Những chú gà "cớm nắng" trở thành cứu cánh cho cả nhân loại khi người dân không đủ tiền mua thịt lợn, thịt bò

09/06/2022 19:00 PM | Xã hội

Khi giá thịt lợn và thịt bò tăng mạnh, khiến chúng nằm ngoài tầm với của nhiều hộ gia đình thì thịt gà, vốn được nuôi theo mô hình nhanh, nhiều, tốt, rẻ, lại nổi lên thành nguồn cung cấp protein số 1 thế giới.

Suốt nhiều thế kỷ qua, thịt bò bít tết hoặc thịt thăn lợn vẫn luôn là những món ăn ưa thích hàng đầu khi xã hội ngày càng giàu có và chế độ ăn uống của họ cũng ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, điều này đã không còn nữa. Vào năm 2022, tiêu thụ thịt gà dự kiến đạt 98 triệu tấn, gấp đôi so với lượng tiêu thụ năm 1999.

Con số đó nhanh gấp hơn 3 lần tốc độ tăng trưởng nhu cầu với thịt lợn và 10 lần so với thịt bò. Tiêu thụ thịt gà toàn cầu đang trên đà chiếm 41% tổng lượng thịt được sử dụng vào năm 2030. Và trong vòng chưa đầy một thập kỷ, dù tốt hay xấu, con người cũng sẽ tiêu thụ thịt gà nhiều hơn bất cứ nguồn cấp protein nào khác.

Những chú gà chỉ hai lần nhìn thấy ánh nắng mặt trời

Nhờ tác động di truyền và hàng loạt những đổi mới về khoa học, kỹ thuật, chi phí nuôi gà thịt liên tiếp giảm xuống trong những năm qua. Ngày nay, những con gà chỉ cần 6 tuần từ lúc nở để có thể trở thành gà thịt. Đó là một quá trình thần kỳ mà không loài động vật nào có thể biến thức ăn thành protein như loài gà đã làm.

 Những chú gà cớm nắng trở thành cứu cánh cho cả nhân loại khi người dân không đủ tiền mua thịt lợn, thịt bò  - Ảnh 1.

Tuy nhiên, để làm được điều này, những con gà phải trả một cái giá siêu đắt. Ngay từ khi nở, người ta đã tiến hành quá trình chọn lọc nhằm lựa chọn những con gà mái, vốn có khả năng tăng trưởng nhanh hơn hẳn những con và trống. Những con gà trống bị loại hoàn toàn không có cơ hội sống.

Sau quá trình chọn lọc và nuôi ủ, những con gà mái được vận chuyển bằng xe tải tới trang trại nuôi. Đây là lần đầu tiên trong đời chúng được nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Khi hành trình đó kết thúc, những con gà được nuôi trong trang trại với thiết kế nhằm giúp chúng lớn nhanh nhất có thể. Thức ăn được cung cấp liên tục, ánh sáng không bao giờ tắt khiến chúng ăn ngày ăn đêm. Thậm chí, trọng lượng tăng quá nhanh trong khi cấu trúc xương không theo kịp khiến ngay cả việc đi lại cũng trở thành thách thức với chúng.

Khi gà đã đạt đủ cân nặng, người ta sử dụng những cỗ máy "gặt gà" đưa chúng vào các giỏ chứa. Những con gà gần như chẳng có sự phản kháng. Lần thứ 2 trong đời, chúng được nhìn thấy ánh sáng mặt trời khi được đưa từ nông trại lên xe tải tới nhà máy giết mổ tự động. Vòng đời của những con gà cớm nắng kết thúc trong chưa đầy 2 tháng ngắn ngủi.

Jayson Lusk, một nhà kinh tế nông nghiệp tại Đại học Purdue, cho biết: "Bằng mọi cách, chúng ta nỗ lực tăng trọng lượng thịt và giảm thời gian chăn nuôi những chú gà. Người ta cho rằng sẽ có những giới hạn sinh học với gà nhưng rõ ràng, con người vẫn đang khám phá chúng".

Lạm phát khiến thịt gà lên ngôi

Chuyển dịch tiêu thụ từ thịt lợn, thịt bò sang thịt gia cầm đang xảy ra ở nhiều nền kinh tế, từ Brazil tới Trung Quốc. Thịt đỏ tăng giá phi mã khiến rất nhiều người không còn đủ khả năng kinh tế để mua chúng cho các bữa ăn gia đình. Sự hỗn loạn trong chuỗi cung ứng thực phẩm do đại dịch và xung đột ở Ukraine càng khiến xu hướng này trở nên trầm trọng hơn.

Tuy nhiên, đó cũng không phải tin vui với những con gà. Các biện pháp nuôi siêu trọng khiến cơ bắp tăng nhanh, vượt quá khả năng chịu đựng của xương cốt. Thậm chí, nhiều con gà còn gãy xương vì chính sức nặng của chúng. Các khu nuôi nhốt chật như nêm khiến dịch bệnh, chẳng hạn như cúm gia cầm, dễ dàng bùng phát và lây lan với tốc độ chóng mặt.

 Những chú gà cớm nắng trở thành cứu cánh cho cả nhân loại khi người dân không đủ tiền mua thịt lợn, thịt bò  - Ảnh 2.

Những điều đó không khiến người nông dân quay lưng với gà. Chi phí sản xuất gia cầm hiện nay đã giảm 1/3 so với 30 năm trước. Người ta chưa tìm ra cách để làm điều tương tự với các vật nuôi khác.

Dẫu vậy, nhu cầu hiện tăng nhanh đến mức các nhà sản xuất không thể theo kịp, dẫn tới tình trạng khan hiếm hàng. Các nhà hàng ở Mỹ đang tham gia vào một cuộc cạnh tranh khốc liệt nhằm có nguồn cung. Chuỗi cửa hàng gà Wingstop Inc. cho biết họ muốn mua một nhà máy chế biến. Đây sẽ là chuỗi nhà hàng lớn đầu tiên mạo hiểm mở rộng chuỗi cung ứng.

Layne’s Chicken Fingers, một chuỗi cửa hàng ở Texas chỉ bán gà rán, khoai tây chiên và một vài món ăn kèm đã bị nhà cung cấp gia cầm lớn nhất của mình dừng hợp tác trong năm ngoái khi không thể cung cấp đủ sản phẩm. Nguồn thay thế duy nhất mà Layne tìm được là Samir Wattar dù giá đắt gần gấp đôi. Năm nay, nhiều chuỗi lớn sẵn sàng trả tiền nhiều hơn chỉ để đảm bảo rằng nguồn cung của họ sẽ không bị cắt đứt.

Ở châu Á, thịt gà đang thay thế thịt lợn – loại thịt truyền thống góp mặt trong bữa ăn hàng ngày và cả những dịp lễ, tết. Thế hệ trẻ ở châu Á đang chấp nhận quan điểm của phương Tây khi cho rằng thịt trắng tốt cho sức khỏe hơn. Một số nhà hàng ở Trung Quốc không còn phục vụ thịt lợn, một thực tế không thể tưởng tượng trong vài năm trước đây.

Thực đơn tại Wagas, một chuỗi cửa hàng cao cấp tập trung vào các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe ở các thành phố lớn của Trung Quốc, đang đổi thực đơn sang thịt gà, bơ, hải sản và các lựa chọn có nguồn gốc thực vật thay vì sử dụng thịt lợn và các chế phẩm từ loài động vật này.

Người Brazil cũng đang rất ưa chuộng thịt gà trong năm nay vì lạm phát khiến thịt bò trở nên quá đắt đỏ. Quốc gia này cũng đang gia tăng sản lượng gia cầm dù đã là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới. Các nhà máy đang liên tiếp mở rộng hoạt động, thay đổi và cải tiến quy trình để có sản lượng cao hơn nữa.

Nhu cầu cũng đang tăng lên trên toàn cầu. Brett Stuart, đồng sáng lập của Global AgriTrends - một công ty tư vấn, cho biết: "Tôi không biết quốc gia nào trên thế giới không sử dụng thịt gà. Loại thịt này nằm trên bậc đầu tiên của thang cung cấp protein".

Theo Linh Anh

Cùng chuyên mục
XEM