Những ngày cuối năm, Hà Nội rét mướt nhưng người dân vẫn hối hả lao ra đường sắm sửa đón Tết

23/01/2017 20:02 PM | Sống

Tết đến, dù không muốn phải chen chúc, người Hà Nội vẫn buộc phải lao ra đường, vượt qua cảnh tắc đường hàng cây số, đến những cửa hàng, siêu thị, chợ truyền thống mua sắm mọi thứ cho gia đình đón một cái Tết sum vầy.

Trải qua nhiều ngày "mùa đông không lạnh", trước thềm năm mới, thời tiết Thủ đô đột nhiên chuyển rét đậm, không ít ngày trời lạnh chỉ khoảng 13-14 độ C kèm theo mưa phùn. Thế nhưng chút trở ngại đó dường như không thể ngăn cản người dân Thủ đô tất tả lao ra đường, mua sắm mọi thứ chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán.

Những ngày cuối năm, Hà Nội thường xuyên chìm trong cảnh rét buốt.

Dịp cuối năm, khắp các trục đường lớn đều thường xuyên xảy ra cảnh tắc nghẽn kinh hoàng. Di chuyển trên các tuyến phố như Trường Chinh, Láng, Cầu Giấy, Nguyễn Chí Thanh, Xã Đàn... dù không phải giờ cao điểm, đoàn người vẫn xếp hàng dài, nối đuôi nhau mãi không hết.

Những ngày này, càng vào chiều tối, đường càng tắc.

Cảnh tượng này có thể xảy ra bất cứ lúc nào, dù không phải giờ cao điểm. Ảnh: Phương Thảo.

Không khí mua sắm đang ở độ nhộn nhịp nhất trong năm. Chỉ cần ra ngõ, đặt chân xuống phố là bạn có thể bắt gặp ngay cảnh mua sắm tất bật. Người ta mua, bán đủ mọi thứ, từ quần áo, hoa, cây cảnh đến giò chả, bánh chưng... Và khi nhìn lên gương mặt họ, cả người mua lẫn kẻ bán, ai nấy đều mệt mỏi, vội vã vì có quá nhiều việc phải làm.

Tết đến gần, dường như dù không muốn phải bon chen, chờ đợi, người Hà Nội cũng không có giải pháp nào hơn. Ví dụ mua hoa, họ phải "mò lên" tận chợ hoa Quảng Bá sắm sửa vì tin rằng chỉ có ở đó mới có nhiều loại hoa tươi, đẹp và giá cả phải chăng. Đi mua giò chả, bánh chưng, họ vẫn chọn những cửa hàng quen thuộc trên phố Hàng Bông. Riêng đồ thờ cúng thì phải lên Hàng Mã. Đào, quất thì tìm đến khu vực đường Lạc Long Quân, ven đê sông Hồng...

Chen nua trước cửa hàng giò chả phố Hàng Bông.

Vừa đi đường, vừa tranh thủ mua hoa giả trưng Tết.

Dù có hôm trời mưa phùn, rét buốt, người dân vẫn hối hả với công việc mua sắm.

Cả người mua, người bán đều khá mệt mỏi vì làm việc bận rộn.

Khung cảnh nhộn nhịp mau sắm diễn ra suốt cả ngày, từ sáng...

... cho đến tối, lúc nào ở chợ cũng đông đúc.

Và nếu nhìn những hình ảnh này...

Có lẽ ai cũng sẽ cảm thấy Tết đang về rất gần...

Gần tới mức không thể gần hơn được nữa. Ảnh: Mai Lân

Nhiều người tin rằng, dịp cuối năm là lúc thử thách tài chi tiêu hợp lý và thông minh của họ. Ai cũng mong muốn sắm cho gia đình một cái Tết đầy đủ, những món đồ luôn tốt nhất, có giá hợp lý nhất, phù hợp với khả năng tài chính của họ.

"Lúc chưa có gia đình mình cũng nghĩ đón Tết thôi, đâu cần mệt mỏi bon chen sắm hết cái nọ cái kia làm gì nhưng khi có gia đình thì khác hẳn. Phải lo sắm đồ cho con, cho họ hàng nội ngoại đôi bên. Mình làm chủ chi tiêu trong nhà nên phải lo làm sao vừa không phung phí, vừa mua được những thức quà ngon, làm hài lòng mọi người", chị Hồng, nhân viên ngân hàng làm việc tại Hà Nội tâm sự.

Trong khi đó, chị Hạnh (giáo viên Tiểu học ở Hà Nội) cho biết: "Không muốn bon chen cũng khó. Cả ngày mình đi làm nên tranh thủ lúc rảnh vào buối tối đi mau đồ thì lúc đó mọi người cũng đi mua giống mình nên lại phải chờ đợi. Từ siêu thị, trung tâm thương mại cho đến chợ truyền thống, chỗ nào cũng nô nức người, nhất là những hàng quán lâu năm, có thương hiệu lại càng đông hơn".

Theo Thu Hường

Cùng chuyên mục
XEM