Những góc khuất phía sau con số tăng trưởng GDP cao nhất khu vực của Việt Nam

25/03/2019 10:44 AM | Xã hội

Tại Hội thảo Khoa học Quốc gia Kinh tế Việt Nam 2018 và triển vọng năm 2019, PGS.TS Tô Trung Thành đã có những phân tích tổng quan nền kinh tế Việt Nam năm 2018, đặc biệt là những điểm khuất sau con số tăng trưởng cao.

Về khu vực kinh tế thực, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,08%, đây là mức tăng cao nhất kể từ 2008, cũng là mức tăng cao nhất trong khu vực. Tuy nhiên nếu nhìn vào GDP bình quân đầu người, đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân của người Việt Nam chỉ mới dừng lại ở con số 2.600 USD, ở mức thấp so với khu vực. So với các quốc gia khác thì chỉ con số này chỉ bằng 1/3 Trung Quốc và ¼ Malaysia.

Chất lượng tăng trưởng kinh tế Việt Nam có cải thiện. TFP có mức tăng cao hơn 2017 và cao nhất trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên tốc độ tăng năng suất lao động đã giảm so với 2017, và quan trọng là không đủ cao để có thể giảm nhanh chênh lệch với khu vực, và để tăng trưởng nhanh và bền vững.

Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam (7,08%) đang cao hơn mức sản lượng tiềm năng (6,6%-6,8%). Điều đó có nghĩa là áp lực lên lạm phát Việt Nam sẽ tăng trong vài năm tới nếu Việt Nam tiếp tục can thiệp chính sách làm tăng tổng cầu.

Tăng trưởng vẫn phụ thuộc chủ yếu vào đầu tư, tổng vốn đầu tư xã hội chiếm 33,5% GDP. Đóng góp quan trọng nhất vào tăng trưởng là ngành công nghiệp và xây dựng, đặc biệt là công nghiệp chế tạo.

Thặng dư của khu vực kinh tế tư nhân chỉ chiếm 5,85% tổng giá trị tăng thêm, 5,14% tổng GDP và 26,41% tổng thu nhập từ vốn, phản ánh quy mô nhỏ lẻ, hoạt động thiếu hiệu quả của nền kinh tế tư nhân. 48,11% doanh nghiệp tư nhân kinh doanh thua lỗ.

Mặc dù hoạt động hiệu quả hơn khu vực tư nhân, với lợi nhuận trước thuế cao hơn đến 180%, khu vực FDI lại có tỷ lệ đóng thuế thấp nhất. Khu vực FDI nộp ngân sách chỉ bằng 51% khu vực tư nhân.

Về thương mại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tính trên GDP đã ở mức 200%, cao nhất so với các nước trong khu vực, phản ánh độ mở kinh tế lớn cũng như khả năng dễ bị tác động bởi các cú sốc bên ngoài. Cán cân thương mại Việt Nam năm 2018 thặng dư 7,2 tỷ USD, chiếm khoảng 2,97 GDP.

Trong khi khu vực nội địa đang nhập siêu, khu vực FDI liên tục xuất siêu, chiếm gần 72% tổng giá trị xuất khẩu và 60% tổng giá trị nhập khẩu, đóng góp thặng dư thương mại chính cho nền kinh tế. Điều này phản ánh thực tế là các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa đủ sức thâm nhập thị trường thế giới mà chủ yếu vẫn là nơi tiêu thụ hàng nước ngoài. Vai trò của khu vực tư nhân cũng còn yếu trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Việt Nam nhập khẩu lớn nhất từ Mỹ, EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong đó nhập siêu lớn nhất từ Hàn và Nhật, phản ánh mô hình sản xuất của Việt nam đang là mô hình nhập khẩu đầu vào, công nghệ và linh kiện từ Hàn Quốc và Trung Quốc để xuất sang các nước phát triển. Tuy nhiên giá trị gia tăng tạo ra trong nước vẫn chưa có cải thiện trong nhiều năm qua.

Mặc dù dòng vốn quốc tế đang có xu hướng dịch chuyển ra khỏi các nước đang phát triển, Việt Nam tiếp thục là quốc gia có tỷ lệ FDI trên GDP cao nhất so với các nước trong khu vực. Duy trì được vốn FDI ổn định là nhờ các chính sách thu hút đầu tư nhiều ưu đãi, cơ hội từ các hiệp định thương mại được ký kết, xu hướng các tập đoàn đa quốc gia dịch chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang.

Tính đến cuối quý 2 năm 2018, cán cân thanh toán thặng dư gần 8,5 tỷ USD, từ đó dự trữ ngoại hối gia tăng. Đây là cơ sở quan trọng giữ cho thị trường ngoại hối không quá đột biến trong nửa cuối năm 2018 mặc dù sức ép tỷ giá ngày càng gia tăng.

Theo Thái Trang

Cùng chuyên mục
XEM