Những gì Google công bố lý giải vì sao ứng dụng iOS luôn được ưu ái hơn ứng dụng Android
Thậm chí là ưu ái gấp đôi.
Ngay cả khi đã vươn lên dẫn đầu thế giới về sản lượng smartphone trong quý 4/2019, Apple vẫn bị binh đoàn Android đè bẹp về thị phần: iPhone chỉ chiếm vỏn vẹn 19% tổng lượng smartphone xuất xưởng. Khi tính cho cả năm 2019, con số này còn nhỏ bé hơn: thị phần iPhone bán ra chỉ vào khoảng 15%. Phần còn lại dĩ nhiên thuộc về các nhà sản xuất Android: Samsung, Huawei, Xiaomi, OPPO, Vivo v…v…
Nói cách khác, lượng iPhone bán ra mỗi năm chỉ từ khoảng 1/5 đến 1/4 lượng smartphone Android bán ra. Nhưng những gì Google vừa công bố cho thấy Android đang là một nền tảng kém hấp dẫn hơn hẳn so với iOS.
Dù Android đè bẹp iOS về thị phần, doanh thu Google Play chỉ bằng 1/2 doanh thu App Store.
Cụ thể hơn, Google cho biết tổng số tiền được hãng này chi trả tới các nhà phát triển phần mềm trong lịch sử Android đến nay mới chỉ đạt 80 tỷ USD. So với mức 155 tỷ USD mà Apple đã trả cho các nhà phát triển ứng dụng iOS, con số này chỉ tương đương 52%. Do cả 2 chợ ứng dụng đều có tỷ lệ chi trả về các nhà phát triển là 70% (Apple/Google giữ 30% còn lại), sự chênh lệch về khoản tiền chi trả cũng có nghĩa rằng Google Play đang chỉ kiếm được một nửa khoản tiền mà App Store đem lại cho Apple.
Con số chính thống từ 2 đối thủ lớn của làng di động hoàn toàn tương đồng với số liệu thống kê của các công ty nghiên cứu thị trường trước đây. Hiện tượng khó hiểu này có thể được lý giải là bởi, mặc dù đông đảo hơn nhưng người dùng Android lại có khả năng chi trả kém hơn người dùng iPhone/iPad. Chiếc iPhone giá thấp nhất mà Apple đang bán ra có giá lên tới 450 USD, cao hơn toàn bộ các mẫu Android lọt vào top 10 smartphone bán chạy nhất thế giới. Sự chênh lệch về tư duy chi tiêu cho phần cứng có thể coi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự chênh lệch về chi tiêu phần mềm.
Ngoài ra, Google Play còn phải chịu sự cạnh tranh từ nhiều chợ ứng dụng Android khác, đặc biệt là từ các chợ ứng dụng Trung Quốc, nơi các dịch vụ Internet nước ngoài bị cấm hoàn toàn. Một nguyên nhân khác có thể nghĩ đến là sự hờ hững của Google đối với tablet, một mảng kinh doanh mà đến nay Apple vẫn đang đứng ở vị trí số1.
Ngay cả Google cũng rất "yêu" iOS.
Bất kể nguyên nhân là gì, sự chênh lệch về khoản tiền mang lại cũng đang tạo ra tâmlý ưu ái iOS rõ rệt cho các nhà phát triển ứng dụng di động: gần như tất cả các ứng dụng/game đều được ra mắt trên iOS trước Android nhiều tháng trời. Nhiều ứng dụng vẫn độc quyền cho iOS, và chính Google còn có nhiều thời điểm đặt iOS lên trên chính hệ điều hành của riêng mình.
Thậm chí, Google còn đã/đang chi trả hàng tỷ USD để được giữ vị trí là bộ máy tìm kiếm mặc định trên trình duyệt Safari của Apple. Nếu ông chủ của Android vẫn luôn ưu ái iOS đến vậy, bảo sao các nhà phát triển ứng dụng không đặt hệ điều hành mác Táo lên trên Android dù rằng thị phần iPhone bán ra mỗi năm vẫn chỉ bằng một góc nhỏ smartphone Android mà thôi.