Những gã khờ luôn sống quanh ta: 5 định luật cơ bản về sự dại dột của loài người

06/06/2017 16:11 PM | Khoa học

Những gã khờ, theo lý giải của Carlo M. Cipolla, đều có các đặc điểm chung như: họ rất đông, rất vô lý và gây ra vấn đề cho người khác mà cũng chẳng có lợi gì cho mình, vì thế làm giảm tổng mức an sinh của xã hội. Chúng ta hãy cùng điểm qua 5 định luật cơ bản về sự dại dột của loài người dưới đây.

Vào năm 1976, một giáo sư lịch sử kinh tế ở đại học Berkeley đã công bố một bài tiểu luận về các định luật cơ bản của một động lực mà ông coi là mối đe dọa lớn nhất đối với sự tồn tại của loài người: Sự dại dột.

Những gã khờ, theo lý giải của Carlo M. Cipolla, đều có các đặc điểm chung như: họ rất đông, rất vô lý và gây ra vấn đề cho người khác mà cũng chẳng có lợi gì cho mình, vì thế làm giảm tổng mức an sinh của xã hội.

Chúng ta hãy cùng điểm qua 5 định luật cơ bản về sự dại dột của loài người dưới đây:

Định luật 1: Mọi người luôn luôn đánh giá thấp số lượng những cá nhân dại dột đang hiện hữu.

Cipolla viết, dù cho bạn có đếm được bao nhiêu gã ngốc xung quanh mình, thì trên thực tế con số đó cũng lớn hơn nhiều.

Hiện tượng này xuất phát từ giả định cho rằng một số người nhất định là thông minh dựa trên những yếu tố bề ngoài như công việc, trình độ học vấn hay các nét tính cách mà ta tin là trái ngược hẳn với sự dại dột. Nhưng thực tế không phải vậy. Và điều này dẫn đến.

Định luật 2: Một người có thể trở nên dại dột hay không chẳng hề liên quan gì đến những tố chất khác của người đó.

Cipolla cho rằng sự dại dột là một biến số không thay đổi. Mọi hạng mục mà chúng ta có thể mường tượng - giới tính, chủng tộc, quốc tịch, trình độ học vấn, thu nhập - đều sở hữu một tỉ lệ phần trăm cố định những người dại dột.

Họ có thể xuất hiện ở mọi quốc gia trên trái đất. Số lượng những người dại dột đông đảo đến thế nào? Ta không thể trả lời được. Và bất kỳ một phỏng đoán nào đưa ra cũng vi phạm định luật thứ nhất.

Định luật 3. Người dại dột là người gây tổn thất cho một cá nhân khác hoặc một nhóm người khác trong khi chẳng đạt được lợi ích gì, thậm chí còn chịu thiệt hại nữa.

Cipolla coi đây là Định luật vàng về sự dại dột.

Một gã không ngừng đăng những tin tức giả mạo lên Facebook hay một nhân viên chăm sóc khách hàng bắt bạn phải nói chuyện điện thoại dài cả tiếng, cúp máy hai lần và phá bung bét tài khoản của bạn. Tất cả đều là biểu hiện của sự dại dột.

Định luật này cũng đưa ra 3 loại hình khác cùng tồn tại với sự dại dột. Trước hết là người thông minh, tức hành động của họ có lợi cho mình và người khác. Sau đó là kẻ cướp đoạt, tức chỉ làm lợi cho mình và gây hại cho người khác. Và cuối cùng là người vô vọng, tức hành động của họ chỉ làm lợi cho người khác mà thiệt hại cho chính mình.

Về cơ bản, một sinh vật dại dột sẽ tấn công bạn không vì lý do gì, không vì lợi ích gì, không có bất cứ kế hoạch hay âm mưu gì và vào những khoảng thời gian, những địa điểm khó ngờ nhất. Bạn không thể suy luận được khi nào, bằng cách nào và tại sao sinh vật đó lại tất công mình. Và điều này dẫn chúng ta đến:

Định luật 4: Những người không dại dột luôn đánh giá thấp mức độ phá hoại của sự dại dột. Nhất là họ thường xuyên quên rằng trong bất kỳ lúc nào, bất kỳ nơi đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, dây dưa hay có liên quan đến người ngu ngốc luôn là một sai lầm tai hại.

Chúng ta đánh giá thấp những kẻ dại dột, và từ đó không lường được hết sự nguy hiểm cho bản thân mình. Điều này mang ta đến với định luật thứ 5 và là định luật cuối cùng.

Định luật 5: Người dại dột là loại người nguy hiểm nhất.

Và hệ quả của nó: Người dại dột còn nguy hiểm hơn kẻ cướp đoạt.

Sự khác biệt giữa những xã hội đã sụp đổ dưới sức nặng của các công dân dại dột và những xã hội vượt lên trên được sức nặng đó nằm ở sự bù trừ đến từ những người không dại dột. Những xã hội đó có số lượng người hành xử thông minh đông đảo, đó là những người bù lại được mất mát do những kẻ dại dột gây ra.

Những xã hội suy đồi cũng có tỷ lệ người dại dột ngang bằng những xã hội thành công, nhưng có tỷ lệ người vô vọng quá lớn và theo Cipolla, "sự sinh sôi ở mức độ báo động của những kẻ cướp đoạt được trang bị bằng sự dại dột".

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM