Những “ký sinh trùng” của thành công và nỗi sợ thất bại: Cầm lên được nhưng không buông bỏ được

16/07/2019 14:45 PM | Sống

Có nhiều cách để định nghĩa thành công vì đơn giản, khi có được vị thế, bạn nói điều gì cũng thành truyền cảm hứng. Thành công đem cho họ nhiều điều, quan trọng nhất là tiếng nói bản thân có trọng lượng. Chìm trong ảo mộng của sự thành công, chấp nhận rằng mình sẽ phải đối mặt với thất bại là điều không dễ dàng.

Những người thành công, đa số họ đều phải trải qua rất nhiều thất bại, vấp ngã 7 lần thì đứng dậy 7 lần. Đi qua nhiều những đau thương, họ hiểu hơn ai hết ý nghĩa của thất bại. Với nhóm người này, nỗi sợ thất bại không rợn ngợp, tiêu cực đến vậy. Đâu đó, họ vẫn nhìn thấy tia hy vọng và chấp nhận một vùng tối bao trùm lên cuộc đời, có thể là lần 8.

Có những người thành công nhanh chóng - hoặc họ nghĩ rằng mình thành công với sự "thổi bùng" lên của mạng xã hội. Hiểu được sự hữu hạn của những thành công kiểu vậy, như thể khi thị hiếu của cư dân mạng không còn thì sự nổi tiếng cũng bay biến, họ ôm riết nỗi sợ thất bại: Cầm lên được nhưng không buông bỏ được.

Khi câu chuyện chinh phục đỉnh núi nổi tiếng thế giới của một travel blogger nổi tiếng Việt Nam bị vỡ lở là bịa đặt, nhiều người đồng cảm với anh, coi đó như một lần vấp ngã để rút ra bài học về sau. Ở một khía cạnh khác, câu hỏi được đặt ra về sự nổi tiếng: Quá áp lực về việc phải thành công và giữ vững thành tích có đẩy người ta vào những lựa chọn sai lầm như một lần bịa chuyện?

Những "ký sinh trùng" của thành công

Tôi nghĩ về bộ phim "Ký sinh trùng" nổi tiếng của Hàn Quốc gần đây. Trong suy nghĩ của cậu con trai, có được vị trí trong gia đình giàu có nơi cậu làm gia sư cho cô con gái là một "sự thành công"; nối tiếp đó là việc cả gia đình thực hiện những chiêu trò lừa dối để có được những vị trí công việc họ mơ ước trong gia đình giàu có. Đâm lao thì phải theo lao, họ không có lựa chọn dừng lại hay dám thú thật những điều mình làm. Thành công đến như một giấc mơ, đồng thời lại trở thành một áp lực đẩy con người ta tới nhiều điều phi luân.

Họ là "ký sinh trùng" trong một xã hội - câu chuyện thể hiện sự bức bối của chênh lệch giàu nghèo tại Hàn Quốc, nhưng họ cũng là "ký sinh trùng" của sự thành công chớp nhoáng. Mọi thứ quá mê đắm khiến gia đình ấy không dám chấp nhận thất bại hay một ngày những điều này sẽ không còn.

Những “ký sinh trùng” của thành công và nỗi sợ thất bại: Cầm lên được nhưng không buông bỏ được - Ảnh 1.

Để nói về nguồn cơn cho những điều này, mọi thứ phải đi từ định nghĩa của thành công. Thành công giờ đây là câu chuyện của việc có bao nghìn follower trên Facebook, một video hài nhảm bỗng nhiên có vài triệu lượt xem. Mạng xã hội khiến người ta tin vào những thứ thành công hay gần giống thành công: Một lần chửi tục trên Facebook bỗng dưng cả thế giới biết tới bạn. Những người thành công theo con đường đó, họ không phải trải qua thất bại để rồi "một tấc đến giời". Thành công bây giờ dễ được tung hô, dễ nhận được sự quan tâm ngưỡng mộ, thế nên người đạt được thành công càng dễ nhận áp lực từ những sự ngưỡng mộ ấy, càng dễ sa đà vào nếu không tập trung cố gắng.

Làng giải trí có đầy những câu chuyện như vậy; những người vẽ vời lên thành tích của bản thân, thêu dệt lên câu chuyện nổi tiếng. Có cô A nào đó không được mời đi sự kiện thời trang nhưng cũng chối quanh rằng mình được mời như khách VIP, liên hoan phim quốc tế không có vé mời nhưng cố gắng chen chân vài bức hình. Chỉ vì vài chiếc túi đi mượn, đến lúc giở mặt nhau rồi đăng đàn bóc phốt: "Nó có giàu có gì đâu, sống ảo thôi mà". Tất cả những câu chuyện như vậy đều phản ánh áp lực về sự thành công, vốn dĩ mong manh và phải bấu víu vào những điều phù phiếm.

Chê trách họ là một điều dễ làm, nhưng cảm thông cho những người như vậy mới là điều khó. Nếu người trẻ có một cuộc đua "rat race" vốn đã áp lực thì người nổi tiếng càng gặp phải áp lực cao để duy trì tên tuổi, tiếng tăm của mình. Chỉ buồn rằng, những điều không đi lên bằng nỗ lực thực sự thì có bao giờ được bền lâu.

Không dám đối mặt với thất bại

Trong con mắt của những người thành công nhanh chóng như vậy, thành công cứ như một đường tuyến tính: Ngày hôm nay phải thành công hơn ngày hôm trước, ngày mai phải giỏi hơn hôm nay nhiều lần. Tôi nhớ về cách Michael Jordan nói về thành công và thất bại.

"Tôi đã ném hỏng hơn 9,000 lần trong suốt sự nghiệp", Jordan từng nói. "Tôi đã thua gần 300 trận, 26 lần tôi được giao trọng trách ném quả bóng quyết định và đã làm hỏng. Tôi đã thất bại rất nhiều lần trong cuộc sống và sự nghiệp. Và đó là lý do vì sao tôi thành công".

Thành công thực chất nó là một đồ thị như điện tâm đồ vậy, có lúc lên và có lúc xuống. Thế hệ Millennial luôn được đánh giá là lớp người mong muốn thành công nhanh và sợ thất bại. Nhưng thực tế, bạn sẽ thất bại vào một lúc nào đó. Không có ai là quá giỏi để thất bại, không có ai quá trưởng thành để thất bại hay có thông minh cỡ nào, đôi lúc bạn vẫn sẽ thất bại. Mọi thứ xảy ra vào đúng thời điểm của nó, điều bạn cần làm là chấp nhận sự thật.

Những “ký sinh trùng” của thành công và nỗi sợ thất bại: Cầm lên được nhưng không buông bỏ được - Ảnh 2.

Rào cản nhiều người không vượt qua được không phải những thử thách hay cột mốc trên con đường sự nghiệp; cái bóng của thành công cũ cao hơn, đỉnh cao của cái tôi cá nhân không chịu thất bại cao hơn nhiều. Thành công như một con dao hai lưỡi cũng vì vậy, nó thôi thúc bạn tiến về phía trước, dù bất chấp phía trước là gì đi nữa. Không ai ngủ một đêm dậy rồi trưởng thành, bước qua tuổi 25 không biến bạn trở thành một người trưởng thành ngay được, giấc mơ chinh phục Everest cần nhiều nỗ lực hơn là một lần vượt lên đỉnh Fansipan.

Bạn phải chấp nhận rằng, không phải cứ chinh phục một đỉnh núi 5000m rồi chúng ta sẽ vượt lên được một đỉnh núi 6000m ngay lập tức. Có những cái mới, không phải cứ được mọi người tôn vinh, động viên mà bạn có thể làm ngay lập tức được.

Còn lại gì sau những lần không dám đối mặt với thất bại như vậy?

Những “ký sinh trùng” của thành công và nỗi sợ thất bại: Cầm lên được nhưng không buông bỏ được - Ảnh 3.

Chấp nhận thất bại không bao giờ dễ dàng, ai cũng hiểu được điều đó; bạn có thể không chấp nhận việc mình đang dậm chân tại chỗ nhưng chí ít, đừng trở mặt với thành công mình đang có bằng cách bịa đặt, đi ngược lại với đạo đức của bản thân và nghề nghiệp.

Tôi biết chuyện của rất nhiều người nổi tiếng phải lên tiếng xin lỗi, giải thích sau những lần lỡ miệng, đâm lao phải theo lao với câu chuyện thành công ngụy tạo của mình. Mọi chuyện rồi cũng vỡ lở, những bài đăng đính chính, xin lỗi xuất hiện trên mạng xã hội, dài thườn thượt và thống thiết. Nhiều người an ủi, động viên, nói rằng "không sao, mọi chuyện cũng sẽ ổn thôi", vài người hoài nghi, bình luận những lời như thể "xin lỗi nhưng vẫn phải bao biện cho lỗi sai của mình". Dù đúng hay sai, dù người hâm mộ có tin tưởng hay không, trong lòng vẫn gợn chút lòng tin ít ỏi. Giữa thời buổi vàng không chỉ thử bằng lửa, khi truyền thông và mạng xã hội làm xói mòn niềm tin, người ta phải chắt chiu lắm mới có được chút lòng tin từ mọi người.

Phản bội thành công của bản thân, cái giá phải trả chắc chắn đớn đau hơn thất bại. Cầm thành công lên được thì cũng có thể đặt nó xuống được.

Những “ký sinh trùng” của thành công và nỗi sợ thất bại: Cầm lên được nhưng không buông bỏ được - Ảnh 4.

Theo Skye

Cùng chuyên mục
XEM