Những hãng điện thoại Trung Quốc đang đe dọa thị phần của Apple, Samsung
Với ưu thế về giá cùng kiểu dáng bắt chước nhanh theo ưu điểm của Apple, Samsung. Các hãng điện thoại Trung Quốc đang trở thành đối thủ nặng ký của 2 gã khổng lồ công nghệ trên nhiều thị trường lớn.
Apple và Samsung hiện đang là hai ông lớn thống trị ngành sản xuất smartphone trên toàn thế giới. Tuy nhiên, hiện tại thì vị thế này có vẻ đang dần lung lay bởi sự trỗi dậy của các hãng điện thoại đến từ Trung Quốc với khả năng ăn theo, bắt kịp trào lưu rất nhanh, đi kèm với đó là mức giá rẻ phù hợp với phân khúc khách hàng tầm trung và thấp.
Điển hình của điều này có thể thấy là sự thất sủng của người tiêu dùng đối với Apple tại Ấn Độ. Ở thị trường tỷ dân này, Apple chỉ chiếm 2,5% thị phần. Hai tên tuổi đứng đầu tại đây là Samsung với 30% và Xiaomi cũng với 30% thị phần.
Tại nhiều thị trường khác, các nhà sản xuất tại Trung Quốc cũng đang đạt tăng trưởng doanh thu khá mạnh mẽ và có xu hướng đe dọa vị trí của Samsung cũng như Apple.
Huawei
Huawei có trụ sở đặt tại Thâm Quyến, thuộc phía nam Trung Quốc với các dòng sản phẩm được đánh giá là có nét độc đáo riêng chứ không chỉ đơn thuần bắt chước Apple, Samsung giống như các hãng điện thoại Trung Quốc khác. Đơn cử như sản phẩm chủ lực hiện tại của Huawei - P20 Pro với hệ thống camera được lấy cảm hứng từ chiếc máy ảnh Leica huyền thoại của Đức.
P20 Pro của Huawei được bán với mức giá 800 USD, cho thấy định hướng của hãng cũng phục vụ cả những khách hàng ở phân khúc tầm cao thay vì chỉ nhắm vào phân khúc điện thoại giá rẻ. Doanh số hiện tại của Huawei trên toàn cầu đã vượt qua cả Apple dù vẫn chưa tham gia vào thị trường Mỹ.
Xiaomi
Xiaomi định hướng chiến lược khác với Huawei khi tập trung nhiều nguồn lực vào phân khúc smartphone giá rẻ. Hãng điện thoại này không ngại sao chép lại thiết kế của các smartphone được ưa chuộng từ Apple, Samsung...
Thậm chí Xiaomi cũng đang vận hành hệ thống app store cùng dịch vụ nhạc số riêng của mình. Trong những năm gần đây, Xiaomi cũng đã có những cải tiến để tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm thay vì chỉ copy lại Apple. Những cải tiến có thể kể đến như trang bị vỏ gốm, màn hình không viền...
Vivo
Điểm mạnh được Vivo tập trung hướng đến chính là những chiếc smartphone có giá cạnh tranh nhưng cấu hình ở mức chấp nhận được, dung lượng pin khỏe. Vivo là hãng điện thoại Trung Quốc đầu tiên tiếp cận thị trường Ấn Độ và cũng đang khá thành công tại thị trường này.
Hiện tại Vivo cũng đang hướng dần với phân khúc tầm cao với sản phẩm mới nhất Vivo Nex có giá khoảng từ 570 đến 730 USD tại Trung Quốc. Điểm mạnh của chiếc điện thoại này nằm ở màn hình tràn tỉ lệ tới hơn 91%.
Oppo
Ban đầu là nhà sản xuất thiết bị chơi nhạc Mp3 và đầu đĩa DVD nhưng thương hiệu của Oppo trong lĩnh vực sản xuất điện thoại cũng đã phổ biến rất thành công tại châu Á và châu Âu.
Hiện tại Oppo cũng đã đầu tư nghiên cứu và cho ra mắt các sản phẩm với tính năng độc đáo riêng. Như sản phẩm Find X hướng đến phân khúc tầm cao với màn hình tỉ lệ hiển thị tới 93,8%, cao hơn hẳn so với iPhone. Ngoài ra Oppo cũng có các chiến lược hướng tới đối tượng khách hàng trẻ với các tính năng selfie được tối ưu hóa khá tốt.
Transsion/Techno
Đây có lẽ là cái tên khá xa lạ với nhiều độc giả tại Việt Nam. Tuy nhiên nhà sản xuất điện thoại có trụ sở tại Thâm Quyến này lại đang chiếm lĩnh phần lớn thị phần tại các quốc gia châu Phi.
Transsion được thành lập từ năm 2006 với định hướng sản xuất phục vụ thị trường châu Phi. Nhà máy sản xuất đầu tiên được đặt tại Ethiopia. Nhờ ưu thế về giá cả mà Transsion nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường tại đây.
Chỉ với hơn 100 USD, bạn sẽ có thể sở hữu ngay một chiếc điện thoại smartphone. Về doanh số, Transsion cũng đã vượt qua cả Samsung và Apple với gần 12 triệu máy được bán ra chỉ trong quý 4 năm 2017.