Những người nghiện Sushi cá ngừ cần lưu ý thông tin bất lợi cho sức khỏe này

01/07/2017 15:23 PM | Sống

Nhu cầu cao đối với món sushi cao cấp không chỉ đẩy cá ngừ vào tình trạng nguy cấp, mà còn gây hiểm họa lớn với sức khỏe con người.

Quy mô thị trường sushi cá ngừ tăng dần theo thời gian nhờ danh tiếng “hàm lượng calorie thấp, giàu vitamin” của nó. Hàng loạt nhân vật nổi tiếng, như nữ diễn viên Angelina Jolie và Jennifer Aniston, đều hâm mộ sushi.

Tuy nhiên, giáo sư Daniel Pauly và tiến sĩ Dirk Zeller, hai nhà nghiên cứu của Đại học British Columbia tại Canada và từng công bố một nghiên cứu uy tín về sản lượng đánh bắt cá trên phạm vi toàn cầu năm ngoái, cảnh báo só lượng cá ngừ vây xanh và cá ngừ vây vàng đang ở mức “báo động”.

2 ông nhận định số lượng cá ngừ giảm mạnh do người ta coi chúng là nguồn thực phẩm giàu axit béo Omega-3, hợp chất có lợi cho tim.

Phát biểu trước khi giảng bài tại trụ sở của Hiệp hội Động vật học London vừa qua, giáo sư Pauly nói rằng, trước đây mọi người hay nhắc tới “hiệu ứng Popeye” dành cho những người ăn rau bina.

“Sau đó chúng ta lại đồn đại rằng vitamin D rất tốt và vitamin C có thể giúp con người tiêu diệt ung thư”, Pauly nói.

Giờ đây, theo vị giáo sư, công chúng lại nghĩ Omega-3 sẽ giúp con người khỏe mạnh và sống lâu. “Tất cả những giả thuyết ấy đều sai. Cái chúng ta cần là khẩu phần cân bằng”, ông khẳng định.

Pauly tin rằng những miếng thịt cá ngừ người ta phục vụ thực khách trong những nhà hàng sushi chứa các hạt vi nhựa, những hạt siêu nhỏ tồn tại trong các loại mỹ phẩm, bao gồm phấn và chất khử mùi.

Hạt vi nhựa có khả năng liên kết với thuốc trừ sâu và các loại hóa chất công nghiệp.

“Giống như những viên thuốc độc, hạt vi nhựa hấp thụ những chất gây ô nhiễm. Cá nhỏ ăn chúng và sau đó cá ngừ ăn cá nhỏ”, Pauly nói.

Cá ngừ vây xanh là nguyên liệu để chế biến sushi đắt tiền trong những nhà hàng sang trọng ở Nhật Bản, trong khi những khoanh sushi rẻ hơn thường chứa thịt cá ngừ vây vàng.

Ngư dân đang tận diệt cá ngừ để đáp ứng nhu cầu của thế giới. Loài người đang chứng kiến khủng hoảng cá ngừ. Trước đây cá ngừ voi xanh rất phổ biến, đặc biệt ở Địa Trung Hải.

“Hậu quả là gì? Số lượng cá ngừ hiện nay chỉ tương đương 2-3% so với 200 năm trước”, vị giáo sư lập luận.

Vị giáo sư nhấn mạnh rằng cá ngừ không hoàn toàn tốt cho sức khỏe, bởi hàm lượng thủy ngân và nhóm hợp chất nhân tạo polychlorinated biphenyl (PCB) trong cơ thể chúng khá cao.

Zeller và Pauly kêu gọi người tiêu dùng ăn những loại cá rẻ hơn, như cá trống, cá sardine. Hiện tại khoảng một nửa sản lượng cá trống, cá sardine mà con người đánh bắt trở thành thức ăn cho gia súc.

Yên Nhiên

Cùng chuyên mục
XEM