Những điều cần biết về 'crowdfunding' - hình thức Đào Chi Anh đang dùng để huy động vốn
Khi có một ý tưởng hay nhưng không muốn hoặc không thể gọi vốn từ các quỹ đầu tư hay vay thế chấp tại ngân hàng, crowdfunding trở thành "cứu cánh" cho các startup.
Mới đây, trên trang cá nhân, cựu CEO The KAfe Đào Chi Anh cho biết cô đang huy động vốn dưới hình thức crowdfunding (gọi vốn cộng đồng) trên nền tảng GoFundMe với mục tiêu “mang The KAfe trở lại”.
Trên thực tế, hình thức gọi vốn này đã được nhiều startup trên thế giới sử dụng và trở thành nền tảng giúp họ thành công. Tuy nhiên, với một số người, khái niệm gọi vốn cộng đồng vẫn còn khá xa lạ.
Crowdfunding là gì?
Gọi vốn cộng đồng là một hình thức gây quỹ tập thể trong đó mỗi người đóng góp một số tiền nhỏ, thường là thông qua Internet, để hỗ trợ cho các dự án hoặc sáng kiến do người/tổ chức khác khởi xướng.
Có nhiều hình thức crowdfunding khác nhau nhưng phổ biến là rewards based - nhận quà tri ân (nhà đầu tư nhận một phần quà tương ứng với giá trị đóng góp); equity based - đóng góp cổ phần (nhà đầu tư nhận một phần vốn nhỏ của công ty); lending based - cho vay (người đóng góp thu lại khoản tiền gốc kèm theo tiền lãi) và donation based – tài trợ (nhà đầu tư khi tài trợ thường không yêu cầu nhận lại quà tri ân, cổ phần hay lợi nhuận).
Với dự án "The new KAfe" của Đào Chi Anh, những người góp vốn sẽ là những người đầu tiên được mời đến ăn khi khai trương nhà hàng với voucher tương ứng mức đầu tư.
Các nền tảng crowdfunding
Trên thế giới có rất nhiều nền tảng gọi vốn cộng đồng, trong đó lớn nhất là GoFundMe của Mỹ với tổng số tiền giúp huy động được từ khi ra đời vào năm 2010 lên đến hơn 5 tỷ USD. Tiếp theo là Kickstarter với khoảng 3 tỷ USD; Indegogo 1,5 tỷ USD...
Trong khi GoFundMe, YouCaring hay Crowdrise cho phép chủ dự án nhận về số tiền huy động được bất kể có đạt con số mục tiêu hay không, Kickstarter áp dụng chiến lược "Được ăn cả, ngã về không". Điều đó có nghĩa chỉ khi huy động thành công, chủ dự án mới được nhận tiền. Nếu không đạt được số vốn mục tiêu, tiền sẽ được trả về cho các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, một số nền tảng quy định thời gian cụ thể để gọi vốn (có thể trong 30-60 ngày), cũng có những trang không giới hạn điều này.
Tại Việt Nam hiện có một số nền tảng hoạt động trong lĩnh vực crowdfunding như Fundstart, Fundme.vn, Betado, Comicola, FundingVN…
Misfit, công ty do vợ chồng Sonny Vũ và Lê Diệp Kiều Trang đồng sáng lập là một ví dụ về startup gặt hái thành công nhờ crowdfunding. Năm 2012, công ty giới thiệu Misfit Shine - thiết bị thông minh đeo trên người để theo dõi, đo đạc các chỉ số sức khỏe - lên website Indegogo để gọi vốn. Chưa đầy 10 giờ đồng hồ sau khi được đăng tải, dự án đã đạt được con số mục tiêu đề ra là 100.000 USD. Kết thúc thời gian, Misfit Shine thu hút được nguồn vốn lên đến 846.000 USD với gần 8.000 người tham gia tài trợ.
Một số nền tảng gọi vốn cộng đồng trên thế giới. Ảnh: Cutting Edge Capital.
Chi phí
Mỗi nền tảng crowdfunding có quy định riêng về mức phí mà startup phải trả khi tham gia gọi vốn. Kickstarter sẽ lấy 5% phí trong tổng số tiền huy động thành công, bên cạnh các phí giao dịch thanh toán khác. Nếu không đạt được số tiền đưa ra ban đầu thì chủ dự án không mất phí.
Với nền tảng Fundstart của Việt Nam, sau khi dự án được phê duyệt và ký hợp đồng, chủ dự án sẽ đặt một khoản đặt cọc 2 triệu đồng. Khi chiến dịch kết thúc, Fundstart sẽ hoàn tiền đặt cọc sau khi trừ các khoản phí quy định trong hợp đồng (nếu có).
Nếu dự án kêu gọi vốn cộng đồng thành công, Fundstart tính phí dịch vụ 4,5% -8% tổng giá trị huy động được và phí giao dịch ngân hàng. Nếu thất bại, chủ dự án chỉ phải chịu phí giao dịch và tài khoản ngân hàng, không mất phí dịch vụ từ Fundstart. Nếu không thực hiện dự án, hay không thực hiện nghĩa vụ đã cam kết, chủ dự án phải bồi thường tiền và chi phí cho Fundstart cũng như người ủng hộ theo hợp đồng đã ký kết.
Lợi ích khi gọi vốn cộng đồng
So với việc huy động vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc vay ngân hàng, gọi vốn cộng đồng dễ dàng thực hiện và ít rủi ro hơn vì hình thức này cho phép một số lượng lớn các nhà đầu tư tham gia, mỗi người chỉ bỏ ra một số tiền nhỏ.
Đây cũng là cơ hội tốt để các startup tiến hành khảo sát và nghiên cứu thị trường. Cộng đồng crowdfunding sẽ giúp bạn đánh giá nhu cầu cho sản phẩm hay dịch vụ công ty bạn cung cấp. Một ý tưởng tốt nhưng không được sự đón nhận thì đó là dấu hiệu cho thấy thị trường không có nhu cầu về sản phẩm hay dịch vụ này và ngược lại.
Misfit từng gọi vốn thành cộng đồng thành công trên Indiegogo. Ảnh chụp màn hình.
Bên cạnh đó, chính những người tham gia góp vốn sẽ trở thành nhà tiếp thị miễn phí cho sản phẩm của bạn và có thể trở thành khách hàng tiềm năng trong tương lai. Bởi khi họ sẵn sàng bỏ tiền đầu tư nghĩa là họ đã có niềm tin nhất định vào dự án bạn đang thực hiện.
Rủi ro
Trước khi quyết định rót vốn, các quỹ đầu tư thường thẩm định chi tiết và kỹ lưỡng về startup. Qúa trình thẩm định này có thể kéo dài đến vài tháng. Tuy nhiên với những nhà đầu tư crowdfunding, họ không có nhiều cơ hội và kinh nghiệm để đánh giá về dự án, nên có thể rót vốn vào những startup lừa đảo. iBackPack, dự án ba-lô thông minh “tất cả trong một” là ví dụ điển hình.
Thoạt nhìn, iBackPack dễ dàng thuyết phục những nhà đầu tư trên Indiegogo với hình ảnh, video và những thiết kế cực kỳ chuyên nghiệp. Sản phẩm này được giới thiệu là một ba-lô hữu dụng cho những người xài di động thường xuyên với tính năng sạc pin, phát wifi, loa ngoài, thậm chí còn tích hợp một ứng dụng thông minh để theo dõi và một bộ định vị riêng, cộng thêm không gian rộng rãi và khoa học.
Dự án ba-lô thông minh iBackPack là một "cú lừa" với các nhà đầu tư. Ảnh: iBackPack.
Với nội dung hấp dẫn như vậy, iBackPack ngay lập tức kêu gọi gần 800.000 USD chỉ trong vài tháng. Nhưng chỉ vài tuần sau khi gọi vốn thành công, iBackPack bỗng dưng biến mất. Các đoạn video giới thiệu trên YouTube bị gỡ bỏ. Người đại diện dự án thì lấy lý do không tìm được pin đủ tốt, còn các nhà đầu tư thì ngán ngẩm và tiếc nuối.
Hiện nay, các nền tảng gọi vốn cộng đồng đã đưa ra những quy định chặt chẽ để bảo vệ nhà đầu tư, thậm chí hoàn tiền nếu các chủ dự án lừa đảo. Tuy nhiên, ngay cả khi những chủ dự án hoàn toàn trung thực, ý tưởng hay vẫn không đảm bảo sản phẩm của startup có thể thành công như mong đợi.
Với những người gọi vốn, khi bạn công khai một dự án và kêu gọi crowdfunding, ý tưởng hay sáng tạo của bạn rất dễ bị sao chép, thậm chí một sản phẩm tương tự có thể ra đời trước khi bạn hoàn thành việc gọi vốn.