Những nụ cười ở ga Sài Gòn ngày giáp Tết: Trở về sau hơn 19 năm bôn ba nơi xứ người
Nhiều lúc muốn được trở về bên bố mẹ đón một cái Tết ấm áp như ngày còn bé, nhưng cuộc đời đôi khi chẳng cho ai quyền được làm theo ý mình. Và rồi những đứa con tha phương lại thêm một lần nữa lặng lẽ đón Tết trên đất khách quê người.
"Xuân xuân ơi xuân đến rồi, có nỗi vui nào vui hơn ngày xuân đến..." - tiếng nhạc chờ phát ra từ chiếc điện thoại, đầu dây bên kia là tiếng của người phụ nữ đã lớn tuổi:
- Năm nay có về đón Tết không con?
Giọng thoáng buồn, người con trai nói:
- Dạ, con tăng ca không về kịp. Con có gửi ít tiền nhờ anh Hưng cầm về hộ, bố mẹ lấy mà mua sắm Tết nhất nhé!
Người mẹ thở dài: "Đừng làm việc quá sức con nhé! Xa nhà nhớ phải tự chăm sóc cho mình".
"Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về
Nay én bay đầy trước ngõ mà tin con vẫn xa ngàn xa"
Những giấc mơ mùa xuân cứ thế dở dang với những người con xa xứ.
3 năm, kể từ ngày rời Nghệ An vào Đồng Nai làm việc, Đạt (29 tuổi) chẳng còn được cảm nhận cái se lạnh của những ngày cận Tết, cái ấm áp của lò bánh chưng hay nụ cười của tụi con nít trong làng. Công việc tất bật từ sáng đến chiều, nhiều hôm cố gắng làm tăng ca để kiếm thêm chút thu nhập gửi về quê khiến anh chàng cũng quên rằng xuân đang đến.
"Ngày còn bé mỗi lần Tết đến là vui lắm. Được mẹ dẫn đi chợ mua đồ mới, được nghỉ học để đi chơi từ nhà này sang nhà khác, được ông bà lì xì. Hồi đấy hồn nhiên, giờ đi làm rồi mới thấy Tết đến là bao nhiêu áp lực" - Đạt tâm sự.
Anh Đạt cho biết mỗi lần về Tết là phải lo lắng rất nhiều thứ.
Về quê đón Tết - cái cụm từ nghe thân thương vậy đó, nhưng là bao nhiêu lo lắng bộn bề. Nếu về quê thì phải sắp xếp đi mua vé tàu xe sớm kẻo hết vé, lo sắm sửa ít quà cáp, bánh trái về biếu ông bà, một ít tiền lì xì, rồi cả quần áo mới, bao nhiều thứ phải chi tiền. Đạt bảo: "Lương công nhân cũng chỉ đủ để trang trải cuộc sống, đôi khi dư ra chút ít. Tết nhất cái gì cũng đắt đỏ, thế nên phải đắn đo".
"Ai mà chẳng muốn ngày xuân được về bên bố mẹ, nhất là khi mình phải tha phương làm ăn nơi xứ người. Nhưng nếu phải lựa chọn thì mình phải chọn cái nào tốt nhất cho gia đình. Thay vì về quê ăn Tết, thì mình để dành số tiền đó gửi về cho ông bà có cái Tết đủ đầy hơn" - chị Châu (38 tuổi, Nghệ An) chọn cách hy sinh niềm vui nhỏ của bản thân để phụ giúp bố mẹ.
Ai mà chẳng muốn ngày xuân được về bên bố mẹ, nhất là khi mình phải tha phương làm ăn nơi xứ người.
Cũng như bao lứa thanh niên sinh ra ở làng quê nghèo miền Trung, chị Châu sớm phải ra đồng ruộng để phụ bố mẹ. Thế nhưng thời tiết khắc nghiệp, quanh năm mưa lũ, những cơn bão liên tiếp ập đến cuốn hết nhà cửa mùa màng, khiến cái nghèo cứ thế quẩn quanh không lối thoát. Để rồi những người trẻ như chị ngậm ngùi rời xa luỹ tre làng, tìm đường vào thành phố mưu sinh với mong muốn có thể giúp gia đình vơi đi khó nhọc.
Họ chọn con đường rời xa quê hương để mưu sinh.
19 năm không được nếm vị Tết quê hương
"Năm đầu tiên vào Nam làm việc, chị làm việc quần quật từ sáng đến tối để có tiền gửi về quê cho ông bà. Thế mà cuối năm cũng không đủ tiền để về quê. Thế là chị đành ở lại. 29 tết là công ty nghỉ, mọi người trong dãy trọ cũng về quê hết, nhìn lại còn mỗi mình ở lại thấy tủi thân lắm, tối đó gọi về nhà rồi nằm khóc" - giọng chị Hoàn nghẹn lại, đôi mắt đỏ cay.
Cuộc sống là vậy, đôi khi chẳng cho ai cái quyền được chọn lựa. Thời gian trôi nhanh, mới đó mà chị Hoàn đã 19 năm không đón Tết cùng gia đình. 19 năm một mình bôn ba nơi đất khách, không lập gia đình, không người thân bên cạnh. "Riết rồi mình cũng quen, miễn sao làm được ít tiền để gửi về cho bố mẹ" - chị cười quên đi những tủi buồn.
Chị Hoàn 19 năm chưa về đón Tết cùng gia đình.
Tết nơi xứ người có bao giờ ấm áp, không riêng gì những công nhân xa quê như chị Châu, chị Hoàn, hay Đạt mà còn có hàng triệu người con vẫn thổn thức mỗi khi xuân về. Dẫu vậy, cứ sau mỗi lần trải qua cảm giác đón Tết xa nhà, con người ta lại thêm trưởng thành để thấu hiểu tình cảm gia đình thiêng thiêng biết nhường nào.
Chuyến tàu mùa xuân đong đầy những yêu thương và nỗi nhớ
"Năm nay chị về quê em ạ. Bên công đoàn người ta hỗ trợ vé tàu về quê. Cả tuần này chị mừng mà không ngủ được luôn. Như đêm hôm qua cứ trằn trọc vì 19 năm rồi mới lại về đón tết cùng bố mẹ" - Chị Hoàn cười tươi khoe tấm vé tàu trên tay.
Con trai chị Châu cười tươi khi lần đầu tiên được về quê ngoại.
Năm nay Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức chương trình "Tết nghĩa tình – Xuân kết nối 2019" hỗ trợ 1.200 tấm vé cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại các khu công nghiệp Bình Dương, Đồng Nai về quê đón Tết. Chương trình đặc biệt ưu tiên cho những công nhân đã nhiều năm chưa được về quê.
Chương trình hỗ trợ 1200 vé tàu miễn phí cho anh chị công nhân.
Chị Hoàn may mắn nằm trong danh sách được hỗ trợ nên rất hạnh phúc. Chiều 24 Tết chị đã tất bật chuẩn bị đồ đạc để lên ga chuẩn bị làm thủ tục về quê. Chị tâm sự: "Chỉ mua một ít bánh kẹo về làm quà thôi, nhưng bố mẹ ở nhà vui lắm em ạ!". Tôi cũng tin vậy, bởi với bậc sinh thành có món quà nào trọn vẹn hơn niềm vui được sum vầy bên con cháu.
Đem theo một ít mùa xuân của miền Nam về quê.
Mọi người tay xách nách mang, người đem ít bánh, người cầm nhành mai, ai nấy cũng rạng rỡ đợi đến lúc được lên tàu. Những buồn tủi, nhớ nhung được gón ghém cẩn thận cất sang một bên nhường chỗ cho niềm mong chờ ngày được đoàn tụ.
Mọi người hân hoan trước giờ tàu chạy.
Sau những năm tháng bôn ba nơi xứ người, cuối cùng những anh chị công nhân cũng có dịp trở về nhà đón một cái Tết ấm áp bên người thân. Cuối hành lang, anh chàng nọ nhấc điện thoại lên gọi về nhà:
- Alo mẹ ạ! Hai vợ chồng con với cháu ra bến tàu rồi, giờ đang làm thủ tục để lên tàu đây.
Giọng hân hoan, người mẹ nói:
- Ừ thế hả, này đi cẩn thận nhé, bố mẹ chờ!
Tiếng tàu đêm hú vang, xé tan màn đêm trong sân ga, chuyến tàu mùa xuân chất đầy yêu thương chuyển bánh đưa hơn 1000 con người trở về đất mẹ. Ừ Tết đi đâu cũng không bằng về nhà!