Những "kiêng kỵ" khi lau dọn ban thờ đón Tết Nguyên đán
Chuyên gia lưu ý, trong quá trình dọn dẹp ban thờ tuyệt đối không làm di chuyển tôn tượng thần tài thổ địa và các bát hương.
Vào tháng Chạp hàng năm, các gia đình đều thực hiện nghi lễ lau dọn ban thờ để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Chuyên gia phong thuỷ Master Phùng Phương cho biết trên tờ Lao động, trong dọn dẹp ban thờ có 2 việc cùng phải được thực hiện là lau dọn ban thờ (còn gọi là bao sái ban thờ ) và rút bớt chân hương (còn gọi là tỉa chân nhang ).
Gia chủ sẽ tỉa chân nhang trước rồi tới dọn dẹp bao sái.
Vị chuyên gia này lưu ý, trong quá trình dọn dẹp ban thờ tuyệt đối không làm di chuyển tôn tượng thần tài thổ địa và các bát hương, với những đồ vật còn lại thì có thể di chuyển.
Ông khuyên gia chủ không nên lau dọn ban thờ bằng rượu, bởi rượu có tính âm mạnh và cũng không phù hợp với một số gia đình có bàn thờ phật ở trên bàn gia tiên. Nên dùng gừng, quế, hồi hòa vào nước ấm để lau.
Đồng quan điểm với chuyên gia Master Phùng Phương, chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà cũng cho rằng, khi lau dọn ban thờ cần tránh việc xê dịch các bức tượng, ngai thờ gia tiên, bài vị gia tiên, bát hương, đặc biệt là bát hương.
Nếu có sự cố bất khả kháng phải xê dịch các bức tượng, đồ thờ hay bát hương thì khi lau dọn xong phải sám hối và hoàn nguyên đúng vị trí như ban đầu, gọi là làm thủ tục an vị bàn thờ, an vị bát hương.
Khi lau dọn không gian thờ cúng đại kỵ để ánh sáng dương quang mặt trời chiếu rọi vào bàn thờ vào các bát hương thờ. Gia chủ có thể bất đèn điện để lấy sáng chứ không mở toang cửa phòng thờ hay mở toang cửa sổ.
Theo chuyên gia Song Hà, trước ngày lau dọn bàn thờ, gia chủ cần kiêng ăn mắm tôm, tỏi, thịt chó, thịt mèo, ba ba, rùa, rắn, khỉ, kiêng uống rượu ngâm cao hổ, ngâm rắn... Nên dùng nước sạch đã đun sôi để nguội để lau dọn bàn thờ. Cẩn thận hơn có thể dùng rượu trắng cho thêm một ít gừng củ giã nhuyễn hoặc nước đun từ 5 loại thảo dược. Trong đó, quế khô, hồi khô là 2 vị cố định, 3 vị còn lại tùy vùng miền sẽ là 3 trong các vị: gỗ vang, đinh hương, bạch đàn, mùi thơm, hương nhu, xả, lá nếp.
Với các ngai thờ gia tiên hoặc bài vị thờ gia tiên bằng gỗ, lọ hoa sen gỗ, lục bình gỗ, bàn thờ gỗ, sập gỗ thì tránh dùng rượu gừng để lau, bởi sẽ làm hỏng vécni hoặc màu sơn son, thiếp vàng.
Khi lau rửa bài vị của tổ tiên hay tắm tượng (tượng Phật, tượng các vị thần tài...) thì phải dùng nước ấm, không được dùng nước lạnh.
Tuyệt đối không lau bài vị của tổ tiên trước bài vị của Thần Phật, bởi người xưa quan niệm như vậy Ɩà bất kính, "mạo phạm với Thần Phật.
Bà Song Hà nêu, khi bao sái bát hương, gia chủ lấy một tay giữ yên bát hương, một tay lau xung quanh bát hương, lau từ vòng Lưỡng long chầu nguyệt lau ra. Nếu bát hương kê hơi sát tường, thay bằng dùng giẻ lau, gia chủ có thể dùng khăn giấy ướt đã giặt lại sạch rồi nhúng vào nước ngũ vị hương bọc vào đầu que mỏng lách vào lau sau lưng bát hương.
Theo bà, hàng năm nên thường xuyên rút tỉa chân hương, không nên để chân hương lưu cữu nhiều năm vì sẽ làm bàn thờ nhanh bụi và gây ra nguy cơ hoả hoạn cao.
TS. Vũ Thế Khanh (Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng- UIA) chia sẻ trên Dân trí, trong quá trình tỉa chân nhang, gia chủ rút từng chút một cho tới khi còn một số lẻ trong bát hương (thường là 3, 5, 7, 9). Số chân nhang kia sẽ được mang đi hóa thành tro, đổ xuống sông hoặc vùi vào gốc cây.
Ông Khanh đặc biệt lưu ý, tuyệt đối không được vứt chân hương hoặc các đồ thờ cúng khác vào thùng rác hoặc nơi ô uế.
(Thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo)
(Tổng hợp)