Những năm tháng lưu đày của vị vua yêu nước Hàm Nghi – chuyện bây giờ mới kể
Hàm Nghi là một trong những vị vua yêu nước nổi tiếng của triều đình nhà Nguyễn, người đã khởi xướng phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp xâm lược.
Sau này, ông bị chính quyền Pháp bắt đi đày ở Alger – thủ đô xứ Algérie và qua đời tại đây năm 1943. So với vua Duy Tân, một vị vua yêu nước khác cũng bị đi đày và mất ở nước ngoài, những thông tin về vị vua yêu nước Hàm Nghi hiện nay còn rất ít.
Điều đáng thương tâm là trong khi hài cốt vua Duy Tân đã được đưa về nước và an táng tại Huế từ lâu thì hài cốt của vua Hàm Nghi vẫn nằm lạnh lẽo nơi đất khách quê người. Trong chuyến đi công tác tại Châu Âu lần này, tôi đã đến làng Thonac thuộc tỉnh Dordogne – phía Tây miền Trung nước Pháp để viếng thăm mộ ông, đồng thời thu thập thêm tư liệu về những năm tháng bị đày nơi xứ người để hiểu hơn về cuộc đời một vị vua yêu nước còn nhiều bí ẩn.
Nhà báo Hoàng Anh Sướng bên nấm mồ của vị vua yêu nước Hàm Nghi tại Pháp
Vị vua yêu nước Hàm Nghi tên húy là Nguyễn Phúc Ưng Lịch, sinh ngày 17 tháng 6 năm Tân Mùi, tức 3 tháng 8 năm 1871 (có tài liệu ghi ông sinh ngày 22 tháng 7 năm 1872) tại Huế. Ông là con thứ năm của Kiên Thái vương Nguyễn Phúc Hồng Cai và bà Phan Thị Nhàn. Ông cũng là em ruột của vua Kiến Phúc (Ưng Đăng) và vua Đồng Khánh (Chánh Mông hay Ưng Kỷ).
Vào thời vua Đồng Khánh, người dân Huế đã làm câu ca dao: "Một nhà sinh đặng ba vua . Vua còn, vua mất, vua thua chạy dài". Ba vị vua mà người dân Huế nhắc đến trong câu ca dao này chính là 3 anh em ruột. "Vua còn" là vua Đồng Khánh. "Vua mất" là vua Kiến Phúc và "vua thua chạy dài" chính là vua Hàm Nghi.
Thực ra Kiên Thái vương Nguyễn Phúc Hồng Cai, cha đẻ của vua Hàm Nghi chưa bao giờ làm vua. Ông là em ruột của vua Tự Đức. Sinh thời, vua Tự Đức không có con trai nên đã nhận cả 3 người con của em ruột làm con nuôi của mình. Lịch sử thật trớ trêu khi cả ba người này sau đều lên ngôi vua và đều có số phận buồn thảm như câu ca dao trên.
Vua Hàm Nghi (1871 – 1943) là vị Hoàng đế thứ 8 của nhà Nguyễn, vương triều phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam
Cũng cần phải nói thêm rằng, sau khi vua Tự Đức qua đời vào tháng 7 năm 1883, vua Dục Đức kế ngôi chỉ ở trên ngai vàng 3 ngày rồi bị các phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết phế truất. Lần lượt lên ngôi báu là vua Hiệp Hòa rồi Kiến Phúc.
Đặc biệt, sau khi vua Kiến Phúc đột ngột qua đời trong bối cảnh phái chủ chiến trong triều đình do Tôn Thất Thuyết đứng đầu đang thắng thế, theo lý khi ấy, Nguyễn Phúc Ưng Kỷ (tức vua Đồng Khánh sau này) là anh và cũng là con nuôi vua Tự Đức sẽ được đưa lên ngai vàng. Tuy nhiên, các quan phái chủ chiến nhận thấy nếu đưa một người đã lớn tuổi như Nguyễn Phúc Ưng Kỷ, khi ấy đã 20 tuổi lên ngôi vua sẽ dễ bị mất quyền. Và thế là, cậu bé 13 tuổi Ưng Lịch đã được chọn lên ngai vàng trong bối cảnh rối ren của thời cuộc.
Khác với 2 người anh ruột của mình, Ưng Lịch là con của vợ lẽ nên từ nhỏ ông không sống trong cung mà sống ở thôn quê dân dã trong cảnh bần hàn cùng mẹ đẻ của mình. Khi sứ giả đến đón, cậu bé Ưng Lịch đang chơi khăng với bạn bè ngoài cửa Đông Ba. Thân mẫu ngài nghe nói con được lên làm vua thì quá sợ hãi vì lo con mình cũng sẽ chết không rõ nguyên nhân như các vị vua trước. Bà đã lăn xả vào đoàn thị vệ khóc lóc thảm thiết không cho họ bắt con mình đi. Còn cậu bé Lịch thì quá hoảng sợ, không dám nhận áo mũ người ta dâng lên.
Sáng ngày 12 tháng 6 năm Giáp Thân, tức ngày 2 tháng 8 năm 1884, Ưng Lịch được dìu đi giữa hai hàng thị vệ, tiến vào điện Thái Hòa để làm lễ lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Hàm Nghi. Công việc đầu tiên mà vua Hàm Nghi phải thủ vai, dưới sự hướng dẫn của Tôn Thất Thuyết là tổ chức đón phái đoàn Pháp từ Tòa Khâm sứ ở bờ Nam sông Hương sang điện Thái Hòa làm lễ tôn vương cho nhà vua.
Lúc 9 giờ sáng ngày 17 tháng 8 năm 1884, phái đoàn Pháp gồm Đại tá Marcel Guerrier, Khâm sứ Rheinart, Thuyền trưởng Wallarrmé cùng 185 sĩ quan binh lính kéo sang Hoàng thành Huế. Guerrier buộc triều đình Huế phải để toàn bộ quân Pháp tiến vào Ngọ Môn bằng lối giữa, là lối chỉ dành cho vua đi nhưng Tôn Thất Thuyết nhất định cự tuyệt. Cuối cùng, chỉ có 3 sứ giả được vào cổng chính, còn lại các thành phần khác thì đi cổng hai bên.
Cả triều đình Huế và phái đoàn Pháp đều bằng mặt mà không bằng lòng nhưng buổi lễ thọ phong cuối cùng cũng kết thúc êm thấm. Lúc phái đoàn Pháp cáo từ, Tôn Thất thuyết đã ngầm cho quân lính đóng cửa chính ở Ngọ Môn lại nên đoàn Pháp phải theo hai lối cửa bên để về.
Hai phụ chánh đại thẩn Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường
Đánh giá về hành động này, Marcel Gaultier đã viết: "Vua Hàm Nghi đã giữ được tính chất thiêng liêng đối với thần dân mình. Vô tình vị vua trẻ tuổi đã làm một việc có ảnh hưởng vang dội khắp nước: với ý chí cương quyết độc lập và dù người Pháp có đóng quan tại Huế, triều đình An Nam vẫn biểu dương một thái độ không hèn. Thái độ ấy do Hội đồng Phụ chính đề ra. Hội đồng ấy rất có lý mà tin chắc rằng dân chúng trông vào thái độ của nhà vua để noi theo, xem thái độ ấy như mệnh lệnh chống lại người Pháp không nói ra bằng lời".
Năm 1885, Thống tướng De Courcy được Chính phủ Pháp cử sang Việt Nam để phụ lực vào việc đặt nền bảo hộ. Tướng De Courcy muốn vào yết kiến vua Hàm Nghi nhưng lại muốn toàn thể binh lính của mình gồm 500 người, đi vào cửa chính là cửa dành riêng cho đại khách. Triều đình Huế xin để quân lính đi cửa hai bên, chỉ có các bậc tướng lĩnh là đi cửa chính cho đúng nghi thức triều đình nhưng De Courcy nhất định không chịu. Thái độ hống hách, láo xược này của De Courcy khiến cho cả triều đình phẫn nộ.
Đêm ngày 5 rạng sáng ngày 6 tháng 7 năm 1885, tức 23 tháng 5 năm Ất Dậu, Tôn Thất Thuyết cho quân lính tấn công quân Pháp ở đồn Mang Cá và Tòa Khâm sứ Huế. Bằng vũ khí tối tân, quân Pháp phản công lại. Quân ta thua chạy. Sử gia Trần Trọng Kim đã ghi trong cuốn "Việt Nam sử lược": "Trận đánh nhau ở Huế, quân Pháp mất 16 người, 80 người bị thương. Sách Tây chép rằng quân ta chết đến vài nghìn người, còn bao nhiêu khí giới, lương thực và hơn một triệu tiền của đều mất cả".
Trước tình thế khẩn cấp này, Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi cùng với tam cung xa giá ra Quảng Trị. Đến Quảng Trị, Tôn Thất Thuyết chia làm hai đoàn: tam cung và những người già yếu trở lại Huế, vua Hàm Nghi và các tướng lĩnh lên căn cứ Tân Sở thuộc Cam Lộ, Quảng Trị để tổ chức cuộc kháng chiến lâu dài. Tại đây, ngày 2 tháng 6 năm Ất Dậu tức là ngày 13 tháng 7 năm 1885, vua Hàm Nghi ban "Chiếu Cần Vương", kêu gọi hào kiệt, sĩ phu và nhân dân cả nước từ Bắc chí Nam đứng lên tiêu diệt bọn thực dân xâm lược để giành lại độc lập, tự do cho đất nước.
Lời kêu gọi của nhà vua trẻ yêu nước đã lay động lòng người, làm thức tỉnh tâm can giới sĩ phu và nhân dân trong cả nước. Từ đó, một phong trào yêu nước chống xâm lược đã trào dâng như vũ bão, kéo dài đến cuối thế kỉ XIX, được gọi là phong trào Cần vương. Về diễn biến của phong trào, có thể chia thành hai giai đoạn: 1885 – 1888 và 1888 – 1896. Ở giai đoạn 1885 – 1888, phong trào bùng nổ khắp cả nước, sôi động nhất là các tỉnh Trung Kì và Bắc Kì.
Tranh vẽ vị vua yêu nước Hàm Nghi bị quân Pháp bắt tại Quảng Bình
Thấy địa bàn Tân Sở chật hẹp, dễ bị địch bao vây, Tôn Thất Thuyết tiếp tục đưa vua Hàm Nghi vượt Trường Sơn ra Bắc rồi lập căn cứ ở làng Phú Gia, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Căn cứ bao gồm miền Tây ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và lan sang cả Lào. Trên đường đi, nhà vua đã nhận được sự giúp đỡ tận tình, chu đáo của đồng bào các dân tộc ở vùng biên giới Việt – Lào.
Trong khi vua Hàm Nghi xuất bôn, ngày 19 tháng 9 năm 1985, thực dân Pháp đã đưa anh ruột vua (cùng cha, khác mẹ) là Ưng Kỷ lên ngôi, niên hiệu Đồng Khánh. Khiếp sợ trước phong trào kháng Pháp của nhân dân cả nước, thực dân Pháp đã đưa vua Đồng Khánh xa giá tận Quảng Bình để dụ vua Hàm Nghi và các cận thần của nhà vua như: Phan Đình Phùng, Trần Xuân Soạn, Nguyễn Phạm Tuân, Lê Trực, Tôn Thất Thiệp (Tiệp), Tôn Thất Đạm (Đàm) ra đầu thú nhưng vô hiệu. Ba bà Thái hậu cũng liên tục gửi thư kêu gọi vua trở về nhưng ông khẳng khái từ chối. Nhà vua thường nói mình ưa chết trong rừng hơn là trở về làm vua mà ở trong vòng cương tỏa của ngoại bang.
Cuộc kháng chiến tại trung tâm đầu não kéo dài được 3 năm trong bối cảnh vô cùng khốn khó khiến lực lượng của vua Hàm Nghi dần lùi sâu vào vùng rừng núi. Tháng 9 năm 1888, một suất đội hầu cận nhà vua là Nguyễn Đình Tinh đã ra đầu hàng quân Pháp và khai rõ tình cảnh cũng như chỗ nhà vua đang đóng quân. Quân Pháp liền sai Nguyễn Đình Tinh về dụ hàng cận vệ của vua là Trương Quang Ngọc để cả hai tên này tìm cách bắt nhà vua.
Cuộc kháng chiến ngày càng lâm vào khó khăn. Tôn Thất Thuyết buộc phải sang nhà Thanh cầu viện, giao trọng trách bảo vệ vua Hàm Nghi cho các con mình là Tôn Thất Thiệp, Tôn Thất Đạm. Vâng lời cha, Tôn Thất Thiệp thề sẽ sống chết với vua và chặt đầu bất kỳ kẻ nào có ý định đầu hàng quân Pháp.
Đêm ngày 26 tháng 9 năm 1888, hai tên phản nghịch Trương Quang Ngọc và Nguyễn Đình Tinh cùng mấy chục tên lính đã bí mật kéo đến làng Trà Bảo, là nơi Vua Hàm Nghi đang đóng quân. Nửa đêm, chúng bất ngờ xông vào nhà. Tôn Thất Thiệp đang ngủ nên bị đâm chết. Vua Hàm Nghi cầm gươm chỉ vào kẻ làm phản Trương Quang Ngọc, quát lớn: "Mày giết tao đi còn hơn đưa tao về nộp cho Tây". Một tên phản nghịch khác nhanh chóng giật lấy gươm của ngài. Nhà vua bị bắt đưa lên võng và sau đó xuống thuyền về Quảng Bình.
Một người con khác của Tôn Thất Thuyết là Tôn Thất Đạm có trách nhiệm bảo vệ căn cứ, bảo vệ vua, nghe tin nhà vua bị giặc bắt bèn tự vẫn mà chết.
Sau khi bị bắt, vua Hàm Nghi nói với bọn phản thần và thực dân Pháp: "Thôi ta đành theo mệnh trời. Chúng bay muốn làm chi ta thì làm. Ăn thịt ta cũng được".
Thực dân Pháp vẫn đối xử với nhà vua theo vương lễ và đã có lúc tính chuyện lập ngài làm vua 4 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị nhưng ngài luôn chối mình không phải là Hàm Nghi. Thực dân Pháp đã có lúc tỏ ý hoài nghi nhưng một lần thầy dạy của vua là Nguyễn Thận vào thăm, nhà vua đứng dậy vái chào thầy nên quân Pháp biết đích xác đây là vua Hàm Nghi.
Người Pháp đưa Hàm Nghi về Huế, cho phép nhà vua gặp những người ruột thịt của mình nhưng ngài từ chối: "Tôi thân đã tù tội, nước đã mất, còn dám nghĩ chi đến cha mẹ, anh chị em nữa?".
Chiều ngày 25 tháng 11 năm 1888, người Pháp đưa nhà vua xuống tàu La Comète vào Sài Gòn. Ngày 12 tháng 12 năm 1888, đưa lên tàu Biên Hòa đi sang Phi châu. Ngày 13 tháng 1 năm 1899 tàu cập bến Alger Thủ đô Algérie, nhà vua bắt đầu cuộc đời lưu đày của mình.
Còn nữa....