Những con đập trên dòng MêKông: Khi một quốc gia không thiếu điện cũng nhảy vào cuộc đua xây đập (P4)
Người ta đã phải đặt câu hỏi: người Thái cần đến điện từ đập Xayaburi làm gì, khi mà Thái Lan không hề thiếu điện. Câu trả lời chính là: Lợi nhuận.
Khi những thông tin về đập Xayaburi được công bố năm 2008 - 2009, hàng loạt người dân sống ở gần khu vực xây đập thủy điện đã biểu tình phản đối, họ thậm chí nộp cả đơn kiện lên tòa án nhưng rồi không được chấp thuận.
Vụ kiện gần đây nhất là vào cuối năm 2015. Sự tuyệt vọng của những người nông dân Thái Lan đã lên đến đỉnh điểm. Đến nỗi, sau khi tòa công bố phán quyết thua kiện, những người nông dân đã vẽ những hình con cá chết ra sàn và nằm vật xuống đó. Bởi họ biết mình đã không còn cứu được dòng sông nữa.
Series bài "Những con đập trên dòng Mê Kông: Cuộc khủng hoảng nước xuyên biên giới" trên CafeBiz:
Đập trên hạ lưu sông Mê Kông: Cuộc khủng hoảng nước xuyên biên giới
Những con đập trên dòng Mê Kông đang cướp đi nguồn sống của hàng triệu người? (P1)
Chạy đua xây đập trên dòng Mê Kông (P2)
Những con đập trên dòng MêKông: Người nghèo phải trả giá cho người giàu (P3)
Năm 2010, chính phủ Lào và Thái Lan cùng hợp tác xây dựng con đập Xayaburi trên sông Mekong.
Dự án được thực hiện bởi Ch. Karnchang, một trong những công ty xây dựng lớn nhất ở Thái Lan và được cấp vốn bởi 6 ngân hàng thương mại Thái Lan, bao gồm ngân hàng thương mại Siam, ngân hàng Kasikorn, ngân hàng Bangkok, ngân hàng Krung Thai, ngân hàng TISCO và ngân hàng xuất nhập khẩu Thái Lan (EXIM).
Công ty điện EGAT của Thái Lan đã đồng ý mua 95% sản lượng điện sản xuất ra từ những con đập.
Vấn đề nằm ở chỗ, dù các chuyên gia năng lượng của Thái Lan đã kết luận: Thái Lan đã có đủ điện để không cần phải mua điện từ nhà máy thủy điện trên đập Xayaburi. Thế nhưng Thái Lan vẫn mua.
Lý do? Họ sẽ kinh doanh nó để kiếm lời cao hơn gấp nhiều lần giá họ mua từ Lào.
Việc xây dựng đập Xayaburi sẽ tác động đến sinh kế của hàng triệu người sống dọc dòng Mekong, trong đó có cả người Lào và người Thái Lan. Các nhà khoa học cảnh báo con đập sẽ cản trở dòng di chuyển của khoảng 23/100 loài cá thường thấy trên sông Mekong, trong đó có cá tra dầu, cá mèo nổi tiếng.
Tệ hại hơn, con đập Xayaburi đã tạo ra 1 tiền lệ xấu cho hoạt động xây đập trên dòng Mekong. Ngay sau dự án đó, như có một sự trùng hợp, 11 con đập khác đã được lên kế hoạch xây dựng ở phía hạ lưu. Đánh giá của Ủy ban Mekong cho thấy, 11 con đập sẽ lấy đi nguồn thực phẩm của hàng triệu người sống ở hạ nguồn.
Năm 1995, 4 nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam đã từng thống nhất về việc bất kỳ kế hoạch xây đập nào cũng sẽ cần phải có sự chấp thuận của 4 nước. Ủy ban Mekong là chứng nhân cho thỏa thuận lịch sử này. 21 năm trôi qua, dường như chẳng nước nào tuân thủ thỏa thuận trên. Họ chỉ làm các dự án đánh tác tác động môi trường trong phạm vi 10km từ nơi xây đập và thậm chí số liệu được công bố ra còn bị “xào nấu”. Vì thế nên, dân thì cứ khổ, còn quan cứ xây đập.
Quỹ bảo vệ thiên nhiên quốc tế từng gọi Mekong là một trong những “nhà máy” sản xuất cá lớn nhất thế giới, sở hữu đến 4/10 loài cá nước ngọt có kích cỡ rất lớn. Ví như loài cá đuối sông Mekong có chiều dài bằng một nửa chiếc xe bus và nặng đến 600kg. Cá tra dầu, loài động vật đã đi vào truyền thuyết của biết bao nhiêu câu chuyện về Mekong, có chiều dài 3 mét và nặng 350kg.
Có lẽ, đến thời con cháu sau này, chúng ta cũng sẽ chỉ biết kể cho chúng nghe về một dòng Mekong từng có thời trù phú và những loài cá đặc trưng trên sẽ trở thành cổ tích.