Những nhà khoa học kiệt xuất đoạt giải VinFuture mùa 1 giờ ra sao?

20/12/2022 16:41 PM | Xã hội

Trở về nước sau khi nhận giải thưởng VinFuture mùa 1 trị giá hơn 4,5 triệu USD, chủ nhân các hạng mục giải thưởng hiện ra sao?

Tiếp tục cống hiến cho nhân loại

Sau khi giành giải thưởng chính 3 triệu USD từ VinFuture 2021, GS Drew Weissma - một trong người nghiên cứu ra công nghệ vaccine mRNA giúp đẩy lùi COVID-19 dành toàn bộ số tiền thưởng cho khoa học.

Số tiền này được sử dụng để phát triển gene chữa bệnh thiếu máu hồng cầu lưỡi liềm cũng như các loại vaccine khác. Mục đích của ông muốn hướng tới sẽ giúp ích lớn cho khoa học cũng như cuộc sống của mọi người.

GS Drew Weissma tiếp tục đảm nhận vị trí Giám đốc nghiên cứu vaccine, bộ phận bệnh truyền nhiễm tại trường Y Perelman, Đại học Pennsylvania. Ông và đồng nghiệp đang thực hiện khoảng 7 thí nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 cho các loại vaccine khác nhau liên quan tới cúm mùa, HIV, sốt rét, viêm gan C hay vaccine dị ứng đậu phộng, mạt bụi hay bệnh tự miễn…

"Chúng tôi rất hào hứng đợi tới thời điểm được cấp phép để sử dụng các loại vaccine này", GS Drew Weissma nói.

Những nhà khoa học kiệt xuất đoạt giải VinFuture mùa 1 giờ ra sao? - Ảnh 1.

GS Drew Weissma.

Ngoài những thành công trong lĩnh vực vaccine, 6 tháng trước, ông công bố việc tạo ra tế bào CAR-T, giúp điều trị nhiều loại bệnh liên quan tới xơ hóa, bệnh tự miễn, HIV và nhiều bệnh khác.

Ông tiếp tục nghiên cứu xác định các tế bào gốc trong tủy xương, từ đó cung cấp enzim điều chỉnh gene tới vị trí này để khắc phục khiếm khuyết di truyền. Đây có thể là phương pháp để chữa bệnh thiếu máu hồng cầu lưỡi liềm.

GS Drew Weissma hy vọng có dịp được tới Việt Nam lần nữa để cảm ơn người sáng lập quỹ VinFuture.

Thế giới vinh danh

Cũng giành giải thưởng chính 3 triệu USD từ VinFuture 2021, tiến sĩ Katalin Kariko tiếp tục nhận nhiều giải thưởng lớn khác trong một năm qua như: Giải thưởng Japan Prize tại Nhật Bản, giải thưởng Tang ở Đài Loan, giải thưởng Lasker, giải thưởng Gairdner của Canada… Sắp tới bà tiếp tục nhận một giải thưởng khác ở Thụy Sĩ.

"Tôi di chuyển liên tục giữa châu Á, châu Âu và Mỹ, có cơ hội gặp gỡ nhiều người rất thú vị. Tôi gặp các nhà sinh học, nhà toán học và các nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực khác nữa, điều mà trước đây tôi không thường làm", bà Katalin Kariko nói và cảm ơn VinFuture đã trao cho bà giải thưởng khoa học có giá trị lớn nhất hành tinh, giúp tên tuổi của bà từ đó thêm nổi tiếng.

Những nhà khoa học kiệt xuất đoạt giải VinFuture mùa 1 giờ ra sao? - Ảnh 2.

Tiến sĩ Katalin Kariko.

Với bà, VinFuture ra đời từ lòng hảo tâm, giá trị tiền bạc và sự đầu tư chất xám không hề nhỏ. Điều đặc biệt, giải thưởng hào phóng và ý nghĩa này không xuất phát từ một quốc gia siêu cường mà quốc gia đang trên đà phát triển như Việt Nam. "Trước đây, tôi chưa từng nghĩ có thể có giải thưởng lớn như thế từ Việt Nam. Điều này thể hiện tầm nhìn của nhà sáng lập về khả năng thay đổi thế giới của các phát minh khoa học, công nghệ", vị chuyên gia nói.

Theo bà Kariko đánh giá, dù mới bước sang mùa thứ 2 nhưng VinFuture giúp nâng cao hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên bản đồ khoa học quốc tế thông qua nỗ lực tìm kiếm và vinh danh các phát minh đến từ những nhà khoa học hàng đầu thế giới.

Rất nhiều nhà khoa học tài giỏi và uy tín cũng tìm đến VinFuture để hiểu hơn về nền khoa học Việt Nam. Đó là sự khởi đầu tuyệt vời cho một giải thưởng toàn cầu mới mẻ. Bà tin giải thưởng sẽ ngày càng lớn mạnh, khiến cộng đồng khoa học phải chú ý nhiều hơn đến Việt Nam.

Trở lại Việt Nam làm giám khảo

Tại Giải thưởng VinFuture mùa đầu tiên, GS Quarraisha Abdool Karim và chồng là GS Salim Abdool Karim được trao giải Đặc biệt dành cho "Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển", với công trình phát triển một loại gel có chứa dược chất tenofovir giúp kháng virus HIV và ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm.

Lần này, bà Karim trở lại Việt Nam trên cương vị nữ giám khảo trong Hội đồng Sơ khảo của giải thưởng VinFuture 2022.

Trả lời VTC News bên lề sự kiện tổ chức gần đây, GS Quarraisha Abdool Karim nhớ lại, 2021 là năm đầu tiên bà tới Việt Nam nhận giải thưởng VinFuture. Khi về nước, nhiều người bạn tò mò về Việt Nam thế nào, tại sao họ lại có giải thưởng khoa học công nghệ lớn đến vậy.

Những nhà khoa học kiệt xuất đoạt giải VinFuture mùa 1 giờ ra sao? - Ảnh 3.

GS Quarraisha Abdool Karim (phải) và GS Salim Abdool Karim (trái).

Bà và các nhà khoa học Việt Nam nhiều lần hợp tác như dự án đưa sinh viên y khoa của Việt Nam đến Nam Phi học tập, trải nghiệm hay những bài giảng, những dự án nghiên cứu chung về vấn đề y tế giữa Việt Nam và Nam Phi.

Thẳng thắn nói tiền thưởng là một trong những lý do các nhà khoa học ta lựa chọn tham gia VinFuture nhưng theo bà, giá trị của VinFuture còn lớn hơn cả giải Nobel.

"Trên hết, tôi lựa chọn VinFuture bởi đây không chỉ là nơi tôn vinh những khoa học đổi mới mà còn tạo ra những tác động để thay đổi cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới. Khác biệt với giải thưởng khác, VinFuture có tới 4 giải thưởng, trong đó giải đặc biệt dành cho các nhà khoa học nữ. Do đó, đây là sân chơi công bằng cho nhiều sáng kiến, nghiên cứu khoa học ở nhiều lĩnh vực khác nhau", bà Karim nói. Ở Thụy Sĩ sẽ có giải Nobel, ở Nhật Bản có giải Kyoto từ Quỹ Inamori… còn ở Việt Nam sẽ là VinFuture - "các bạn có quyền tự hào khi đi ra thế giới". Giải thưởng này sẽ đưa Việt Nam lên trên bản đồ thế giới về tầm vóc khoa học.

Trước khi đảm nhận vai trò thành viên Hội đồng Sơ khảo mùa 2, bà Karim từng "cầm cân, nảy mực" cho nhiều giải thưởng lớn khác. Theo bà, khác biệt lớn nhất giữa Hội đồng giải thưởng VinFuture và các nơi khác là sự khám phá và giải thưởng hướng đến việc tạo ra dấu ấn lớn, ảnh hưởng tới toàn nhân loại. Đây cũng là điều mà khiến bà ấn tượng nhất với giải thưởng VinFuture.

Tạo nên đột phá mới

Mười một tháng sau ngày đứng trên bục vinh danh của Giải thưởng VinFuture mùa đầu tiên, GS Omar Yaghi -  cha đẻ của “siêu vật liệu” khung hữu cơ-kim loại (MOFs) tiếp tục với công trình nghiên cứu và đạt được nhiều bước tiến lớn hơn.

GS Omar cùng cộng sự đã chế tạo “giếng khí” có thể thu thập nước từ Thung lũng chết - một trong những sa mạc khô cằn nhất thế giới (tại Mỹ). Đây là hệ thống có thể chiết xuất nước sạch từ không khí trong điều kiện nhiệt độ khoảng 49 độ C và độ ẩm chỉ 10%.

Hệ thống này có thể vận hành mà không sử dụng bất kỳ nguồn năng lượng nào ngoài ánh nắng mặt trời. Ông đang hoàn tất dự án và sẽ giới thiệu trong một ấn phẩm khoa học.

Những nhà khoa học kiệt xuất đoạt giải VinFuture mùa 1 giờ ra sao? - Ảnh 4.

GS Omar Yaghi.

Ông cho biết, dự án này có tính ứng dụng rất cao. Ví dụ, một gia đình 4 người chỉ cần sử dụng khoảng 100g vật liệu MOFs trong 5 - 6 năm. Chi phí của vật liệu MOFs rẻ, hoàn toàn phù hợp với người dân nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là tại các nước đang phát triển. Nếu thiết bị được thương mại hóa rộng rãi thì tất cả mọi người trên thế giới đều có thể tiếp cận được nguồn nước sạch.

Việc được nhận Giải Đặc biệt dành cho “Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới” của VinFuture là nguồn động lực lớn với ông. Ông và các đồng nghiệp xem đây là công nhận lớn lao trong lĩnh vực mới về vật liệu và hóa học dạng lưới, từ đó giúp ứng phó với các thách thức biến đổi khí hậu, mang lại lợi ích quan trọng cho xã hội.

Hội đồng Giải thưởng VinFuture mùa thứ 2 đã hoàn tất thẩm định và thống nhất tôn vinh 4 công trình khoa học kiệt xuất, mang lại tác động tích cực đến cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới. Chủ nhân các giải thưởng sẽ được công bố tại lễ trao giải lúc 8h tối ngày 20/12 tại Hà Nội.

Đặc biệt, sự hiện diện của những bộ óc kiệt xuất trong giới khoa học công nghệ trên toàn cầu tại lễ trao giải và tuần lễ VinFuture góp phần định vị Việt Nam là điểm đến mới tiềm năng của khoa học công nghệ thế giới. Đây cũng là cơ hội kết nối đa chiều giữa những nhà khoa học và giới doanh nhân, thúc đẩy quá trình thương mại hóa, đưa các ý tưởng nghiên cứu ứng dụng nhanh chóng vào cuộc sống.

Theo Hà Cường/VTC

Cùng chuyên mục
XEM