Những đứa trẻ sống trên “ốc đảo” ở Sài Gòn và mơ ước một lần được cùng ba mẹ ra phố đón Tết
Cách trung tâm Sài Gòn hơn 20km là một vùng hẻo lánh với vài chục hộ dân sinh sống, xung quanh họ chỉ là sông nước và cây cỏ. Dịp Tết đến, những đứa trẻ ở “ốc đảo” chỉ mong được bố mẹ đưa ra phố một lần để có một mùa xuân trọn vẹn.
Những ngày đầu năm mới, chúng tôi có dịp đến thăm xóm Gò (xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP. HCM) vào ngày cuối năm, chứng kiến cảnh hào hứng đón Tết của bọn trẻ nơi "ốc đảo" mà cảm thấy nao lòng.
Trẻ em quây quần cùng gia đình bên nồi thịt kho
Dọc theo con đường mòn sâu hun hút, chỉ vừa đủ cho một xe máy dẫn lối vào xóm "ốc đảo". Khung cảnh ngày Tết nơi đây không khác gì ngày bình thường, vẫn cô quạnh, đìu hiu vì cây cỏ mọc um tùm bên sông nước. Cách vài trăm mét mới thấp thoáng một ngôi nhà tranh hiện ra. Đứng nép mình trước cửa nhà là những đứa trẻ con với ánh mắt buồn nhìn ra bên ngoài mỗi khi có tiếng xe máy chạy ngang qua.
Đang đứng trước nhà cùng bà ngoại, bé Su (tên thường gọi, 5 tuổi) trong bộ quần áo mới nói vọng ra: "Có khách đến nhà chơi kìa ngoại, các chú đến chúc Tết hả ngoại?". Câu nói hồn nhiên của đứa trẻ khiến bà Trần Thị Hôn (57 tuổi, bà ngoại bé Su, xóm Gò) cười và xoa đầu cháu. Chúng tôi cũng cười theo vì có ai cũng hiểu được niềm háo hức một cái Tết ấm no và hạnh phúc bên gia đình của bé Su.
Bà Hôn chia sẻ: "Cháu háo hức lắm, ngày nào cũng nhắc Tết. Hỏi cháu sao lại mong Tết thế? Cháu bảo: "Tết được cha mẹ lì xì, được ăn ngon, mặc đẹp nên lúc nào con cũng mong đến Tết thật nhanh". Lúc đó tôi chỉ cười và thầm mong năm nay cả nhà đón Tết được sung túc hơn".
Theo bà Hôn, cuộc sống ở khu vực này quá biệt lập với bên ngoài nên khó khăn trăm bề. Quanh năm phụ thuộc vào ruộng bồn bồn cũng chỉ đủ trang trải hàng ngày. Con rể và con gái bà Hôn phải ra phố làm phụ hồ để kiếm tiền nuôi con ăn học. Một mình bà ở nhà chăm sóc cháu, đưa cháu ngoại đi học rồi về nhà chứ chẳng thể đi đâu được.
Bà Hôn cho biết, vùng đất này cây cối um tùm nên cũng chẳng dám cho cháu ngoại đi chơi đâu xa, chỉ quanh quẩn ở nhà. Khoảng vài tháng khi cha mẹ đi làm về thăm nhà mới đưa bé ra đường lộ chơi.
Hỏi thăm hai bà cháu mấy ngày qua đã chuẩn bị Tết thế nào? Bà Hôn nở nụ cười hiền: "Chỉ ra chợ mua ít thịt về kho và làm con gà ở nhà nuôi là đủ cho 3 ngày Tết rồi. Ở đây mà, ít ai ra vào nên buồn lắm, chỉ hàng xóm qua lại chúc tết rồi về nhà quây quần với con cháu bên mâm cơm".
Còn bé Su, khi hỏi năm nay định ăn Tết như thế nào thì bé hồn nhiên chia sẻ: "Ngày Tết con thích nhất nồi thịt kho của bà ngoại vì bà nấu ngon lắm, ăn là ghiền. Con mong sao Tết năm nào cũng được ở bên cha mẹ thật lâu vì chơi với con được vài ngày thì cha mẹ lại lên thành phố làm việc. Con ước chỉ có vậy trong dịp năm mới".
Ước mơ ra phố đón Tết
Ngày Tết của những đứa trẻ thật đơn giản nhưng ấm áp vô cùng vì chỉ mong được sum vầy bên cha mẹ sau một năm không gặp nhau nhiều vì đi làm ăn xa. Bọn trẻ ước quây quần bên nồi thịt kho của gia đình là đủ ấm no cho 3 ngày Tết, chứ chẳng mong điều gì lớn lao.
Những đứa trẻ ấy cũng mong được cùng gia đình ra phố đón Tết để biết không khí nơi thành thị như trong trí tưởng tượng của mình. Quanh năm sống nơi "ốc đảo" được ra phố trong dịp đầu năm mới sẽ giúp cho bọn trẻ có một cái Tết trọn vẹn hơn.
Tiếp tục men theo con đường mòn vào sâu trong xóm Gò, chúng tôi bắt gặp hai bà cháu trên con thuyền cùng với chú chó.
Bé gái là bé Hai (tên thường gọi, 4 tuổi) đang cùng bà nội lên thuyền, chuẩn bị đi thăm ruộng bồn bồn. Bà Nguyễn Thị Bay (67 tuổi, bà nội bé Hai) cho biết, do không còn ai ở nhà nên đưa cháu và chú chó đi cùng ra thăm ruộng.
Giống như bé Su nhà bà Hôn, bé Hai cũng chỉ sống với ông bà vì cha mẹ đi làm ăn xa trên thành phố.
Gặp người lạ, lúc đầu cháu bé tỏ ra rụt rè đến khi chúng tôi hỏi thăm về việc ăn Tết cháu mới mỉm cười và dạn dĩ hơn. Ôm chú chó cưng, bé gái chia sẻ: "Mọi năm con thường ở nhà đón Tết mà không được đi đâu. Con mong đêm giao thừa ba mẹ về sớm đưa con với bạn (chú chó) đi đón giao thừa. Sang năm mới, con cũng mong cha mẹ được may mắn, làm được nhiều tiền để dẫn con ra phố mua thật nhiều đồ chơi".
Nở nụ cười hiền, bà Bay cho biết: "Cháu yêu chó lắm, đi đâu cũng dẫn đi, quấn quýt với nhau suốt ngày như hai người bạn. Cha mẹ cháu đi làm ăn xa, mọi năm cận Tết mới về lo cho nó. Tội nghiệp lắm, thích ra thành phố chơi nhưng năm ngoái chưa đi được nên Tết này muốn được cha mẹ đưa ra đó chơi".
Theo bà Bay, cuộc sống của những đứa trẻ nơi đây khá buồn tẻ, quanh năm quanh quẩn trong nhà nên dịp Tết đến xuân sẽ nhà nào có con trẻ cũng cố gắng đưa các cháu ra phố chơi cho biết thành thị.
Được biết, hiện cả xóm Gò có chưa tới 100 hộ dân nằm rải rác trên vùng đất khoảng 300ha ven những con rạch nối với sông Sài Gòn. Do biệt lập với bên ngoài nên khung cảnh nơi đây khá bình yên với những con rạch, ao hồ trải dài một màu xanh ngắt của giống cây bồn bồn. Đây là loại rau sạch thích hợp với vùng sông nước, được người dân trồng để kiếm thu nhập.
"Ở đây chỉ trông vào đánh bắt thủy sản và trồng bồn bồn, nhưng năm nay ô nhiễm dẫn đến tôm cá thất thu, chỉ còn trông vào rau bồn bồn. Tuy nhiên, giá bồn bồn đang rớt xuống thấp khiến chúng tôi lo lắm", một hộ dân xóm Gòn đang thu hoạch bồn bồn chia sẻ.
Ngày Tết, không khí ở xóm Gò vẫn lặng lẽ như ngày thường. Nhịp sống của người dân nơi đây quá đỗi đơn giản. Cả gia đình đón Tết bên nồi thịt kho, hàng xóm qua lại chúc tụng nhau ly rượu cũng đủ ấm áp dịp đầu năm. Bọn trẻ thơ ngây vui đùa trước sân nhà, quây quần cùng ông bà, cha mẹ, cũng vơi đi phần nào sự thiệt thòi khi đón Tết trên "ốc đảo" độc nhất Sài Gòn.