Những 'đại gia sầu riêng' mới nổi ở ĐNÁ: Nông dân vác bao tải tiền đi mua xe sang, đến chuyên gia viết code cũng bỏ nghề về quê trồng sầu, tạo nên đế chế triệu USD
"Đừng bao giờ đánh giá con người qua vẻ bề ngoài. Những người nông dân ăn mặc lôi thôi với đôi tay chai sạn này vác tiền mặt đi mua xe đấy", nhân viên bán xe Abhisit Meechai của MG Vehicle nói về những khách hàng là nông dân trồng sầu riêng ở ĐNÁ.
Bỏ nghề viết code đi trồng sầu riêng
Anh Eric Chan từng là một chuyên gia viết code cách đây 15 năm cho mảng vệ tinh và robot. Tuy nhiên mức lương cao của ngành này chẳng giữ được người đàn ông Malaysia bỏ về quê trồng sầu riêng. Khi đó bạn bè và thậm chí là gia đình anh Chan từng bất ngờ về quyết định này khi từ bỏ cơ hội nghề nghiệp thu nhập cao để trở về làm công việc bị coi là bình dân.
Sự nghi ngờ của mọi người là dễ hiểu khi nghề trồng sầu riêng rất vất vả mà thị trường lại không tiềm năng. Tại thời điểm đó, nông sản của anh Chan chỉ có thể bày bán trên những chiếc xe tải bán rong lề đường.
Thế rồi khi người dân Trung Quốc bắt đầu ưa chuộng sầu riêng, mọi chuyện đã thay đổi cực kỳ nhanh chóng, biến không chỉ anh Chan mà còn vô số người nông dân Đông Nam Á (ĐNÁ) trở thành đại gia sau một đêm.
Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng từ ĐNÁ vào Trung Quốc đạt 6,7 tỷ USD, tăng gấp 12 lần so với 550 triệu USD năm 2017.
Số liệu của Liên Hiệp Quốc (UN) cho thấy thị trường Trung Quốc mua hầu hết sản lượng sầu riêng xuất khẩu của thế giới. Những nước xuất khẩu sầu riêng nhiều nhất cho đến hiện nay đều nằm ở ĐNÁ, bao gồm Thái Lan, Malaysia và Việt Nam.
Quay trở lại với anh Chan, người đàn ông này cùng vô số nông dân sầu riêng khác ở ĐNÁ đã thành tỷ phú khi hàng loạt doanh nghiệp nông sản bắt đầu niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Nhà đầu tư cũng nhận ra tiềm năng của ngành nên rót vốn vào những cổ phiếu này, trong khi nhiều công ty Trung Quốc cũng đổ về ĐNÁ để đầu tư mở nhà máy.
Cách đây 7 năm, nhà khởi nghiệp Chan đã bán phần lớn startup của mình, vốn chuyên kinh doanh các sản phẩm sầu riêng, từ bánh kẹo cho đến kem vị sầu riêng, cho một doanh nghiệp khác với giá 4,5 triệu USD, tương đương 115 tỷ đồng, cao gấp 50 lần tổng giá trị đầu tư ban đầu.
"Tất cả mọi người đang kiếm được nhiều tiền từ sầu riêng. Nông dân trồng sầu riêng giờ đã có tiền xây nhà mới hay thậm chí là cho con cái đi du học nước ngoài", anh Chan nói khi đứng trên một cánh đồng sầu riêng ở Raub-Malaysia.
Điên cuồng
Tờ New York Times (NYT) cho hay sức tiêu thụ của 1,4 tỷ người dân Trung Quốc đang tạo nên cả một thế hệ đại gia sầu riêng tại ĐNÁ. Dù nền kinh tế này đang gặp nhiều khó khăn nhưng nhu cầu của Trung Quốc thừa sức tác động mạnh đến ngành nông sản ĐNÁ.
"Đừng bao giờ đánh giá con người qua vẻ bề ngoài. Những người nông dân ăn mặc lôi thôi với đôi tay chai sạn này vác tiền mặt đi mua xe đấy", nhân viên bán xe Abhisit Meechai của MG Vehicle nói về những khách hàng là nông dân trồng sầu riêng ở ĐNÁ.
Tại Việt Nam, nhiều nông dân đã chuyển từ trồng cà phê sang sầu riêng, trong khi diện tích nông sản này tại Thái Lan đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua.
Tại Malaysia, nhiều khu rừng hoang đã được khai khẩn để trồng sầu riêng nhằm đáp ứng nhu cầu tăng mạnh từ Trung Quốc.
"Tôi cho rằng sầu riêng sẽ là cơn sốt mới giúp bùng nổ kinh tế cho Malaysia", Bộ trưởng nông nghiệp Mohamad Sabu của nước này nói.
Thậm chí cơn sốt sầu riêng còn khiến nạn trộm nông sản tăng mạnh, buộc nhiều trang trại phải rào thép gai và lắp camera an ninh bảo vệ.
"Hành vi trộm cắp sẽ bị truy tố", một biển báo ngoài trang trại sầu riêng ở Raub-Malaysia ghi rõ.
Không riêng gì các doanh nghiệp ĐNÁ, nhiều nhà đầu tư Trung Quốc cũng đổ tiền vào đây trước cơn sốt sầu riêng, chủ yếu là xây nhà máy, đảm bảo hậu cần cũng như nguồn cung cho thị trường.
Chuyên gia Aat Pisanwanich tại Thái Lan nói với NYT rằng người Trung Quốc hiện kiểm soát đến 70% mảng bán buôn và hậu cần sầu riêng ở nước này.
Vào tháng 5/2024 trong một cuộc hội thảo, vị chuyên gia này thậm chí cảnh báo các thương lái bán buôn nội địa có thể biến mất trong tương lai gần trước sức mạnh từ nhà đầu tư Trung Quốc.
Tùy thuộc vào chủng loại và giá bán lẻ sầu riêng dao động từ 10 USD đến vài trăm USD mỗi kg. Trong 10 năm qua, giá mặt hàng này đã tăng 15 lần vì cung không đủ cầu, khiến nông dân ĐNÁ như "bắt được vàng" khi kiếm ra tiền nhờ loại nông sản phổ biến có thể trồng ngay tại sân vườn.
Vì sầu riêng có mùi khá nồng nên tại Malaysia, người bán thường đông lạnh sản phẩm rồi mới xuất khẩu sang Trung Quốc. Thế nhưng nông dân Thái Lan còn cải tiến hơn khi bán trực tiếp sầu riêng tươi bằng cách sử dụng những container chuyên dụng có máy lạnh.
Hàng ngày có khoảng 1.000 container chuyên dụng chở sầu riêng tụ tập tại tỉnh Chanthaburi của Thái Lan để chờ xuất khẩu sang Trung Quốc, gây ùn tắc giao thông trên tuyến đường vào thủ đô Bangkok. Một số container đi bằng đường biển, trong khi số khác sử dụng tuyến đường tàu cao tốc nối sang Trung Quốc.
Trước đây ở tỉnh Chanthaburi chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp đóng gói sầu riêng thì con số này hiện nay đã là 600, qua đó cho thấy sự bùng nổ của mảng kinh doanh này.
Trên khắp tỉnh Chanthaburi, sự bùng nổ sầu riêng có thể nhận thấy qua đà tăng trưởng kinh tế với hàng loạt ngôi nhà xây mới, bệnh viện, trung tâm thương mại mới.
"Nếu bạn từ một nơi khác đến Chanthaburi thì bạn sẽ nhận ra nông dân trồng sầu riêng ở đây rất giàu có", anh Abhisit Meechai của MG Vehicle nói.
*Nguồn: NYT