Những người trực tiếp bầu Tổng thống Mỹ thực sự là ai?

20/10/2020 08:30 AM | Xã hội

Thua số phiếu phổ thông nhưng vẫn đắc cử tổng thống là điều hoàn toàn có thể xảy ra ở Mỹ, bởi người trực tiếp bầu tổng thống là các đại cử tri.

“Ấn tượng” là cách mà Donald Trump mô tả về chiến thắng bất ngờ của ông trước đối thủ Hillary Clinton trong đêm 8/11/2016.

Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm đó, cựu Ngoại trưởng Clinton nhận được nhiều hơn so với đối thủ đảng Cộng hòa gần 3 triệu phiếu. Tuy nhiên, với việc giành chiến thắng sít sao ở những bang chiến địa quan trọng, ông Trump nhận được nhiều hơn 270 phiếu đại cử tri cần thiết để đắc cử tổng thống.

 Những người trực tiếp bầu Tổng thống Mỹ thực sự là ai?  - Ảnh 1.

Thua số phiếu phổ thông nhưng vẫn đắc cử tổng thống là điều hoàn toàn có thể xảy ra ở Mỹ, bởi người trực tiếp bầu tổng thống là các đại cử tri. Ảnh: KT

Trong bối cảnh chỉ còn 2 tuần nữa là đến ngày bầu cử của năm nay, các quy tắc của hệ thống bí ẩn – và theo đánh giá của một số người là có phần lỗi thời – này đang trở lại tâm điểm của dư luận.

Tại sao là đại cử tri đoàn?

Cứ mỗi 4 năm, 538 thành viên Đại cử tri đoàn sẽ họp tại các bang của mình sau cuộc bầu cử tổng thống để định rõ người chiến thắng.

Một ứng viên tổng thống cần phải giành được đa số tuyệt đối (quá bán) trong cuộc bỏ phiếu của đại cử tri đoàn – tức là 270 trong số 538 phiếu - để giành chiến thắng.

Hệ thống này bắt nguồn từ Hiến pháp Mỹ từ năm 1787, trong đó thiết lập các quy tắc về các cuộc bầu cử tổng thống gián tiếp và chỉ 1 vòng.

Các nhà lập quốc coi hệ thống này là một sự thỏa hiệp giữa bầu cử tổng thống trực tiếp bằng phương thức phổ thông đầu phiếu với một cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống của các thành viên trong Quốc hội – một hình thức bị xem là thiếu dân chủ.

Các tranh cãi đã nhen nhóm trở lại với chiến thắng của ông Trump năm 2016. Nếu cuộc đua năm 2020 lại tái diễn kịch bản như 4 năm trước, thì Đại cử tri đoàn chắc chắn sẽ một lần nữa trở thành tâm điểm của dư luận.

538 đại cử tri là những ai?

Hầu hết họ là những quan chức đắc cử ở địa phương hoặc lãnh đạo đảng, nhưng tên tuổi của họ không xuất hiện trên các lá phiếu, và nhân dạng của họ cũng gần như không được các cử tri biết đến.

Mỗi bang đều có số đại cử tri bằng với số đại diện trong Hạ viện và Thương viện. Ví dụ, các bang đông dân như  California có 55 đại cử tri, Texas có 38 và các bang ít dân như Alaska, Delaware, Vermont và Wyoming thì chỉ có 3 đại cử tri.

Hiến pháp để cho các bang quyền quyết định các đại cử tri của họ sẽ bỏ phiếu như thế nào. Về mặt lý thuyết tại hầu hết các bang, ngoại trừ Nebraska và Maine, ứng viên nào giành được đa số phiếu phổ thông cũng sẽ giành được tất cả các phiếu đại cử tri của bang đó.

Tổ chức gây tranh cãi

Theo biểu đồ kết quả bầu cử năm 2016, ông Trump giành được 306 phiếu đại cử tri. Khi đó hàng triệu người Mỹ đã ký vào đơn kiến nghị kêu gọi các đại cử tri Cộng hòa ngăn chặn ông Trump. Nỗ lực này gần như là vô vọng, chỉ có 2 đại cử tri ở Texas “đào ngũ” và cuối cùng ông Trump có 304 phiếu đại cử tri.

Đảng Cộng hòa cho rằng động thái này một nỗ lực tuyệt vọng của các nhà hoạt động không muốn chấp nhận thất bại của bà Clinton.

Việc thua số phiếu phổ thông nhưng lại giành chiến thắng cuối cùng và trở thành tổng thống như năm 2016 không phải là điều chưa từng có tiền lệ. Có 5 tổng thống của Mỹ từng đắc cử trong những tình huống như vậy.

John Quincy Adams là người đầu tiên đắc cử dù thua số phiếu phổ thông trước Andrew Jackson trong cuộc bầu cử năm 1824. Gần đây hơn là cuộc bầu cử năm 2000, với tình huống phức tạp ở Florida giữa ứng viên đảng Cộng hòa George W. Bush và ứng viên đảng Dân chủ Al Gore.

Gore nhiều hơn Bush 500.000 phiếu phổ thông trên toàn quốc, nhưng mấu chốt nằm ở Florida. Chiến thắng với cách biệt rất hẹp ở bang này đã giúp ông Bush giành được 271 phiếu đại cử tri và đắc cử tổng thống.

Bỏ phiếu thực sự hay chỉ là nghi thức đơn giản?

Hiến pháp không quy định nghĩa vụ của các đại cử tri phải bỏ phiếu theo cách như thế nào. Nếu như một số bang yêu cầu đại cử tri tôn trọng các lá phiếu phổ thông, nhưng họ không muốn, thì đó được gọi là các “đại cử tri không trung thành” và họ chỉ đơn giản là chịu 1 khoản tiền phạt nếu không bầu cho người thắng số phiếu phổ thống.

Tuy nhiên, tháng 7/2020, Tòa án Tối cao Mỹ ra phán quyết rằng các bang có thể áp dụng hình phạt đối với những cử tri không trung thành bằng cách thiết lập các bộ luật quy trách nhiệm cho đại cử tri phải bỏ phiếu cho ứng viên giành nhiều phiếu phổ thông hơn.

Từ năm 1796 đến 2016, có khoảng 180 đại cử tri không bỏ phiếu cho ứng viên tổng thống và phó tổng thống giành được đa số phiếu phổ thông ở bang của họ. Tuy nhiên, các đại cử tri không trung thành này lại chưa bao giờ là yếu tố quyết định kết quả bầu cử tổng thống Mỹ.

Lịch bỏ phiếu của đại cử tri đoàn

Năm nay, các đại cử tri sẽ tập trung tại bang của mình vào ngày 14/12 và bỏ phiếu bầu tổng thống cũng như phó tổng thống.

Vì sao lại là ngày này? Luật Mỹ quy định các đại cử tri sẽ họp và bỏ phiếu vào ngày Thứ Hai sau ngày Thứ Tư thứ 2 trong tháng 12 của năm bầu cử.

Ngày 16/1/2021, Quốc hội sẽ chính thức xác nhận người chiến thắng và tổng thống đắc cử sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1/2021./.

Hoàng Phạm

Cùng chuyên mục
XEM