Những con số này cho thấy, thị trường nhà giá rẻ đang rộng mở với Vingroup

11/01/2017 10:08 AM | Kinh doanh

Theo báo cáo mới nhất của CBRE, nguồn cung ở phân khúc bình dân tại Hà Nội năm 2016 giảm tới 71% so với cùng kỳ năm trước. Lượng mở bán mới của phân khúc này chỉ chiếm 11% và thị trường đang hoàn toàn bỏ ngỏ đối với Vingroup.

Từ đầu tháng 12 vừa qua, thị trường bất động sản xôn xao với thông tin tập đoàn VinGroup quyết định cho ra mắt thương hiệu bất động sản đại chúng VinCity. VinGroup tuyên bố, đây là phân khúc bất động sản có mức giá bình quân chỉ từ 700 triệu đồng và phù hợp với đông đảo khách hàng.

Theo kế hoạch của Vingroup, tập đoàn này sẽ xây và mở bán 200.000 - 300.000 căn chung cư với giá bình quân 700 triệu đồng/căn trong vòng 5 năm tới.

Động thái của Vingroup diễn ra trong bối cảnh thị trường đang tràn ngập sản phẩm trong phân khúc trung và cao cấp, trong khi lại rất thiếu các căn hộ giá bình dân, vốn dĩ là phân khúc có nhu cầu lớn nhất.

Theo báo cáo mới được công bố của CBRE về thị trường bất động sản Hà Nội, phần lớn lượng mở bán trong năm 2016 thuộc phân khúc trung cấp với tỷ lệ 56%, tiếp theo là phân khúc cao cấp 30% và lượng mở bán của phân khúc bình dân chỉ là 11%.

Còn theo báo cáo về thị trường TPHCM, thị phần trung cấp và cao cấp cũng lớn hơn rất nhiều so với bình dân. Năm 2016, tổng số căn mở bán trung cấp chiếm 48% và cao cấp là 30%. Còn lại 22% được chia cho nhà bình dân và nhà hạng sang.

Những con số này cho thấy, lượng cung của phân khúc bình dân hiện nay còn quá thấp so với 2 phân khúc còn lại. Trong khi đó, tại một buổi toạ đàm gần đây, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM cho biết, phân khúc nhà vừa túi tiền mới là phân khúc bền vững và có thanh khoản tốt nhất trên thị trường.

Theo ông Châu, thị trường bất động sản luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó đoán biết trước. Tuy nhiên, ngay cả khi gặp khủng hoảng, có một phân khúc gần như không bị ảnh hưởng, đó là phân khúc nhà bình dân. Khi thị trường khủng hoảng, phân khúc bình dân tuy cũng có giảm sút nhưng vẫn đảm bảo được thanh khoản.

Chính vì vậy, ông Châu cho rằng, sự chuyển hướng của các nhà đầu tư sang phân khúc này là tín hiệu rất tích cực cho thị trường. Khi có những nhà đầu tư lớn tham gia, uy tín và sức hút của phân khúc này sẽ được nâng cao, tính cạnh tranh tăng lên và cả người mua nhà lẫn thị trường chung đều sẽ được hưởng lợi.

Trong khi đó, Tập đoàn Nam Long, một doanh nghiệp chuyên xây dựng nhà ở phân khúc bình dân cho biết, nhu cầu ở phân khúc này hiện nay quá lớn và lượng cung không đủ để đáp ứng. Theo vị Tổng giám đốc Nam Long, nhà công ty làm ra đến đâu bán hết đến đó. Cũng chính vì vậy, sự tham gia của Vingroup không ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp này, do mỗi bên sẽ chỉ chiếm được một phần nhỏ trên miếng bánh thị phần.

Theo số liệu từ CBRE, tại Hà Nội, năm 2016 có hơn 30.000 căn hộ được chào bán mới ra thị trường từ 72 dự án, giảm 13% so với năm ngoái. Điểm đáng chú ý trong năm 2016 là nguồn cung ở phân khúc bình dân lại có sự suy giảm đáng kể lên tới 71% so với cùng kỳ năm ngoái. Do nguồn cung giảm nên giá nhà của phân khúc này tăng khoảng 1,9% trong khi giá nhà tại phân khúc trung và cao cấp giảm 0,7%-2,9%.

CBRE dự báo, nguồn cung trong các năm tới tại phân khúc này dự kiến sẽ tăng mạnh trở lại trước việc các chủ đầu tư lớn đang hướng chú ý tới phân khúc bình dân.

Hà My

Cùng chuyên mục
XEM