 100%), công suất 65 triệu lít bia/năm và nhà máy bia Huế (nắm 100%) công suất 360 triệu lít/năm.

Carlsberg mới đây đã bán nhà máy bia Vũng Tàu cho Heineken nhằm tập trung nguồn lực cho thị trường phía Bắc, là thị trường chính của Habeco, doanh nghiệp mà Carlsberg đang nắm 17,23% và dự kiến có thể nâng lên 30% khi Nhà nước thoái vốn.

Carlsberg có các thương hiệu bia Carlsberg, Tuborg, Hua, Huda Gold, Halida.

Sapporo

Sapporo có 1 nhà máy tại tỉnh Long An được đưa vào hoạt động từ năm 2011. Công suất hiện tại của Sapporo là 100 triệu lít/năm, và dự kiến sẽ nâng lên 150 triệu lít/năm vào năm 2019. Nhà máy này hiện đang sản xuất các sản phẩm bia Sapporo Premium.

AB Inbev

AB Inbev là hãng sản xuất bia số 1 thế giới. Tháng 9 vừa qua, AB InBev đã thâu tóm thành công hãng bia số 2 thế giới là SABMiller với giá trị hơn 100 tỷ USD, qua đó giúp hãng bia này chiếm 46% lợi nhuận và 27% lượng bia tiêu thụ toàn cầu, bỏ xa đối thủ đứng ngay sau là Heineken với 11% thị phần.

Tại Việt Nam, nhà máy sản xuất của AB InBev khánh thành từ tháng 5/2015, công suất 25 triệu lít/năm, sản phẩm là bia thương hiệu Budweiser. Ngoài ra, AB InBev còn nhập khẩu và phân phối tại Việt Nam các nhãn hiệu như Corona, Stella Artoise, Beck's.

Singha - Masan Brewery

Đầu năm 2016, Singha đã chi 50 triệu USD để sở hữu 33,3% cổ phần tại Masan Brewery và 600 triệu USD để sở hữu 14,3% vốn tại Masan Consumer Holdings (đơn vị sở hữu 66,7% vốn tại masan Brewery), mục đích mở rộng tại thị trường Việt Nam.

Masan Brewery đang sản xuất thương hiệu bia Sư tử trắng. Công ty hiện có 2 nhà máy sản xuất, một tại Phú Yên công suất 50 triệu lít/năm và một tại Hậu Giang công suất 100 triệu lít/năm, có thể nâng lên 150 triệu lít/năm nếu tiếp tục mở rộng.

Thai Beverage

Thai Beverage thuộc sở hữu của tỷ phú Thái Lan Charoen, sản xuất bia thương hiệu "Chang". Trước đó, vào năm 1991, tỷ phú Charoen đã hợp tác với Carlsberg để khai thác thị trường bia Thái Lan đang bị thống trị bởi bia Singha. Sau đó 3 năm, dựa trên những gì đã học được từ Carlsberg, Charoen tự sản xuất bia thương hiệu "Chang", chỉ trong vòng 5 năm đã chiếm lĩnh 60% thị phần tại Thái Lan, đồng thời buộc Carlsberg rút lui khỏi liên doanh.

Bên cạnh đó, Asahi và Kirin là 2 doanh nghiệp bia hàng đầu của Nhật Bản, Asahi Group Holding Ltd năm 35,5% thị phần bia Nhật bản, theo sau là Kirin Holding Co. Ltd với 30,3%.

Trong tương lai, thị trường bia càng cạnh tranh khốc liệt hơn khi các hiệp định thương mại chính thức có hiệu lực. Với hiệp định EV FTA, Việt Nam đã cam kết xoá bỏ thuế tối đa trong vòng 10 năm với bia nhập khẩu từ EU. Khi hiệp định TPP có hiệu lực, Việt Nam cũng sẽ xoá bỏ thuế quan vào năm thứ 10-11 với mặt hàng bia.

Minh Quân

Cùng chuyên mục
XEM