Những kẻ thua cuộc trong cuộc chiến smartphone: Đôi khi từ bỏ mới là hạnh phúc

27/09/2016 13:36 PM | Công nghệ

Microsoft, Nvidia, Intel, Amazon - họ đều là những gã khổng lồ đã ít nhiều dấn thân vào thị trường smartphone và không đạt được thành công như mong đợi. Nhưng không phải lúc nào thất bại cũng đi kèm với cay đắng.

Năm 2016 được dự kiến sẽ là một năm buồn của làng smartphone toàn cầu. Vào đầu tháng 9, công ty nghiên cứu thị trường IDC đã cắt giảm mức tăng trưởng doanh số smartphone dự đoán cho năm 2016 từ 3,1% xuống còn 1,6%. Trung Quốc, nguồn tăng trưởng quan trọng nhất của các ông lớn đã bão hòa và suy giảm từ năm 2015 và phải đến quý 2 vừa rồi mới bình ổn ở mức tăng đạt vỏn vẹn 4%.

Các tên tuổi đáng chú ý cũng không phải là ngoại lệ. Sau nhiều năm tăng trưởng thần kỳ, Apple trong năm 2016 đã chứng kiến 2 quý liên tiếp bị sụt giảm doanh thu - tình trạng được cho là sẽ kéo dài tới hết năm nay sau khi iPhone 7 và iPhone 7 Plus ra mắt kém ấn tượng.

"Apple của Trung Quốc", Xiaomi trong quý 2 vừa qua đã chứng kiến lượng smartphone xuất xưởng giảm gần 40% so với cùng kỳ 2015. Đau đớn hơn cả có lẽ là Samsung: trong lúc chuẩn bị đón nhận kết quả kinh doanh khả dĩ nhất từ thời Galaxy S4 thì thảm họa Galaxy Note 7 lại bỗng dưng xảy ra. Tổng thiệt hại mà Samsung phải gánh chịu lúc này đã lên đến hàng chục tỷ USD.

Rõ ràng là thị trường smartphone đã bão hòa và sẽ sớm suy thoái. Khi smartphone đã trở thành một thứ vật phẩm phổ cập tại Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và cả nhiều quốc gia đang phát triển khác, cuộc cách mạng di động đã không còn là cuộc chơi "tranh giành thị phần" nóng hổi như trước mà chuyển dần sang giai đoạn thu hút người dùng nâng cấp. Bài học của PC vẫn còn đó, và smartphone sẽ sớm nguội lạnh.

Khi cuộc đua smartphone đã (tạm thời) ngã ngũ, có lẽ chúng ta cũng nên nhìn lại tình cảnh của những kẻ thua cuộc.
Khi cuộc đua smartphone đã (tạm thời) ngã ngũ, có lẽ chúng ta cũng nên nhìn lại tình cảnh của những kẻ thua cuộc.

Đầu tiên là Microsoft. Năm 2015, Microsoft mạnh tay "gạch sổ" gần như toàn bộ trị giá của thương vụ mua lại Nokia. Những chiếc điện thoại Windows Phone ra mắt thưa thớt dần, điện thoại Windows 10 Mobile xuất hiện theo kiểu "chộp giật" nhưng cùng lúc phần mềm Microsoft viết cho iOS và Android cũng xuất hiện ồ ạt. Ngôi sao của tầm nhìn ứng dụng mới từ Redmond là Office 365, phiên bản Office có nền đám mây và hoàn toàn không chịu ảnh hưởng từ doanh số smartphone, tablet hay PC.

Bên ngoài lĩnh vực ứng dụng di động, Microsoft đang trở thành thế lực đám mây duy nhất có thể cạnh tranh sòng phẳng với Amazon Web Services.

Thương vụ mua lại LinkedIn giúp củng cố vị thế thống trị của gã khổng lồ xứ Redmond trên mảng doanh nghiệp, những chiếc Surface càng ngày càng chinh phục doanh nhân, Windows 10 gần đây nhất đã thu hút 350 triệu người dùng. Tại BUILD 2016, những con chatbot Skype hay công nghệ HoloLens khiến cho người hâm mộ nức lòng về năng lực sáng tạo quá khủng khiếp của Microsoft "mới".

Quý 2/2016, Microsoft thu 3,8 tỷ USD lợi nhuận trên gần 21 tỷ USD doanh thu. Dưới thời Satya Nadella, Microsoft đang phục hồi dần từ những quyết định sai lầm của Steve Ballmer khi nỗ lực bám đuổi thị trường di động một cách đầy bộp chộp.

Lại nói về đại kỳ phùng địch thủ của Microsoft "trên mây" là Amazon. Với những bước tiến vững chắc của AWS, thành công bất ngờ của chiếc loa thông minh Echo, các dịch vụ nội dung cho Fire TV, Kindle và Kindle Fire và cả những thành công trên mảng bán lẻ ngày một ổn định đã giúp cho Amazon lập kỷ lục lợi nhuận trong... 3 quý liên tiếp. Mới chỉ trong tuần này, cổ phiếu Amazon cũng đã đạt mức cao nhất trong lịch sử - 802 USD.

Ít ai nhớ được rằng mới chỉ vào năm 2014, công ty của Jeff Bezos đã thua lỗ tới hơn 1 tỷ USD vì Fire Phone, chiếc smartphone đầu tiên và duy nhất của Amazon tính đến thời điểm này.

Rõ ràng là cuộc chiến đám mây đang trở thành cứu cánh cho những gã khổng lồ đã thua cuộc đau đớn trên smartphone. Intel cũng vậy: sau khi các dòng chip Atom không thể giúp nhà sản xuất chip số 1 thế giới có nổi 1% thị phần trên thánh địa di động, người ta càng ngày càng chú ý đến các mảng data center (trung tâm dữ liệu) và Internet of Things của Intel. Trong quý trước, mảng data center mang lại cho Intel 4 tỷ USD doanh thu.

Một người hùng khác cũng gắn liền với thị trường PC là NVIDIA. Trong khi gần như toàn bộ doanh thu của NVIDIA vẫn đến từ GPU (1,2 tỷ USD/1,43 tỷ USD tổng doanh thu quý vừa qua) thì rõ ràng là chiến lược ARM của NVIDIA đã có sự thay đổi rõ rệt.

Từng có trọng tâm là smartphone và tablet, dòng chip Tegra đã được tái định hướng cho TV, máy chơi game cầm tay và quan trọng nhất là datacenter và ... xe hơi.

Kết quả là trong quý 2/2016, NVIDIA đã thu được tới 119 triệu USD doanh thu từ mảng xe hơi, 151 triệu USD từ mảng datacenter. Tổng cộng lại, 2 khoản doanh thu này cao hơn cả doanh thu từ Quadro và cũng đã tương đương với 50% doanh thu từ mảng game.

Khi các thiết bị di động dùng Tegra chìm vào dĩ vãng, NVIDIA vẫn đang "sống khỏe".

Bạn có thể thấy xu hướng "sống tốt mà không cần có smartphone" đang tồn tại ở khá nhiều gã khổng lồ khác từng gặp bất lợi trên smartphone.

Ngay cả những ông lớn smartphone cũng đang tỏ rõ quyết tâm mở rộng doanh thu ra ngoài "con ngỗng vàng" truyền thống của mình: Apple trong một năm vừa ra mắt smartwatch vừa nâng cấp Apple TV thành một nền tảng nghiêm túc, Xiaomi cũng đã ra mắt một số sản phẩm kỳ lạ như cân thông minh, xe đạp thông minh hoặc nồi cơm kết nối Wi-Fi.

Mạnh mẽ nhất trong công cuộc chuyển đổi vẫn là Samsung: hiện tại, người hùng Hàn Quốc đang là một trong những thế lực đi đầu về gia công chip, Internet of Things và smart home.

Song, tình cảnh ngày một khó khăn của thị trường di động và những con số rất khả dĩ từ những gã khổng lồ đã thua cuộc đau đớn trong cuộc đua cùng iPhone và Android đã nói lên một sự thật quan trọng: bất kỳ một xu hướng phần cứng nào cũng sẽ có thời điểm "hot" và rồi nguội lạnh.

Ngay cả chiếc tablet vốn từng được coi là ngang hàng với smartphone cũng đã suy thoái được vài năm. Để có thể mỉm cười khi trào lưu smartphone đi qua, Microsoft, Nvidia, Intel và Amazon đều đã tìm đến những hướng đi có màu sắc đám mây và Internet of Things, vốn là những lĩnh vực khó có thể thu hút sự chú ý của người dùng như smartphone nhưng lại có ý nghĩa cực kỳ quan trọng với hạ tầng hi-tech toàn cầu, bất kể loại phần cứng "hot" nhất là PC, smartphone hay tablet.

Khi smartphone càng ngày càng bộc lộ rõ bản chất là một cuộc đua không còn có đích đến, những kẻ thua cuộc ngày nào bỗng dưng lại vươn lên kiểm soát nền tảng của tương lai.

Cùng chuyên mục
XEM