Những điều nhất định phải "nhịn" trong mùa dịch bệnh Covid-19: Không học được chữ nhẫn, bạn không chỉ hại bản thân, gia đình, mà còn là "tội đồ" của xã hội

23/03/2020 14:09 PM | Sống

Nhẫn nhịn cho hôm nay chính là giải cứu tương lai ngày mai của bạn. Đừng vì một phút nhất thời ham vui mà khiến người thân khốn đốn, cộng đồng lao đao trong mùa dịch Covid-19 lần này.

Ngày 22.3, Bộ Y tế Việt Nam thông báo thêm 19 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca mắc lên 113; trong đó có 17 bệnh nhân đã được điều trị khỏi. Trong số những ca mới phát sinh, có không ít trường hợp có lịch trình tương đối phức tạp.

Chẳng hạn như bệnh nhân Covid-19 thứ 100 sống ở TP. Hồ Chí Minh đã di chuyển từ Kuala Lumpur (Malaysia) về Việt Nam ngày 3/3. Sau đó, theo đúng hướng dẫn tự cách ly, bệnh nhân phải thực hiện tự cách ly tại nhà trong tối thiểu 14 ngày tiếp theo. Nhưng từ ngày 4 - 17/3, bệnh nhân vẫn tiếp tục đi lễ 5 lần/ngày tại một Thánh đường Hồi giáo ở TP. Hồ Chí Minh. Đến ngày 18/3, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm thì mới phát hiện dương tính, được đưa vào cách ly tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM. 

Sau 2 tuần tới mới là “thời điểm an toàn” của Việt Nam, khi hầu hết các trường hợp nhập cảnh trước đó đã hết thời gian ủ bệnh, đặc biệt là những người nhập cảnh từ châu Âu và Đông Nam Á (hiện cũng đã trở thành khu vực dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, đặc biệt ở Malaysia).

Do đó, tại thời điểm này, tính hiệu quả của công tác kiểm soát dịch bệnh có cao hay không, các ca bệnh có thể hạ xuống dần sau 2 tuần này hay không, sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, và quan trọng nhất là cả sự hợp tác của người dân.

 Những điều nhất định phải nhịn trong mùa dịch bệnh Covid-19: Không học được chữ nhẫn, bạn không chỉ hại bản thân, gia đình, mà còn là tội đồ của xã hội  - Ảnh 1.

Thủ tướng đã khuyến cáo người dân thay đổi mạnh mẽ các thói quen: tăng cường giao dịch trực tuyến, hạn chế tập trung đông người, đeo khẩu trang tại nơi công cộng; hạn chế ra đường, hạn chế tối đa việc tập trung đông trên 50 người tại các đám cưới, đám hiếu; tạm thời đóng cửa các cơ sở dịch vụ giải trí như karaoke, mát xa; vận động các tổ chức tôn giáo tu hành tại gia, không tiến hành các nghi lễ tập trung đông người.

Thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, khẩu hiệu “Đứng yên là yêu nước” đang được lan truyền rất mạnh mẽ trong cộng đồng thời gian gần đây. Tất cả đều nhằm một mục đích, đó là: Bảo vệ bản thân vì chính sức khỏe của cả cộng đồng.

Muốn làm được điều đó, bắt buộc mỗi cá nhân chúng ta phải tập thay đổi rất nhiều thói quen sinh hoạt của bản thân để thích ứng với hoàn cảnh “chống dịch như chống giặc” mùa Covid-19. Có những điều tưởng chừng như rất bình thường nhưng giờ bắt buộc phải "nhịn". 

1. "Nhịn" đến nơi đông người, khu vui chơi 

Vì thời gian ủ bệnh của virus kéo dài rất lâu, thậm chí lên tới 20 ngày như một số trường hợp gần đây ghi nhận, trước đó, bệnh nhân vẫn khỏe mạnh và hoàn toàn không có bất cứ triệu chứng gì bất thường, nên chúng ta rất khó có thể tự xác định bằng cảm quan thông thường rằng ai bị bệnh. 

Nếu không có việc cấp thiết, chúng ta không nên đến chỗ đông người. Việc tụ tập xếp hàng, chen lấn trong các siêu thị để mua đồ cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm và rủi ro. Không ai có thể đoán trước được rằng, người đứng bên cạnh có khả năng lan truyền virus hay không. 

Tuy hạn chế đi lại, tụ tập nơi đông người sẽ khiến cuộc sống thường nhật trở nên bất tiện hơn hẳn, nhưng đây là biện pháp an toàn nhất mà chúng ta có thể làm để tự bảo vệ bản thân.

Nếu có công việc bắt buộc phải ra đường, hãy luôn chú ý đeo khẩu trang để che chắn các bộ phận thuộc hệ hô hấp của mình như mũi, miệng..., giảm thiểu cơ hội virus lọt vào đường hô hấp rồi gây bệnh. Trước và sau khi ra đường nên rửa tay với xà phòng, đảm bảo vệ sinh dịch tễ, hạn chế lan truyền virus.

2. "Nhịn" đi du lịch tại thời điểm này

Mới đây, đã có trường hợp một bệnh nhân ở Hà Nội dương tính với virus Corona sau một chuyến du lịch, cũng có một số ca mắc bệnh sau hành trình tới Malaysia để tham dự lễ hội tôn giáo. Qua đó, có thể thấy rằng, những địa điểm du lịch, lễ hội tụ tập hàng nghìn người từ khắp nơi trên thế giới đổ về là vùng đặc biệt nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cực kỳ cao. 

Tuy hủy phòng, hủy tour và từ bỏ các chuyến đi có thể đem lại thiệt hại về kinh tế cũng như một số tổn thất tinh thần cho bản thân hành khách đó nhưng sức khỏe vẫn nên là ưu tiên số một của mỗi chúng ta. Đừng lấy sức khỏe ra để đánh cược với tâm lý cầu may: “Chắc virus nó chừa mình ra”.

Nếu không khẩn cấp, các địa phương cũng đã nhận chỉ thị từ chính phủ sẽ không tổ chức các sự kiện đông người, kể cả lễ hội không cần đi du xuân để hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh.

3. Không nên tổ chức đám cưới, tiệc tùng sinh nhật linh đình

Đám cưới nên là ngày vui, bắt khách đến dự trong lo âu, dè chừng đã bớt phần ý nghĩa. Vì thế, rất nhiều đám cưới đáng lẽ sẽ diễn ra trong thời gian gần đây đã chủ động thông báo hoãn tiệc cưới, dù thiệp mời quan khách đã phát hết gần xa. Hoa hậu Ngọc Hân dự định tổ chức lễ cưới vào tháng 3 nhưng sau đó quyết định lùi ngày để đảm bảo an toàn sức khỏe cho mọi người. 

Thời điểm dịch bệnh bùng phát, việc mời khách đến dự lễ cưới xin, sinh nhật là rất khó xử vì ai cũng muốn hạn chế tụ tập nơi đông người, nhất là hoạt động ăn uống, khách mời tứ xứ hội họp, nguy cơ mất kiểm soát sẽ gia tăng rất cao.

4. Hạn chế dịch chuyển khỏi địa điểm cư trú 

Hiện nay, con đường hàng không đã là nguy cơ tiềm ẩn khả năng bùng phát dịch cao nhất. Những người di chuyển cùng chuyến bay với bệnh nhân dương tính Covid-19 cũng sẽ được cách ly tập trung để theo dõi nghiêm ngặt.

Không chỉ máy bay, các phương tiện giao thông công cộng khác như xe khách, xe buýt, tàu hỏa… cũng tiềm ẩn rủi ro lớn không kém. Trong điều kiện không gian kín, tiếp xúc gần với một nhóm người liên tục nhiều giờ đồng hồ, khả năng lây nhiễm virus là rất cao. 

Vì thế, cách tốt nhất bảo vệ bản thân ở thời điểm hiện tại không phải là di chuyển khỏi vùng dịch để trốn virus, mà hãy bình tĩnh ở yên một chỗ, tránh dịch chuyển liên tục, tiếp xúc với đông người để bảo vệ bản thân cũng như gia đình và xã hội.

Chỉ cần một người nhiễm virus Corona, hàng chục người tiếp xúc gần sẽ phải gánh chịu rủi ro cực cao, hàng trăm người khác cũng trở thành đối tượng bị cách ly theo dõi, trong đó có gia đình, họ hàng người thân, bạn bè, đồng nghiệp thân thiết của bạn. Do đó, hãy học được chữ “Nhẫn”, không chỉ cho chính mình, mà còn cho cả cộng đồng xã hội xung quanh.

Theo Phương Thuý

Cùng chuyên mục
XEM