Những người trong Tịnh thất Bồng Lai bị tấn công đủ mọi cách: Trẻ con không có tội, những hành động quá khích sẽ ám ảnh các em suốt cuộc đời

08/01/2022 15:00 PM | Xã hội

Những người trong Tịnh thất Bồng lai bị cả thế giới quay lưng và tấn công đủ mọi cách: Trẻ con không có tội?

Xem toàn bộ diễn biến  TẠI ĐÂY .

Những ngày vừa qua, hàng loạt thông tin liên quan đến vụ Tịnh thất Bồng Lai bị khởi tố đã khiến cộng đồng một lần nữa không khỏi xôn xao, rất nhiều người đã bàn tán, tranh cãi về những tình tiết xoay quanh Tịnh thất này.

Với 3 tội danh bị Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Long An điều tra: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân và loạn luân, nhiều người đã nhanh chóng chia sẻ về mối quan hệ giữa ông Lê Tùng Vân và những người sống tại đây, trong đó có nhiều phụ nữ, trẻ em.

Chưa hết, một loạt hình ảnh, clip của các bé và những người sống tại đây (không bị cơ quan chức năng khởi tố) được chia sẻ một cách công khai, từ đó, cộng đồng mạng bày tỏ sự phẫn nộ, tức giận của mình lên những người ở Tịnh thất.

 Những người trong Tịnh thất Bồng Lai bị tấn công đủ mọi cách: Trẻ con không có tội, những hành động quá khích sẽ ám ảnh các em suốt cuộc đời - Ảnh 1.

Chia sẻ với chúng tôi, Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân - Giảng viên Tâm lý học, người sáng lập Trung tâm Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục An Nhiên bày tỏ sự quan ngại sâu sắc khi rất nhiều người đã có những hành động không đúng khi chia sẻ những thông tin về trẻ em và những người trong Tịnh thất tràn lan trên mạng xã hội.

"Công bằng mà nói, chuyện ai làm, người đó chịu và những đứa trẻ em trong câu chuyện này không phải và càng không nên là đối tượng phải gánh chịu sự chỉ trích hoặc tấn công dù nặng hay nhẹ từ người khác. Nếu nhận thức đầy đủ và có khả năng xoay chuyển tình thế, có lẽ những đứa trẻ đã không chọn là người cùng nhà với người xấu như vậy.

Nếu một người hoàn toàn tỉnh táo và nhận thức đầy đủ, rõ ràng vấn đề, người ta sẽ thừa hiểu trẻ con trong gia đình này không có tội hay chí ít đến hiện tại chúng không là người gây ra nhiều điều xấu xa khó chấp nhận như chúng ta đang nhắc đến. 

Với trái tim lương thiện, nhạy cảm và tử tế sẽ không ai chọn cách thức tấn công kẻ xấu mà để lại hậu quả nặng nề hoặc gây tổn hại đến đối tượng yếu thế - là những đứa trẻ cùng nhà này. Trừng trị kẻ xấu có nhiều cách, việc công bố danh tính hay hình ảnh trẻ em vô tội không những vi phạm nhân quyền, quyền và Luật trẻ em, quyền bất khả xâm phạm mà còn gây ảnh hưởng lâu dài đến tâm lý, nhân cách, tương lai của trẻ nhỏ. Trừng trị kẻ phạm tội, thiếu đạo đức bằng cách thức tương tự như vi phạm pháp luật và gây tổn thương tâm lý có lẽ không phải cách phản ứng khôn ngoan", Thạc sĩ Lê Minh Huân nói.

 Những người trong Tịnh thất Bồng Lai bị tấn công đủ mọi cách: Trẻ con không có tội, những hành động quá khích sẽ ám ảnh các em suốt cuộc đời - Ảnh 2.

Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân - Giảng viên Tâm lý học, người sáng lập Trung tâm Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục An Nhiên

Với việc Cơ quan chức năng đã khởi tố, tạm giữ điều tra 3 người trong Tịnh thất Bồng Lai, riêng ông Lê Tùng Vân được tại ngoại, Thạc sĩ Lê Minh Huân cho rằng cuộc sống của những người hiện tại trong Tịnh thất sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn.

"Thực sự, khó đoán định được cảm xúc hay diễn biến tâm lý của những người trong cuộc nhưng chắc chắn một điều rằng, không ai cảm thấy an ổn, nhẹ nhõm và tỉnh táo nổi khi bị vạ lây như vậy. Bởi theo những gì chúng ta thấy, giống như họ bị"cả thế giới" quay lưng và tấn công theo đủ mọi cách: chửi bới, "ném đá", phê bình, chỉ trích trên mạng xã hội cho tới việc tìm đến tận nhà thể hiện sự tức giận, đôi khi kèm theo những hành động quá khích, thiếu kiềm chế... 

Dù là phần lớn nhắm vào tội phạm nhưng chắc chắn ám ảnh này sẽ đi theo những người khác trong gia đình suốt cuộc đời. Bên cạnh 'cảm xúc gia đình', ý thức máu thịt, thân thiết... sẽ khiến người ta vừa lo, vừa sợ, vừa xấu hổ. Bao nhiêu người ngoài cuộc đã đặt câu hỏi: 'Người nhà đó sẽ sống sao?'. Chắc chắn là bây giờ và sau này sẽ không dễ dàng, càng khó khăn hơn nữa nếu họ tiếp tục bị đem ra tấn công theo cách mà chúng ta đang thấy", Thạc sĩ Tâm lý Lê Minh Huân chia sẻ.

Trước những đả kích lớn về mặt tâm lý, những đứa trẻ vô tội tại Tịnh thất Bồng Lai cần được quan tâm và bảo vệ theo đúng tinh thần Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Luật trẻ em Việt Nam.

Theo Thạc sĩ Lê Minh Huân, cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội - trẻ em là nơi rất quan trọng trong việc đưa ra cách thức để đảm bảo các con, các em được an toàn cả về thể chất, lẫn tinh thần. 

"Riêng truyền thông, cộng đồng mạng, cần nhắc nhở nhau tỉnh táo, chuyện nào ra chuyện đó, ai có tội thì nhắm đến người đó, hạn chế và khuyên bảo người xung quanh suy nghĩ kĩ càng trước sau trong phát ngôn và hành động, tiến tới hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân, hình ảnh của những em nhỏ. 

Đặt niềm tin vào chính quyền/công an sở tại, họ mới là người chính thức điều tra, kết tội và thi hành luật. Dù biết dư luận xã hội cũng góp phần không nhỏ trong chuyện đưa vụ việc ra ánh sáng, nhưng đó là đối với những dư luận đúng luật, đúng lý, đúng tội và đúng người. Không ai đánh giá cao ngôn ngữ tấn công, thô tục, thiếu tôn trọng nhân quyền, luật pháp và đề cao cái tôi quá nhân hay hành động nông nổi, quá khích. Một người ý thức dùng lời lẽ phù hợp để nói về kẻ phạm tội, không tấn công hay gây tổn hại trẻ đã góp phần bảo vệ những đứa trẻ vô tội và cùng đưa sự việc không thể chấp nhận đến hồi giải quyết ổn thỏa hơn", Thạc sĩ Lê Minh Huân bày tỏ.

Cũng theo người sáng lập Trung tâm Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục An Nhiên, gia đình - nhà trường - xã hội là 3 môi trường giáo dục cơ bản tác động đến đời sống, nhân cách của mỗi người. 

Trong đó, gia đình là chiếc nôi hình thành, bồi dưỡng và góp phần phát triển nhân cách của trẻ. Như vậy, dù hạt giống có tốt nhưng không được đón nắng ấm, không được tưới tắm, đất đai khô cằn, chịu nhiều tác động xấu từ thời tiết mà không được bảo vệ và bị tấn công những sinh vật xung quanh, liệu có thể phát triển êm ả, dễ dàng sản sinh ra hoa thơm, trái ngọt hay không? 

"Con người cũng vậy, dẫu có những ngoại lệ 'vượt lên nghịch cảnh' nhưng thực tế cho thấy, đứa trẻ sống trong môi trường thiếu lành mạnh thường có khuynh hướng phát triển theo cách tương tự, hoặc lệch lạc, hoặc rất khó khăn để thích nghi, nảy nở thành nhân cách tốt đẹp.

Do đó, quý phụ huynh trước hết hãy làm gương, sau đó quan tâm giáo dục và bồi dưỡng cho trẻ càng sớm càng tốt các giá trị đạo đức, lối sống tích cực, hành xử văn minh và không ngừng học tập, rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện nhân cách, trở thành những công dân tốt, giúp ích cho đời ngay khi còn nhỏ, ở chiếc nôi gia đình", Thạc sĩ Lê Minh Huân chia sẻ.

Theo VĂN TIÊN

Cùng chuyên mục
XEM