Những ngân hàng nào đang có lãi suất tiết kiệm tốt nhất?
Để tạo lực hấp dẫn với khách hàng gửi tiền, nhiều ngân hàng vẫn tung ra các gói ưu đãi dành riêng cho một số nhóm kỳ hạn hoặc giá trị gửi.
Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối tháng 9, tiền gửi của dân cư (không tính tổ chức, doanh nghiệp) rót vào hệ thống ngân hàng đạt gần 5,292 triệu tỷ đồng, giảm khoảng 1.500 tỷ đồng so với cuối tháng trước.
Tính từ đầu năm đến cuối tháng 9, tiền gửi của người dân vào ngân hàng cũng chỉ tăng thêm 150.000 tỷ đồng, bằng khoảng một nửa so với trung bình hai năm trước.
Xu hướng tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng chậm lại đã duy trì trong nhiều tháng gần đây, và bắt đầu chững lại từ tháng 7/2021. Tháng 8 và tháng 9 là hai tháng liên tiếp ghi nhận lượng tiền gửi giảm so với tháng liền kề, ở mức 1.000-1.500 tỷ đồng.
Lãi suất huy động của ngân hàng trong kỳ tương ứng cũng ghi nhận giai đoạn xuống thấp kỷ lục. Ở kỳ hạn dưới 3 tháng, chỉ GPBank còn đặt mức lãi 4% với tiền gửi tại quầy, các ngân hàng còn lại đều chỉ ở 2,5-3,9%, trong đó thấp nhất là MB với 2,5%.
Với kỳ hạn 6 tháng, nhóm Big4 duy trì lãi suất thấp nhất hệ thống, chỉ 4%. Kỳ hạn gửi 9 tháng ở hầu hết các ngân hàng hầu như ít chênh lệch với kỳ hạn 6 tháng, trừ TPBank do không có kỳ 12 tháng nên tăng tới 0,5 điểm phần trăm.
Tuy vậy, để tạo lực hấp dẫn với khách hàng gửi tiền, nhiều ngân hàng vẫn tung ra các gói ưu đãi dành riêng cho một số nhóm kỳ hạn hoặc giá trị gửi. Bắt đầu từ đầu tháng 11, lãi suất tiết kiệm tiền gửi tại quầy của Sacombank đã tăng thêm 0,6% đối với kỳ hạn từ 2 tháng đến dưới 6 tháng và tăng 0,4% với các kỳ hạn 18 tháng, 36 tháng.
Một số ngân hàng lại điều chỉnh lãi suất ở hình thức tiền gửi trực tuyến như ABBank cộng thêm 0,4% lãi suất gửi online so với gửi tại quầy, gửi tiết kiệm trên VPBank NEO được ưu đãi nhân đôi lãi suất tháng đầu tiên. Vietcapital Bank cũng đã tăng nhẹ khoảng 0,2-0,3% lãi suất tiền gửi online so với đầu năm.
Không ít nhà băng quy mô lớn có xu hướng muốn rút ngắn tốc độ hút tiền gửi bằng cách áp dụng lãi suất cao cho số tiền gửi lớn. Như tại Techcombank cũng công bố lãi suất đặc biệt 7,1%/năm, với điều kiện tiền gửi từ 999 tỷ đồng trở lên và cam kết không được tất toán trước hạn.
Một số ngân hàng khác như LienVietPostBank có lãi suất 6,99%/năm, HDBank với 6,95%/năm, MB 6,8%... với các điều kiện riêng áp dụng cho các khoản tiền gửi giá trị lớn trên 200-300 tỷ đồng với kỳ hạn 12-13 tháng. Với khoản tiền gửi thông thường tại các ngân hàng, lãi suất kỳ hạn 12-13 tháng thường thấp hơn 1-2,5%, phổ biến là 4,85-6,8%/năm.
So sánh số liệu tiền gửi trong báo cáo tài chính quý III/2021 được các ngân hàng trên công bố cho thấy có sự bất đồng giữa số dư nợ tiền gửi của khách hàng trong các nhà băng thuộc hệ thống.
Trong khi một số ngân hàng giữ được dư nợ tiền gửi của khách hàng đạt mức tăng trưởng lớn tới 8-10% là Vietcombank, VIB, Techcombank, TPBank hay VietCapitalBank, thì ABBank, PGBank, SeABank, KienLongBank, Sacombank hay NCB ghi nhận mức sụt giảm rất mạnh. Khảo sát cho thấy mức sụt giảm tiền gửi tiết kiệm của khách hàng tại các ngân hàng phổ biến trong khoảng 3-5% và cá biệt có ngân hàng giảm tới 7-8% so với đầu năm 2021.
Việc lãi suất tại các ngân hàng trong thời gian gần đây liên tục giảm cũng là điều dễ hiểu. Nguyên nhân là các ngân hàng đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi với dư nợ vay, cho phép đảo nợ, giãn nợ, chung tay góp sức nhằm giảm bớt những tác động tiêu cực do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới các doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc giảm lãi suất huy động cũng là một trong những cách để các ngân hàng có tiềm lực thực hiện các mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp.