Những công ty có văn hóa doanh nghiệp ấn tượng nhất trên thế giới (P2)
Văn hóa danh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng cho sự phát triển của công ty. Đây là kênh truyền thông thương hiệu vô cùng hiệu quả, là tài sản vô hình mà doanh nghiệp có được. Dưới đây là những doanh nghiệp có văn hóa ấn tượng nhất trên thế giới.
6. SquareSpace – Công ty cung cấp giải pháp về website cho doanh nghiệp
SquareSpace tổ chức nhân sự "phẳng" – nơi không có (hoặc có rất ít) các cấp bậc quản lý giữa những người điều hành và nhân viên. Cách tổ chức như thế này thường rất phổ biến trong các công ty startup, nhưng lại rất mạo hiểm khi áp dụng vào các công ty có quy mô lớn với nhiều phòng ban phức tạp.
SquareSpace được xem là một trong những nơi làm việc tốt nhất ở thành phố New York (Mỹ)
SquareSpace cho phép nhân viên được hưởng rất nhiều đặc quyền. Họ được tài trợ trọn gói bảo hiểm cao cấp, được hưởng chế độ nghỉ phép linh hoạt, có một không gian làm việc chuyên nghiệp và thoải mái với các khu vực dành riêng cho giải trí, thư giãn, những bữa ăn nhẹ được phục vụ tận nơi và cả khu bếp riêng dành cho nhân viên. Bên cạnh đó, họ còn được tham gia các bữa tiệc, các sự kiện lễ hội hàng tháng và các chương trình đào tạo định kì đến từ các vị khách mời danh tiếng.
Những lợi ích "dày cộp" như vậy đóng góp rất nhiều trong việc giúp các nhân viên yêu thích môi trường làm việc của mình, nhưng đó không phải là yếu tố cốt lõi. Chính cách quan tâm thực tế và sâu sát từ những người quản lý của công ty mới là lí do khiến nhân viên gắn bó không rời.
Nhân viên sẽ chỉ cảm thấy được lắng nghe khi họ không bị áp lực từ quá nhiều các tầng lớp quản trị phía trên. Trao quyền nhiều cho nhân viên và tạo ra một môi trường làm việc tự do, bình đẳng sẽ khiến nhân viên tự tin và có tinh thần làm việc tốt hơn.
7. Google
Sẽ rất thiếu sót nếu không gọi tên Google trong danh sách những công ty có văn hóa doanh nghiệp tốt nhất trên thế giới.
Nhắc đến Google là nhắc đến một hình mẫu về văn hóa doanh nghiệp. Có rất nhiều quyền lợi thú vị và đặc biệt nổi tiếng dành cho nhân viên trong giới start-up được khởi nguồn từ Google; như những bữa ăn miễn phí, các bữa tiệc linh đình, những phần thưởng giá trị bằng hiện kim và hiện vật, những buổi thuyết trình chia sẻ của ban điều hành cấp cao, thậm chí là cả văn phòng làm việc cho phép nhân viên mang thú cưng đến cùng. Những nhân viên của Google thường là những người có tính cách độc lập và tài năng, có thể nói họ là những người giỏi nhất trong những người giỏi.
Hiện nay, Google đang ngày càng lớn mạnh, công ty đã gia tăng số lượng nhân sự và mở rộng văn phòng của mình ra khắp thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc càng ngày càng khó để thống nhất một kiểu văn hóa giữa trụ sở, các chi nhánh văn phòng của công ty và giữa các phòng ban trong công ty. Khi công ty càng lớn mạnh, văn hóa của công ty cũng sẽ phải phát triển hơn, sáng tạo hơn để phù hợp với nhu cầu của đội ngũ nhân viên và cả ban quản trị.
Mặc dù những chế độ chăm sóc nhân sự của Google luôn nhận được rất nhiều lời ca tụng, vẫn có những nhân viên từng lên tiếng về những mặt hạn chế khi phải làm việc trong một công ty "khủng" với sự cạnh tranh gay gắt như Google. Việc tụ họp nhiều người giỏi vào cùng một nơi và yêu cầu họ làm việc tối đa năng suất có thể sẽ tạo áp lực rất lớn cho nhân viên, đặc biệt là khi công ty không tạo điều kiện để nhân viên cân bằng giữa công việc và đời sống cá nhân.
Kể cả những công ty có văn hóa tốt nhất cũng phải liên tục nhìn lại mình và cải tiến để phù hợp với sự nâng tầm về cả quy mô và chất lượng của đội ngũ nhân viên. Văn hóa nội bộ ảnh hưởng trực tiếp đến đến hiệu suất làm việc của nhân viên, và đó là yếu tố quyết định đến sự thành công của công ty. Vì vậy, tất cả các công ty khi phát triển đều đòi hỏi phải có sự phát triển song hành của văn hóa nội bộ.
8. REI – RECREATIONAL EQUIPMENT INC. – Công ty phân phối đồ dùng và vật dụng cho hoạt động ngoài trời
REI khẳng định rằng nhân viên chính là nguồn sống, nguồn động lực và là lí do lớn nhất cho sự thành công của công ty
REI trích một phần đáng kể lợi nhuận của mình để cho nhân viên của mình những quyền lợi đặc biệt. Các nhân viên của công ty này chia sẻ rằng ngoài việc công ty tập trung cao độ vào chất lượng của các sản phẩm, công ty còn phấn đấu vì một mục tiêu ý nghĩa hơn. Đó là REI luôn đảm bảo rằng nhân viên và khách hàng của họ sẽ không chỉ được trang bị những dụng cụ và trang phục an toàn để có thể thoải thích vui chơi tận hưởng, mà các vật dụng đó còn phải thân thiện với môi trường.
REI khẳng định rằng nhân viên chính là nguồn sống, nguồn động lực và là lí do lớn nhất cho sự thành công của công ty. CEO của công ty nhận thức rằng nhân viên của công ty nào cũng có những chế độ dành riêng cho mình, nhưng riêng ở REI, điều đặc biệt là nhân viên của công ty được định hướng để tham gia nhiều hoạt động ngoài trời hơn. Họ có thể được trao tặng chính những sản phẩm chất lượng cao mà công ty phân phối trong các cuộc thi nội bộ.
Khi nhân viên cũng đam mê lĩnh vực mà công ty hoạt động, văn hóa của công ty sẽ tự phát triển một cách mạnh mẽ. Đó là nền tảng vững chắc để họ cùng phát triển và hòa nhập vào văn hóa chung của toàn thể công ty.
9. Facebook
Tương tự như Google, Facebook cũng là một công ty nổi tiếng với quy mô về số lượng nhân viên và những nét đặc trưng của văn hóa nội bộ.
Cũng như các công ty khác, Facebook cho nhân viên của mình rất nhiều quyền lợi như cổ phiếu của công ty, đồ ăn miễn phí trong văn phòng, một không gian làm việc thoáng đãng, thoải mái, thậm chí còn có cả khu giặt đồ trong văn phòng. Văn hóa của Facebook tập trung vào các hoạt động nhóm, tạo điều kiện để mọi người được giao tiếp một cách cởi mở. Đây vẫn là một môi trường mang lại cho nhân viên rất nhiều quyền lợi, ủng hộ việc nhân viên được nâng cao trình độ và phát triển cá nhân.
Tuy nhiên, cũng như các công ty khác trong giới startup công nghệ đầy cạnh tranh, Facebook cũng gặp một vấn đề quen thuộc, đó là môi trường làm việc sẽ có những lúc bị cạnh tranh và vô cùng áp lực. Ngoài ra, việc giữ nguyên cách cấu trúc doanh nghiệp một cách thoải mái và tự do thường sẽ mang lại nhiều lợi ích và phù hợp với các startup nhỏ hơn là với một công ty với quy mô khổng lồ như Facebook.
Để giải quyết các vấn đề trên, Facebook đã bố trí rất nhiều các phòng làm việc chung, các phòng họp ở nhiều tòa nhà, thêm vào đó là rất nhiều công viên mở ở các lối đi và các khuôn viên giữa các tòa nhà. Do đó, nhân viên và các lãnh đạo của công ty luôn có nơi để nghỉ giữa giờ hoặc tụ họp sau giờ làm, và các lãnh đạo (kể cả CEO Mark Zuckerberg của Facebook) cũng có thể ngồi làm việc ở các không gian mở bên cạnh những nhân viên bình thường khác. Có thể thấy rằng ở Facebook, cách bố trí về không gian chính là phương pháp mà công ty dùng để nỗ lực củng cố và thể hiện văn hóa làm việc tự do, bình đẳng và không có khoảng cách cấp bậc của mình.
10. Adobe
Bên cạnh việc cũng cung cấp nhiều quyền lợi cho nhân viên của mình như các công ty khác trong lĩnh vực sáng tạo, Adobe còn sở hữu một nếp văn hóa nội bộ rất đặc biệt. Họ hạn chế tối đa các cấp quản lý cấp thấp, đẩy mạnh việc giao phó trách nhiệm cho nhân viên và luôn tin tưởng ở khả năng của nhân viên của mình.
Adobe là một công ty luôn phá cách trong phương pháp làm việc
Những sản phẩm của Adobe luôn gắn liền với sự sáng tạo, và dĩ nhiên, chỉ khi không bị quản lý một cách ngặt nghèo, không có một người sếp kè kè bên cạnh, các nhân viên mới có thể sáng tạo một cách thoải mái được. Ví dụ, Adobe không đánh giá nhân viên dựa trên việc chấm điểm, vì họ cho rằng việc đó ảnh hưởng xấu đến sức sáng tạo và tinh thần đồng đội của các nhân viên. Những người lãnh đạo chỉ đóng vai trò như những huấn luyện viên, họ hướng dẫn để các nhân viên đặt ra những mục tiêu hợp lý cho bản thân và chỉ dẫn ra những cách để cấp dưới của mình có thể đạt được những mục tiêu đó.
Nhân viên của Adobe cũng được công ty đưa ra ưu đãi mua cổ phần của công ty. Điều này khiến nhân viên của Adobe không chỉ cảm nhận được nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, mà còn tạo điều kiện để họ có thể hưởng lợi trực tiếp từ thành công của công ty. Văn hóa cởi mở của Adobe còn thể hiện ở những khóa đào tạo liên tiếp dành cho nhân viên. Hơn nữa, công ty cũng luôn đảm bảo một môi trường tạo điều kiện cho nhân viên sáng tạo mà không phải sợ bị phạt nếu có lúc nào họ "lỡ" sáng tạo một cách chưa hợp lý.
Trong dài hạn, đặt niềm tin vào nhân viên chính là cách hữu hiệu để xây dựng một nếp văn hóa nội bộ tích cực, vì việc được tin tưởng sẽ khiến các nhân viên luôn độc lập và tự tin hơn, từ đó, họ sẽ làm việc tốt hơn và doanh nghiệp chắc chắn sẽ thành công hơn.