Những con số này có đang chứng minh hiện thực về xu hướng dòng vốn Trung Quốc ào ạt dịch chuyển sang Việt Nam?
Trung Quốc đã có sự vươn lên, trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với số vốn lên đến 723,2 triệu USD trong quý I/2019.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) có chỉ ra một điểm đáng lưu ý khi lượng vốn mới đăng ký của nước ngoài đạt mức 3,82 tỷ USD, tăng 80,1% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, xét theo đối tác, Trung Quốc đã vươn lên trở thành nhà đầu tư lớn nhất với số vốn lên đến 723,2 triệu USD (các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản).
"Sự vươn lên của FDI từ Trung Quốc phần nào hiện thực hoá nhận định của chúng tôi trong các báo cáo trước đây về sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư vào Việt Nam nhằm né tránh căng thẳng thuong mại Mỹ - Trung và đón đầu hiệp định CPTPP", ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho biết.
Tuy nhiên, nếu xét theo tổng vốn đăng ký được đưa ra bởi Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT) từ 1/1/2019 đến 20/3/2019, Trung Quốc chưa phải là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Quốc gia này chỉ đứng ở vị trí thứ 4 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư với số vốn đăng ký gần 1 tỷ USD.
Nhưng không thể phủ nhận việc dòng vốn từ Trung Quốc vào Việt Nam vẫn đang trong xu hướng tăng.
Xung đột thương mại Mỹ - Trung và việc kinh tế suy giảm đã khiến Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư sang Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright đưa ra nhận định.
Trong quý 4/2018, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 6,4% so với cùng kỳ năm trước, có sự sụt giảm nhẹ. Đây được cho là mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây khiến cho cả năm 2018 GDP quốc gia này chỉ đạt ,6,6%, thấp nhất trong 28 năm vừa qua.
Cuộc chiến thương mại Mỹ Trung vẫn khiến cho kinh tế của Trung Quốc bị "bào mòn" và có thể giảm xuống còn 6,3% trong năm 2019, theo đánh giá của VEPR.
Do đó, việc tìm một hướng đi mới là điều có thể hiểu được với nền kinh tế hơn 1 tỷ dân này. Các doanh nghiệp của Trung Quốc dường như đang tìm cơ hội mới tại các quốc gia như Việt Nam, vốn có độ mở kinh tế lớn và sở hữu nhiều Hiệp định thương mại tự do có giá trị.
Ngoài CPTPP, các doanh nghiệp Trung Quốc có vẻ đang nhìn vào Hiệp định EVFTA với châu Âu đang chờ được ký và phê chuẩn. Nếu FTA này đi vào có hiệu lực, một thị trường châu Âu với 28 nước thành viên sẽ là cơ hội lớn cho hàng hoá từ Việt Nam, ví dụ như thuế suất đối với hàng vải sợi, da giày từ mức 8% về 0% sau 6 năm thực thi. Hay Quy tắc xuất xứ cũng được đơn giản hoá bằng quy tắc chuyển đổi kép.
Tuy nhiên, theo TS. Phạm Thế Anh, bên cạnh những tích cực mà dòng vốn từ Trung Quốc mang đến như việc làm và tăng trưởng, Việt Nam cũng cần chú ý một số tác rộng rủi ro về môi trường cũng như quản lý lao động nước ngoài.